|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Trong tổng thu ngân sách, thu nội địa chiếm tỷ trọng lớn, đạt 1.506,5 nghìn tỷ đồng, bằng 104,3% dự toán và tăng 16,8% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ các khoản thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu - chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế và phí nội địa đạt 105,9% dự toán, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, các khoản thu từ ba khu vực sản xuất - kinh doanh, chiếm 50,9% tổng số thu nội địa, đạt 100,8% dự toán, tăng 9,4% so với năm trước.
Nổi bật trong các khoản thu là thuế thu nhập doanh nghiệp, đạt 338,9 nghìn tỷ đồng, bằng 108,1% dự toán, tăng 12,7% so cùng kỳ; thuế giá trị gia tăng đạt 259,7 nghìn tỷ đồng, bằng 92% dự toán, tăng 7,3%; thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 105,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,3% dự toán, tăng nhẹ 0,6%. Thu thuế thu nhập cá nhân cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng, đạt 107,1% dự toán và tăng 17,2% so với cùng kỳ, nhờ thu từ chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán và quản lý hiệu quả các nguồn thu nhập từ nền tảng số, thương mại điện tử, livestream bán hàng.
Các khoản thu liên quan đến nhà, đất cũng đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 92,6% dự toán, tăng 65% so với cùng kỳ. Kết quả này đến từ việc tổ chức đấu giá đất hiệu quả và giao đất cho các dự án lớn từ cuối năm 2023, tạo nguồn thu ngay từ đầu năm 2024. Các khoản thu khác như thuế bảo vệ môi trường, phí và lệ phí, xổ số kiến thiết, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt, góp phần bổ sung nguồn thu ngân sách. Đặc biệt, thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 272,4% dự toán, tăng mạnh 91,3%, trong khi các khoản thu từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế, và chênh lệch thu - chi của Ngân hàng Nhà nước đạt 137,4% dự toán, tăng 7,2% so với cùng kỳ.
Thu từ dầu thô đạt khoảng 52,7 nghìn tỷ đồng, bằng 114,5% dự toán, mặc dù giảm 7,8% so với năm trước do giá dầu thô và sản lượng khai thác giảm nhẹ. Trong khi đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 248,6 nghìn tỷ đồng, bằng 121,9% dự toán và tăng 18,6% so với cùng kỳ. Kết quả này được hỗ trợ bởi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng đầu năm đạt 681,5 tỷ USD, tăng 15,7%; riêng kim ngạch hàng hóa có thuế tăng 15,9%, góp phần bổ sung khoảng 39,5 nghìn tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách. Một số mặt hàng nhập khẩu có thuế đóng góp lớn cũng tăng trưởng mạnh, hỗ trợ tích cực cho ngân sách.
Đáng chú ý, 34 địa phương trên cả nước đã hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách, trong khi 57 địa phương ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết việc thực hiện các chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP và Nghị định số 72/2024/NĐ-CP đã tác động giảm nguồn thu thuế giá trị gia tăng khoảng 17,3 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm. Dù vậy, với sự phục hồi của các ngành kinh tế và đẩy mạnh quản lý thu, nguồn thu ngân sách vẫn đạt kết quả vượt dự toán./.