Điểm sáng nông thôn mới huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre

Thứ hai, 02/12/2024 14:45
(ĐCSVN) - Huyện Chợ Lách nằm trên cù lao Minh, cách thành phố Bến Tre khoảng 40km được bao bọc bởi một phần sông Tiền, cùng sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông mang lại phù sa trù phú, kết hợp khí hậu ôn hoà, được mệnh danh là “vương quốc” của các loại hoa kiểng, cây giống, cây ăn trái đặc sản.

Lễ hội hoa - kiểng huyện Chợ Lách, ngày hội của nhà vườn thông minh và đổi mới sáng tạo

 Đường nông thôn mới tại địa bàn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre (Ảnh: PV)

Huyện Nông thôn mới Chợ Lách, vùng đất của “cây lành, trái ngọt”

Hiện, huyện Chợ Lách có khoảng 15 ngàn hộ trên tổng số 34 ngàn hộ dân của huyện tham gia sản xuất cây giống, hoa kiểng, đây là nguồn kinh tế chủ lực của nông dân nhà vườn Chợ Lách. Đến nay, huyện có 14 HTX nông nghiệp với tổng số thành viên là 3.544 thành viên. Huyện Chợ Lách có 31 làng nghề cây giống, hoa kiểng.

Năm 2020, Chợ Lách được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là huyện nông thôn mới và là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bến Tre.

Thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2021, định hướng đến năm 2025, huyện Chợ Lách xây dựng làng văn hóa du lịch Chợ Lách sẽ trở thành điểm nhấn du lịch của Việt Nam với lợi thế sản xuất hoa cảnh, cây giống, cây ăn quả gắn với giá trị văn hóa, lịch sử.

Mô hình làng Văn hóa du lịch Chợ Lách là sản phẩm của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn hướng đến mục tiêu kiến tạo điểm đến du lịch đặc thù miệt vườn, kích thích sản xuất, nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Đây là mô hình làng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn thí điểm xây dựng.

Nông dân nhà vườn huyện Chợ Lách là những nghệ nhân chăm hoa - kiểng (Ảnh: PV) 

Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách được quy hoạch chi tiết trên cơ sở định hướng phát triển không gian du lịch, cảnh quan và quy hoạch cơ sở hạ tầng. Làng được xây dựng để trở thành “vương quốc” của cây giống, cây ăn trái và hoa kiểng. Diện mạo Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách được xây dựng dựa trên những thế mạnh vốn có của vùng đất “cây lành, trái ngọt”, giàu truyền thống lịch sử, vùng đất hội tụ tiềm năng du lịch sông nước với hai con sông lớn là Hàm Luông và Cổ Chiên. Việc xây dựng và phát triển Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách nhằm xây dựng điểm đến đặc thù miệt vườn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tính hấp dẫn, cạnh tranh cao của khu vực và quốc gia. Phát triển làng Văn hóa du lịch Chợ Lách ngoài góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch còn đẩy mạnh đặc thù hóa sản phẩm du lịch cho Bến Tre nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Tháng 7/2022, Đề án Phát triển cây giống, hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia được phê duyệt. Theo đó, đến năm 2025, Chợ Lách sẽ trở thành Trung tâm cây giống và hoa kiểng quốc gia.

Huyện Chợ Lách - cộng đồng nông dân nhà vườn thông minh và đổi mới sáng tạo

Chợ Lách có nghề sản xuất cây giống lâu đời, góp phần rất lớn cho việc phát triển diện tích cây ăn quả ở nước ta trong thời gian qua với tổng diện tích 1.538ha, có trên 8.000 hộ sản xuất cung ứng hàng năm cho các tỉnh từ 17 - 20 triệu cây giống các loại như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, xoài, nhãn, mít và các loại cây có múi khác, tập trung ở các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành…

Về chất lượng cây giống cũng được ngành nông nghiệp quan tâm, tập huấn cho người dân biết và tuân thủ những quy định về sản xuất giống cây trồng, nhãn hiệu, thông tin về truy xuất nguồn gốc cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng. Đặc biệt, người dân Chợ Lách có tay nghề cao và kinh nghiệm lâu năm. Hầu như tất cả giống cây trồng, cây ăn trái chủ lực đều được người dân nhân giống thành công và bảo đảm cung ứng cho nhu cầu thị trường trong nước. Đồng thời, cây giống của huyện Chợ Lách đã trở thành thương hiệu phổ biến và đã có vị trí xứng tầm trên thị trường. Mức cầu của thị trường đối với mặt hàng cây giống vẫn tương đối ổn định.

Cùng với kinh nghiệm sản xuất qua nhiều thế hệ kết hợp với khoa học kỹ thuật tiên tiến, nghề sản xuất cây giống tỉnh ngày càng phát triển sâu rộng. Doanh thu bình quân tại vùng sản xuất cây giống huyện Chợ Lách là 776 triệu đồng/ha/năm. Ngành sản xuất cây giống hiện nay đạt giá trị sản xuất bình quân trên địa bàn huyện 831,8 tỷ đồng/năm, chiếm 41,6% giá trị sản xuất ngành trồng trọt trên địa bàn. Lợi nhuận bình quân xấp xỉ 461 triệu đồng/ha/năm.

Trên địa bàn huyện Chợ Lách có hơn sáu nghìn hộ chuyên trồng hoa, cây cảnh. Trong đó có 2.500 hội viên Hội Sinh vật cảnh với khoảng 700 nghệ nhân cấp tỉnh và bảy nghệ nhân cấp quốc gia. Làng nghề có nhiều nghệ nhân chuyên làm ra sản phẩm cây cảnh hình thú từ các loại cây như: si, quất, mẫu đơn… rất đẹp mắt và được xem là sản phẩm “độc quyền” trong dịp Tết của người dân nơi đây.

 Những vườn hoa tại huyện Chợ Lách trở thành điểm tham quan hút khách (Ảnh: PV)

Ở Chợ Lách, các nhà vườn sản xuất cây giống luôn lưu giữ nguồn gen quý của cây trái ngon, cây đầu dòng được cơ quan chức năng xác nhận. Cái Mơn có nhiều loại cây trái ngon như: Xoài, sầu riêng Ri 6, xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, măng cụt, vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh, chôm chôm,... có hiệu quả kinh tế cao.

Ngày nay, nhà vườn làm cây giống ở Chợ Lách còn là “nông dân thời chuyển đổi số”, họ nhanh nhạy nắm thông tin qua mạng internet về các loại trái cây được phép vào thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu, Úc, Trung Quốc... qua đường xuất khẩu chính ngạch, nhanh chóng nhân nhiều giống các loại cây và bán cây qua mạng online hoặc qua các sàn thương mại điện tử. Không khó để thấy nhà vườn Chợ Lách tự tin livestream bán hàng trên các nền tảng số mà không qua trung gian. Chợ Lách có hàng trăm youtuber, facebooker, tiktoker… tự sáng tạo nội dung và chủ động bán hàng trực tuyến một cách tự tin, thành thạo./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực