|
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam tại buổi làm việc. (Ảnh: Báo Đồng Khởi) |
Mới đây, Ban Chỉ đạo Dự án (DA) Tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh, cho biết, 3 địa phương trên vừa có cuộc họp nhằm thảo luận về hướng tuyến, quy mô dự án.
Tại cuộc họp, các địa phương xác định đây là dự án sử dụng vốn vay, không phải từ nguồn ngân sách Trung ương. Do đó, cần thống nhất hướng tuyến để triển khai các công việc tiếp theo.
Các thành viên Ban Chỉ đạo dự án đã thảo luận về hướng tuyến, quy mô, phạm vi dự án, nhằm giữ mức tổng đầu tư trong giới hạn dưới 10.000 tỷ đồng.
Dự án tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn 1) có điểm đầu tại Km 0+000, giao với ĐT877B (khoảng Km 22+215), thuộc xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.
Điểm cuối tại Km 53+000, cuối cầu Cổ Chiên 2 (cầu Thạnh Phú), thuộc xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Trong đó, tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Bến Tre có tổng chiều dài dự kiến là 53km. Tổng vốn đầu tư hơn 28.500 tỷ đồng, bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2021 - 2025 và giai đoạn 2 sau năm 2025.
Giai đoạn 1 (2021 - 2025) với kinh phí 13.127 tỷ đồng xây dựng đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới. Xây dựng 13 cầu trên tuyến chính, trong đó có 5 cầu vượt sông lớn.
Giai đoạn 2 (dự kiến sau năm 2025) với kinh phí 15.419 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh sẽ nâng cấp, mở rộng tuyến đường ngoài đô thị với bề rộng nền đường 46m và trong đô thị với bề rộng nền đường 100m.
Nguồn vốn đầu tư dự kiến từ nguồn vốn ODA hỗ trợ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và vốn ngân sách tỉnh đối ứng.
|
Phối cảnh tuyến đường ven biển miền Tây. (Ảnh: Báo Giao thông) |
DA giúp thúc đẩy phát triển Bến Tre về hướng Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nhiều ngành kinh tế chủ lực, ven biển của tỉnh. Là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ riêng cho Bến Tre mà còn cho các tỉnh trong khu vực.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ nhấn mạnh: DA tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh là DA đặc biệt quan trọng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long kết nối với các tỉnh trong cả nước, khu vực và quốc tế. Vì thế không chỉ riêng Bến Tre hưởng lợi trong DA này. Tinh thần đàm phán giữa Bến Tre và Tiền Giang, Trà Vinh phải đặt lợi ích tổng thể lên trên hết để cân đối giữa các bên, hài hòa lợi ích giữa các tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đề nghị, trong tháng 9/2022, đơn vị tư vấn tối ưu hóa việc xác định hướng tuyến trong nội bộ tỉnh. Việc đàm phán với các tỉnh trong thời gian tới cần xác định hướng tuyến của DA, vị trí đấu nối, đặc biệt là phải xác định rõ phạm vi DA, thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng bên tham gia DA. Khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để vạch ra các bước cần thực hiện tiếp theo.
Ngày 1/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, quy hoạch tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Bến Tre có điểm đầu tại ranh giới tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, điểm cuối tại ranh giới tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.
Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, đoạn đường này nằm trong Dự án Đường ven biển miền Tây đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 10 năm trước.
Toàn tuyến dài gần 740km đi qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Tuyến đường này được hình thành trên cơ sở tận dụng tối đa các con đường hiện hữu kết hợp với đầu tư xây mới, kết nối thuận lợi với mạng lưới giao thông và phù hợp với các quy hoạch trong vùng.
Khi đường này hoàn thành, các xe sẽ dễ dàng đi từ Sóc Trăng, Trà Vinh qua Bến Tre, Tiền Giang, Long An về TP.HCM. Rút ngắn khoảng cách hàng chục km, góp phần "chia lửa", giảm ùn tắc, tai nạn cho QL1A và QL50.
|