Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị “Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu”. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn PAN tổ chức sáng 30/9, tại Hà Nội.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: BT)
Thông tin tại Hội nghị cho thấy, sau hơn 3 thập kỷ phát triển, Việt Nam đã trở thành nước có kim ngạch xuất khẩu điều nhân số một, chế biến đứng thứ hai và đứng thứ ba thế giới về năng suất và sản lượng. Năm 2016, ngành điều Việt Nam xuất khẩu 347.000 tấn điều nhân, đạt kim ngạch 2,84 tỷ USD, chế biến trên 50% sản lượng điều của thế giới. Ngành điều đem lại giá trị kinh tế lớn và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu nông dân và công nhân chế biến.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng ngành điều Việt Nam chưa phát huy hết tiềm năng và đang đối diện với nhiều khó khăn lớn. Sản lượng giảm, hiệu quả sản xuất thấp, thu nhập từ điều không cao, giá trị gia tăng thấp, nhiều diện tích điều bị thoái hóa hoặc bị chuyển đổi sang trồng các cây khác như cao su, cà phê, hồ tiêu,…có hiệu quả kinh tế cao hơn, hoặc chuyển sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp. Sản lượng điều trong nước chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của hơn 300 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn điều thô làm giá thành sản phẩm tăng cao mà chất lượng sản phẩm không ổn định. Trong khi đó, kinh nghiệm thế giới đã cho thấy rằng năng suất điều có thể tăng được 30-40% nếu áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ trong canh tác tiên tiến. Cùng với việc yếu về mặt công nghệ, ngành điều hiện tại chưa được quan tâm đầu tư một cách hệ thống mà đang phát triển manh mún, rời rạc, thiếu sự hợp tác liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà – nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học, dẫn đến các hoạt động sản xuất chưa thực sự đạt hiệu quả đúng với tiềm năng phát triển của ngành.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận để thúc đẩy phát triển ngành điều. Các đại biểu cho rằng, cần có các mô hình đầu tư sản xuất điều thí điểm, trong đó, sẽ đầu tư về chất lượng giống, quy trình chăm sóc,…qua thực tế thành công sẽ tạo điều kiện để nhân rộng, đồng thời để người trồng cùng thấy lợi ích của việc đầu tư giống, quy trình chăm sóc sẽ cho năng suất, hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, các vấn đề về xây dựng vùng điều nguyên liệu; chế biến sâu, coi trọng về công tác chất lượng giống là những vấn đề quan tâm của các đại biểu.
Đáng chú ý, đại diện cho một số hộ nông dân trồng điều ở thị xã Phước Long, Bình Phước cũng cho biết, do giống địa phương lâu năm nên việc ra hoa của cây điều không đều dẫn đến rất khó khăn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang giống khác cần thời gian dài, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của bà con nông dân, vì vậy, kiến nghị cần có những chính sách, hoạt động hỗ trợ giúp người dân trong quá trình chuyển đổi giống cây trồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, do nhu cầu thế giới ngày một tăng, ngành điều vẫn còn cơ hội phát triển. Tuy nhiên, ngành điều hiện nay đang chịu thách thức ở cả ba khu vực: sản xuất, chế biến và tiếp cận thị trường. Dù ngành điều có tiềm năng nhưng vẫn sẽ suy giảm nếu không chú trọng ở ba khu vực trên. Vì vậy, dứt khoát cả ba khu vực, đều phải quyết tâm đổi mới. Trong đó, phải dốc sức cho khu vực sản xuất nguyên liệu, nếu không cả hệ thống ngành sẽ rất khó phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, vấn đề nữa là làm sao chuyển 300 nghìn ha cây điều hiện nay sang cây thế hệ mới, canh tác quy trình mới để đẩy nhanh năng suất. Tuy nhiên, để đảm bảo sinh kế cho người dân ở giai đoạn này, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống từ cấp cơ quan quản lý nhà nước cho đến các doanh nghiệp, hiệp hội và người dân.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần tập trung làm thí điểm mô hình sản xuất thật tốt, qua đó, giúp người dân được “mục sở thị” nhằm triển khai hiệu quả hơn trong việc trồng điều. Để làm được điều này, rất cần quan tâm đến các khâu: giống tốt, quy trình chuẩn, đào tạo nhân lực, có nghiên cứu sản phẩm chế biến,…/.