Đây là cam kết của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn khi chia sẻ về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của nước ta.
Theo Bộ trưởng Dũng, thực hiện nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên Ban Chỉ đạo dự thảo Báo cáo và xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng hợp tình hình triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạcih và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (Ảnh: MPI) |
Tiếp theo đà tăng trưởng nhanh và ổn định trong 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong năm 2024 tiếp tục có sự tăng tốc mạnh mẽ và đạt giá trị gần 600 tỷ USD, với một số điểm nhấn đáng chú ý như: (i) Nhu cầu chip phục vụ AI tăng cao; (ii) Ngành công nghiệp xe điện phát triển nhanh và trở thành xu hướng toàn cầu; (iii) Phủ sóng mạng 5G tiếp tục làm tăng nhu cầu về chip; (iv) Khôi phục chuỗi cung ứng sau đợt thiếu hụt chip vào năm 2021, với việc đầu tư vào các nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ, châu Âu và châu Á; (v) Công nghệ sản xuất mới và đóng gói tiên tiến bắt đầu được áp dụng dưới sự dẫn dắt của một số ít các tập đoàn công nghệ như TSMC và Samsung; (vi) Các quốc gia, nền kinh tế tiếp tục có các gói hỗ trợ lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn nhờ vào: (i) Nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh; (ii) Sự đầu tư và nâng cấp mạnh về cơ sở hạ tầng; (iii) Cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở; (iv) Quyết tâm chính trị cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ.
Vừa qua, Việt Nam đã có nhiều hành động quyết liệt: (i) Thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban; (ii) Ban hành Chương trình Phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và triển khai nhiều giải pháp, hành động cụ thể.
|
Việt Nam hướng đến trở thành trung tâm mới ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới (Ảnh đồ hoạ) |
Qua đó, từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách, nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia hợp tác với các đối tác, tập đoàn công nghệ hàng đầu để thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn,
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức các hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn; tăng cường làm việc với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn để trao đổi, kết nối về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp bán dẫn.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành hướng dẫn triển khai Chiến lược và đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ được giao.
Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... và đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.
Một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Dương… đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
“Thông qua đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy rằng các nhà đầu tư đánh giá rất cao các sáng kiến, nỗ lực của Việt Nam trong phát triển ngành bán dẫn trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện cam kết, khẳng định rất coi trọng thị trường Việt Nam, thông báo về tình hình hoạt động và kế hoạch mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội “hiếm có” này để tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, do đó cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Việt Nam cũng không thể đi đến đích nếu chỉ đi một mình, mà hơn lúc nào hết, ở giai đoạn và thời cơ quan trọng này, cần có sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia, nền kinh tế và các doanh nghiệp, đối tác hàng đầu thế giới về bán dẫn thì mới có thể đứng trên vai những người khổng lồ, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để vươn lên thành một quốc gia có vị thế trọng tâm của châu Á và thế giới trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn./.