Một góc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: PA)
Với diện tích tự nhiên 11.120 km2, dân số trên 3,5 triệu người, Thanh Hóa là tỉnh rộng thứ năm cả nước và đứng thứ 3 về dân số. Là điểm cuối của Bắc Bộ và đầu Trung Bộ lại còn là vùng Tây Bắc nối dài, có rừng, có đồng bằng, có biển và những doi cát chạy dài, Thanh Hóa chính là vị trí mở, cửa ngõ vào Nam ra Bắc và cũng là điểm dừng chân trên đường hàng hải quốc tế. Chính những yếu tố về địa lý, tự nhiên đã đem đến cho mảnh đất này sự giao lưu, tiếp nhận và ảnh hưởng với các nền văn hóa khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Thanh Hóa còn gặp phải khó khăn, bất lợi như: Địa hình trải dài, dân cư một số địa phương phân tán rộng; thiên tai, bão lũ hàng năm gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống của nhân dân… Bám sát đặc điểm đó, trên cơ sở sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã và đang quyết tâm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững.
Điểm nổi bật đầu tiên trong quá trình phát triển của Thanh Hóa đó chính là sự khởi sắc về lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Theo thống kê, năm 2018 vừa qua đã đánh dấu sự tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp, giá trị sản xuất ước đạt 95.065 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ, tăng cao nhất từ trước đến nay do có thêm các sản phẩm mới của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy dầu ăn Nghi Sơn và một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ như: Quần áo may sẵn, xi măng, điện sản xuất, thủy sản đông lạnh chế biến, thuốc lá bao, giầy xuất khẩu... Ngành dịch vụ tiếp tục phát triển khá, khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 94.270 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,76 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, ước đón 8.250 nghìn lượt khách, tăng 15,3% so với cùng kỳ; hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch được đầu tư mạnh mẽ, chất lượng các dịch vụ được nâng lên làm thay đổi diện mạo du lịch của tỉnh. Các dịch vụ về vận tải, bưu chính - viễn thông, ngân hàng,... tiếp tục có bước phát triển nhanh, mạng lưới ngày một mở rộng, loại hình dịch vụ đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân.
Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, điểm sáng trong thu hút đầu tư ở tỉnh
Thanh Hóa (Ảnh: PA) Đặc biệt, với phương châm “Hỗ trợ tối đa cho hoạt động đầu tư sản xuất”, Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan ban ngành của tỉnh Thanh Hóa đã thường xuyên tập trung thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các dự án đầu tư đạt kết quả tích cực. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; tham dự các hội nghị, diễn đàn về xúc tiến đầu tư tại Nga, Pháp, Na Uy, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ; tổ chức thành công đoàn công tác cao cấp đi thăm làm việc tại Cô-oét, thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Farwaniyah (Cô-oét) để xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào tỉnh. Cùng với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện và rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp nhằm góp phần đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo; các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 đều cải thiện so với năm 2017. Môi trường đầu tư được cải thiện đã khai thông rộng hơn các dòng vốn đầu tư xã hội, thể hiện ở sự gia tăng dư nợ tín dụng ngân hàng, gia tăng vốn thông qua các dự án đầu tư trực tiếp (FDI, DDI) được cấp phép và vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới thành lập. Thời gian qua, Thanh Hóa đã xúc tiến đầu tư thành công một số dự án lớn, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn sau, như: giai đoạn 2 Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn; tổng kho dầu thô (Kuwait); Khu liên hợp dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao tại Thọ Xuân của Tập đoàn FLC; các dự án du lịch quy mô lớn của Tập đoàn SunGroup… Riêng trong năm 2018, toàn tỉnh đã có 3.222 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 17.500 tỷ đồng, tăng 4% về số doanh nghiệp và 6,4% về vốn so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn tỉnh lên 12.523 doanh nghiệp; có khoảng 6.200 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ hơn 40.000 tỷ đồng, tăng 11,05% so với đầu năm. GRDP bình quân đầu người ước đạt 1.990 USD, tăng 287 USD so với năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 13,51% (năm 2016) xuống còn 8,43% (năm 2018), bình quân giảm 2,54%/năm.
Theo đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, kết quả trên có được là sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trên cơ sở tranh thủ thời cơ, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế xã hội của Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế trên một số lĩnh vực, như: tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm; một số sản phẩm công nghiệp sản lượng đạt thấp so với kế hoạch như đường kết tinh, ô tô tải, bia; chưa thu hút được nhiều các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp phụ trợ, phục vụ chuỗi sản xuất, công nghệ cao; tiến độ một số dự án đầu tư công còn chậm; một số vấn đề về thừa thiếu giáo viên, nợ đọng bảo hiểm xã hội, tình trạng quá tải tại các bệnh viện, vệ sinh an toàn thực phẩm… vẫn còn một số tồn tại. Đây sẽ là những trọng tâm cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung giải quyết trong thời gian sắp tới.
Cùng với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cũng có bước phát triển mạnh (Nguồn: baothanhhoa.vn)
Mới đây, tại chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa cuối tháng 12/2018 vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương những kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa; đó là sự góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của cả nước. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn được đánh giá ở dưới mức tiềm năng, chưa cân đối được ngân sách… Vì vậy, Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh Hóa phải phấn đấu là một hình mẫu của cả nước trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm người dân phải được hưởng lợi cao nhất, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới mức bình quân chung của cả nước, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Phát huy những kết quả đã đạt được, để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội theo hướng hiệu quả, bền vững, thời gian tới, Thanh hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, gắn với quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy đổi mới, sáng tạo và đẩy mạnh khởi nghiệp nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động tối đa vốn cho đầu tư phát triển. Đồng thời, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá xã hội; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xứng đáng là điểm sáng về phát triển kinh tế xã hội của miền Trung và của cả nước./.