Đây cũng sẽ là nơi gặp gỡ của một cộng đồng nông dân miệt vườn thông minh và không ngừng đổi mới sáng tạo. Bên cạnh mục tiêu quảng bá, nâng cao hình ảnh và liên kết chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng địa phương, đây còn là dịp tôn vinh, biểu dương thành tích của nhà vườn, nghệ nhân, doanh nông tiêu biểu.
|
Các biểu tượng chào mừng Lễ hội (Ảnh: BTC) |
Trong các ngày từ 8/1 đến 12/1/2025, Lễ hội hoa - kiểng chợ Lách sẽ chính thức diễn ra. Đây là hoạt động chào mừng “Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre” vừa được Chính phủ ra quyết định vào ngày 27/11/2024 (Quyết định số 1478/QĐ-TTg, ngày 27/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre).
Lễ hội mang đến một “Sắc màu Chợ Lách” được phản ánh vừa sinh động, tươi mới, vừa sáng tạo, đầy cảm xúc trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện. Đó là một quá trình chuyển đổi nhận thức, tư duy, chiến lược cơ cấu nông nghiệp địa phương: Từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần đến kinh tế nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp và hướng đến chia sẻ giá trị văn hoá nông nghiệp vốn được hình thành mang tính đặc hữu của một vùng đất mang trong mình lịch sử nghề làm cây giống, hoa kiểng hằng trăm năm nay – “Văn minh miệt vườn”, “Văn minh sông nước”.
Lễ hội được tổ chức tại Làng Văn hoá du lịch huyện Chợ Lách. Đây là mô hình làng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn thí điểm xây dựng.
Dự kiến, Lễ hội sẽ thu hút 1.000 đại biểu khách mời đại diện quản lý Nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, nghệ nhân, nhà vườn tiêu biểu; khoảng 20.000 lượt khách tham quan, khách du lịch tham dự trong suốt các ngày diễn ra Lễ hội giữa rực rỡ sắc hoa Làng Văn hoá du lịch Chợ Lách.
|
Hoa hậu môi trường Nguyễn Thanh Hà, đại sứ Lễ hội với thông điệp: Du lịch nông thôn xanh góp phần nâng cao chuỗi giá trị hoa- kiểng phát triển bền vững (Ảnh: PV)
|
Lễ hội có quy mô hơn 100 gian hàng thương mại thuộc hoa kiểng, cây giống; gà nòi và các mô hình gà nòi; doanh nghiệp cung ứng giải pháp ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh nông nghiệp Chợ Lách; Khu, điểm, cơ sở kinh doanh, vườn… phục vụ các dịch vụ du lịch miệt vườn, du lịch nông nghiệp, nông thôn; Làng nghề truyền thống và thủ công mỹ nghệ; Ẩm thực miệt vườn và ẩm thực hội nhập vùng miền, quốc tế.
Ngoài ra còn có các hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại: Không gian văn hoá chọi gà truyền thống huyện Chợ Lách, năm 2025; Không gian văn hoá sinh vật cảnh huyện Chợ Lách; Không gian văn hoá Đờn ca tài tử; Không gian du lịch, ẩm thực và trò chơi dân gian miệt vườn; Không gian trưng bày thành tựu kinh tế nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu huyện Chợ Lách; Không gian phiên chợ livestream Hoa – Kiểng.
Cũng trong thời gian diễn ra Lễ hội, còn có các sự kiện: Hội thảo Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh và kết nối giao thương ngành hàng hoa kiểng huyện Chợ Lách; Diễu hành xe hoa thiết kế biểu tượng thành tựu kinh tế nông nghiệp và thương hiệu đặc trưng địa phương; Hội thi sáng tạo nội dung và tìm kiếm “chiến thần” livestream ngành hàng hoa, kiểng huyện Chợ Lách; Hội thi chế biến bánh ngọt và pha chế thức uống từ nguyên liệu nông sản địa phương; Giới thiệu và đón tiếp các đoàn khách du lịch, Công ty lữ hành kết nối 03 chương trình tour – tuyến mới được công bố trong khuôn khổ lễ hội.
Cuộc thi ảnh đẹp Chợ Lách; Trưng bày ảnh đẹp tại sân vận động xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách; Ra mắt bộ linh vật (mascot) của Làng Văn hoá du lịch Chợ Lách và bộ sản phẩm quà tặng lưu niệm cho khách du lịch; Tổ chức xếp đặt và trang trí các cụm tiểu cảnh, đại cảnh theo chủ đề, bố trí tại các điểm đến, tạo ấn tượng thu hút và hấp dẫn khách tham quan; Sáng tác ca khúc riêng cho Lễ hội; Tổ chức chương trình văn hoá, nghệ thuật đặc sắc hàng đêm; Công bố sàn giao dịch thương mại điện tử ngành hàng hoa kiểng huyện Chợ Lách; Đấu giá các “chiến kê” gà nòi gây quỹ hỗ trợ các mô hình kinh tế khởi nghiệp nuôi gà nòi đẻ trứng, nuôi gà nòi dưới vườn cây ăn trái,…
|
Lễ hội là dịp để muôn hoa hội tụ và khoe sắc (Ảnh: PV) |
Lễ hội Hoa – Kiểng huyện Chợ Lách, tháng 1/2025 là sự kiện chính trị, văn hoá ý nghĩa, được tổ chức trước thềm Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre – 17/1 và Tết Nguyên đán của dân tộc. Lễ hội hứa hẹn mang đến thông điệp tích cực cho thấy sự đồng thuận của người dân trong định hướng chiến lược của các cấp lãnh đạo trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội huyện nhà; Góp phần quan trọng khẳng định và quyết tâm giữ vững thương hiệu “Chợ Lách” đối với các ngành hàng chủ lực địa phương; Thông qua Lễ hội cho thấy diện mạo nông dân nhà vườn Chợ Lách năng động, đổi mới sáng tạo, luôn chủ động, thích ứng trước biến đổi khí hậu, xu hướng thương mại mới, xu thế kinh tế xanh và chuyển đổi số.
Trước thềm Lễ hội, ông Phạm Anh Linh, Chủ tịch UBND huyện chợ Lách thông tin, Lễ hội Hoa – Kiểng huyện Chợ Lách không chỉ là một sự kiện giao thương, mua bán thuần tuý. Không phải chỉ để là nơi bán sản phẩm hoa kiểng, cây giống, trái cây hay con gà nòi của Chợ Lách một cách thông thường, Lễ hội là không gian văn hoá mang tính đặc hữu địa phương được hình thành từ sản xuất nông nghiệp đặc trưng là kinh tế vườn, nghề làm cây giống, hoa kiểng hằng trăm năm trên vùng đất cù lao. Lễ hội mang đến thông điệp liên kết chặt chẽ và mạnh mẽ chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của huyện, trong đó, vị thế của nhà vườn, nghệ nhân và doanh nông miệt vườn Chợ Lách phải được nâng cao, đặt để đúng mức.
Từ đó, Chợ Lách cũng cho thấy sự tập trung cao của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án của tỉnh đang triển khai trên địa bàn huyện, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; Quảng bá thương hiệu địa phương, tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư nhằm khai thác tốt hơn nữa những lợi thế của huyện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập, phát triển bền vững kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân”./.