Bài 1: Làm sống lại một nghề di sản văn hóa quốc gia

Gìn giữ và phát huy nghề làm muối ở Bạc Liêu
Thứ hai, 16/12/2024 16:21
(ĐCSVN) - Năm 2019, sản phẩm “Muối Bạc Liêu” một lần nữa được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, qua đó khẳng định thương hiệu muối Bạc Liêu trên thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là minh chứng cho sức sống bền bỉ, mãnh liệt của một nghề truyền thống có vai trò quan trọng đối với kinh tế và văn hóa Việt.

Lần đầu tiên sẽ diễn ra Festival nghề muối Việt Nam

Tuy nhiên, để gìn giữ và phát huy nghề một cách hiệu quả, bền vững cần sự chung sức, đồng lòng của rất nhiều cấp, ngành và sự hưởng ứng của bà con nông dân. Vì lẽ đó, tới đây, việc tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025 (dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8/3/2025), chính là một trong nhiều hoạt động nhằm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về tầm quan trọng, tiềm năng và triển vọng của hạt muối Việt Nam, đồng thời góp phần cải thiện đời sống xã hội, nâng tầm giá trị hạt muối. Không để Lễ hội rơi vào tình trạng của một hội chợ thông thường, Festival lần đầu tiên về nghề muối ở Việt Nam sẽ hướng tới việc viết lại câu chuyện về muối Bạc Liêu nói riêng, muối Việt Nam nói chung tạo nên tình cảm yêu thương, trân quý về nghề muối, diêm dân và những sản phẩm từ muối.

Khơi dậy nghề muối và những sản phẩm từ muối

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Ảnh: HNV)

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Festival lần này dự kiến thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng trong nước và quốc tế đồng thời qua đó lan tỏa lớn nhất đến người dân các địa phương, cộng đồng diêm dân sản xuất, tổ chức, cá nhân chế biến, thương mại các sản phẩm về muối, người tiêu dùng muối và các sản phẩm từ muối thông qua nhiều hoạt động hưởng ứng lễ hội như: các cuộc thi khởi nghiệp, các giải pháp phát triển nghề muối, giáo dục dinh dưỡng về muối, các hoạt động liên quan tạo sự thu hút của diêm dân, nghệ nhân các làng nghề muối trong cả nước, riêng Bạc Liêu, sẽ tập trung nhất vào 03 huyện thành phố là huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình và TP. Bạc Liêu - nơi được coi là “nôi” của nghề muối Việt Nam.

Theo ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, trải qua hằng trăm năm phát triển, quá trình làm ra hạt muối tưởng chừng như đơn giản nhưng đó lại là cả một hành trình kỳ công, nhọc nhằn với mồ hôi lẫn nước mắt của diêm dân. Không trắng trong như hạt muối được sản xuất ở miền Trung nhưng muối Bạc Liêu mang hương sắc đặc trưng của nước biển phù sa, đây cũng là đặc sắc của muối Bạc Liêu khi có màu trắng hồng, hạt khô chắc và không tạp mùi mà không nơi nào có được. Hiện nay, muối Bạc Liêu được xuất sang Campuchia để muối cá, làm nước mắm, làm khô. Đồng thời cũng là sản phẩm muối duy nhất của nước ta được đưa vào thị trường Nhật, bởi chất lượng vượt trội so với các loại muối khác, đó là mặn mà không chát đắng. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng chọn hạt muối sản xuất tại quê hương của công tử Bạc Liêu để làm gia vị chế biến cho món kim chi, một trong những món ăn truyền thống nổi tiếng của đất nước này mà không phải thứ gia vị nào cũng có thể chen chân vào được. Điều đó cho thấy, muối Bạc Liêu đã khẳng định được thương hiệu và có một vị trí nhất định trên thị trường trong và ngoài nước.

Nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đều chung tâm sự, nhiều đời gia đình gắn bó với hạt muối, dù nghề muối vất vả, có lúc thăng lúc trầm nhưng chưa từng nghĩ đến việc bỏ nghề bởi vì thương cái vị mặn mà của muối mà hễ xa là nhớ. Họ thương muối như một thứ tình yêu mãnh liệt mà soạn giả Ngô Hồng Khanh đã thể hiện trong bài vọng cổ "Biển cạn": "Muối Long Điền mặn nghĩa thủy chung" hay "cá kèo kho muối Bạc Liêu, lấy chồng quê biển thêm yêu Gành Hào"… Rồi nhiều xóm làng ở xã Điền Hải, Long Điền Tây cũng được gọi là xóm muối, hay ấp Diêm Điền vì tập trung hàng trăm hộ dân đều sống bằng nghề làm muối. Tình yêu giữa người và muối không chỉ đi vào thơ ca mà trong quá trình lao động nhọc nhằn, diêm dân còn sản sinh ra những câu ca dao đầy tự tin, hào sảng, thể hiện tinh thần lao động không biết mệt mỏi: "Chừng nào chưa cạn biển Đông, Bạc Liêu còn muối anh không sợ nghèo"…

Đặc sắc nghề muối và hạt muối Bạc Liêu

Nguồn: Ban tổ chức 

Theo thống kê, Bạc Liêu có lịch sử nghề làm muối từ rất lâu đời, nổi tiếng là tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối, tập trung nhiều nhất ở các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình); Long Điền Đông, Điền Hải, Long Điền Tây (huyện Đông Hải), với diện tích trên 2.400 ha. Ngày xưa, muối Bạc Liêu được gọi là muối Ba Thắc (Ba Thắc là từ cổ chỉ vùng đất Nam sông Hậu), sau này dân gian còn gọi muối Bạc Liêu là muối Long Điền vì ở Long Điền, có diện tích sản xuất muối nhiều nhất và nổi tiếng nhất Bạc Liêu. Một số địa danh ở Bạc Liêu thể hiện sự phát triển của nghề truyền thống này như Tu Muối (nhà kho chứa muối) dọc dài gần cây số nằm trên bờ sông Bạc Liêu (nay ở phường 2, thị xã Bạc Liêu), hay kinh Dòng Me (nay là kinh 30 tháng 4) được đào để chuyên chở muối từ ven biển vào đến tận nội thành bán cho ghe làng chở đi thương cảng tại Sài Gòn hoặc ngược dòng sông Hậu sang Campuchia.

Muối Bạc Liêu được nhận xét là hạt muối để lại “hậu ngọt”, nhờ vào sự ưu ái của thiên nhiên dành cho vùng đất này như: bờ biển bằng phẳng và thấp, không có các núi đá vôi ven biển, thuận lợi cho việc lấy nước biển vào các kênh mương, trảng chứa nước làm muối; điều kiện khí hậu thuận lợi cho quá trình bốc, thoát hơi nước từ các sân phơi và quá trình kết tinh muối; hàm lượng sét trong đất mặn sản xuất muối cao (42,19 –59,43%) nên tránh được thất thoát nước biển giúp tăng sản lượng muối; độ mặn nước biển thuận lợi cho việc kết tinh muối nhanh và tốt; chế độ bán thủy triều, hệ thống sông ngòi dày đặc, có các cửa sông chính là cửa sông Gành Hào, Chùa Phật và Cái Cùng thuận lợi cho việc dẫn nước biển nhập điền.

 Những hình ảnh đồng muối tại Bạc Liêu (Nguồn: Ban tổ chức)

Vụ muối của diêm dân Bạc Liêu diễn ra vào mùa nắng gắt, có thời gian khoảng 5 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 11. Quy trình sản xuất muối Bạc Liêu được hình thành và truyền qua nhiều thế hệ, đến nay những quy trình kỹ thuật cơ bản này vẫn được duy trì và áp dụng như những yêu cầu bắt buộc, từ lấy nước, chứa nước và làm tăng độ mặn cần thiết, phơi kết tinh và thu hoạch.

Theo truyền thống hằng năm, vào các dịp giao mùa thời tiết và cúng Đình, diêm dân Bạc Liêu thường tổ chức cúng trời đất, thần linh cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng thuận lợi. Trong quá trình sản xuất, ở từng công đoạn làm muối, diêm dân thường tránh những ngày mùng 5, 14, 23 là những ngày kiêng kị cho việc đi lại, hay bắt đầu làm những việc gì đó. Trong ngày đưa nước ót vào sân kết tinh, diêm dân có một nghi lễ với lễ vật đơn giản để cầu trời cho thời tiết thuận lợi, không bị trái gió trở trời, rớt vài hạt mưa làm hư hỏng vụ mùa. Sản phẩm muối Bạc Liêu có 3 loại muối, đó là muối bạc, muối trắng và muối đen, lại không có vị đắng và chát do có hàm lượng NaCl trung bình cao 96,3%, hàm lượng MgCl2 trong muối thấp (0,76 - 0,89%), khô ráo, chắc xốp, khác biệt so với muối của các tỉnh khác.

Nghề làm muối Bạc Liêu phản ánh một phần lịch sử khai phá vùng đất Bạc Liêu trong tiến trình cha ông đi mở đất phương Nam, công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Nghề làm muối Bạc Liêu tạo ra sản phẩm không chỉ là hàng hóa thuần túy mà còn là mang tính sáng tạo và phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, điều kiện tự nhiên khác biệt của vùng đất. Mang trong mình các giá trị tiêu biểu, nghề làm muối ở Bạc Liêu được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2746/QĐ-BVHTTDL ngày 30/9/2020./.

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực