|
Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trao Báo cáo - kết quả dự án cho ông Miao Weicheng, Tham tán Công sứ Đại sứ quán nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam. (Ảnh: BGT) |
Sáng nay (16/12), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) tổ chức Họp cuối kỳ nhóm chuyên gia các cơ quan quản lý nhà nước Giao thông vận tải đường thủy và công bố Báo cáo Dự án “Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định giữa các nước Mê Công - Lan Thương”.
Đây là dự án hợp tác chiến lược nhằm tạo thuận lợi cho vận tải thủy an toàn và phát triển bền vững giữa 6 quốc gia trong khu vực: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar.
Dự án này, khởi động từ năm 2020, tập trung vào việc thiết lập diễn đàn hợp tác kỹ thuật trong vận tải thủy. Các cơ quan quản lý của các quốc gia Mê Công - Lan Thương đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức họp song phương và nhóm chuyên gia nhằm thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, mục tiêu cụ thể, chính yếu nhất của dự án mà Việt Nam mong muốn là xây dựng được diễn đàn chung hợp tác về kỹ thuật trong lĩnh vực vận tải đường thủy. Qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước của 6 quốc gia có thể gặp gỡ, trao đổi về quy định kỹ thuật tiến tới hài hòa hóa để phát triển vận tải bằng đường thủy bền vững trên dòng sông chung, đặc biệt là có thể tiến tới thiết lập mạng lưới vận tải bằng đường thủy xuyên suốt 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia.
Ông Bùi Thiên Thu cho biết, sau gần 3 năm triển khai nghiên cứu với rất nhiều các buổi họp nhóm chung, trao đổi cụ thể từng quốc gia, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan đồng cấp các quốc gia MLC, dự án đã hoàn thành các hoạt động đạt hiệu quả và chất lượng.
Theo ông Bùi Thiên Thu, Báo cáo dự án cùng với khuyến nghị hài hòa hóa cho 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia do Việt Nam chủ trì cùng sự phối hợp nghiên cứu, rà soát hiệu chỉnh tích cực của các cơ quan các nước MLC là kết quả nghiên cứu của dự án, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở tham chiếu trong việc xây dựng các quy định kỹ thuật và hệ thống quy phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực vận tải đường thủy. Đặc biệt, đây còn là minh chứng cụ thể về hiệu quả mà Cơ chế hợp tác Mê Công - Lan Thương mang lại cho các quốc gia cùng chung dòng sông Mê Công.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Miao Weicheng, Tham tán Công sứ Đại sứ quán nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam cho biết, dự án hài hoà hoá tiêu chuẩn và quy định giữa các nước Mê Công - Lan Thương" là loạt dự án đầu tiên của Việt Nam được Quỹ đặc biệt hợp tác Mê Công - Lan Thương hỗ trợ. Việt Nam là nước tham gia quan trọng và đóng góp tích cực cho Hợp tác Mê Công - Lan Thương cũng như nhiều nước được hưởng lợi. Từ năm 2020, Trung Quốc đã viện trợ gần 7 triệu USD cho Việt Nam thông qua Quỹ đặc biệt hợp tác Mê Công - Lan Thương, được đầu tư vào các dự án mang lại lợi ích cho người dân như công trình thủy lợi, thương mại biên giới, đào tạo kỹ năng và sản xuất nông nghiệp, đóng góp tích cực tới sự phát triển kinh tế và xã hội địa phương, đồng thời cũng phản ánh sự hợp tác hiệu quả và thực chất giữa Trung Quốc và Việt Nam.
|
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: BGT) |
Tại Hội nghị lần này, Báo cáo dự án được công bố và danh sách khuyến nghị cụ thể, lộ trình thực hiện để hiện thực hóa mong muốn hài hòa hóa các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ góp phần tăng cường sự gắn bó sự hợp tác về kỹ thuật giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường thủy; đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động qua lại bằng đường thủy giữa các nước MLC, thúc đẩy phát triển kinh tế, logistics và bảo vệ môi trường.
Thông qua kết quả dự án và triển khai các đề xuất theo Báo cáo dự án sẽ góp phần phát huy đầy đủ tiềm năng giao thông và thương mại của sông Mê Công - Lan Thương, làm cho giao thông thủy an toàn hơn, bền vững hơn. Qua đó tạo thuận lợi, tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các quốc gia, thu hút đầu tư trong nước và quốc tế.
Báo cáo cuối kỳ đã đề xuất lộ trình hài hòa hóa quy định liên quan đến vận tải thủy xuyên biên giới, từ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật đến cơ chế phối hợp vận tải giữa các nước.
Báo cáo dự án được đánh giá là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa các nước trong khu vực. Các khuyến nghị về quy định chung và tiêu chuẩn kỹ thuật được đưa ra nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm phát thải môi trường và phát huy tiềm năng kinh tế sông Mê Công.
Đặc biệt, việc xây dựng mạng lưới vận tải thủy xuyên suốt Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia hứa hẹn thúc đẩy thương mại và logistics khu vực. Dự án không chỉ góp phần giảm chi phí vận tải mà còn hỗ trợ các nước áp dụng hệ thống luật pháp hiện đại trong quản lý đường thủy.
Đồng thời, đây là cơ hội để khu vực chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng hợp tác quốc tế và tăng cường kết nối kinh tế. Thông qua kết quả này, các quốc gia Mê Công - Lan Thương cam kết tiếp tục đồng hành trong việc hiện thực hóa các mục tiêu chung vì sự phát triển bền vững./.