Thực hiện thành công chiến lược Việt Nam hóa mạng lưới viễn thông

Thứ sáu, 24/03/2023 16:57
(ĐCSVN) - Hệ thống tổng đài thoại cho mạng 4G/5G (hệ thống IMS), sản phẩm cuối cùng trong hệ sinh thái các sản phẩm mạng lõi mà Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech - VHT) nghiên cứu, sản xuất đã chính thức được triển khai trên mạng lưới của nhà mạng Việt Nam từ ngày 24/3.

Sự kiện này đánh dấu việc Viettel đã hoàn thành chiến lược Việt Nam hóa mạng lõi viễn thông, bảo đảm yêu cầu về an ninh an toàn thông tin. 

IMS là một trong những thành phần quan trọng trong lớp mạng lõi, cung cấp dịch vụ gọi thoại với các ưu điểm hoàn toàn vượt trội so với dịch vụ thoại trên mạng 3G. Trong đó, thời gian thiết lập cuộc gọi nhanh hơn 3 lần, chất lượng cuộc gọi đạt tiệu chuẩn HD call, giảm lượng tiêu thụ pin của thiết bị đầu cuối từ 30-50% khi thực hiện cuộc gọi.

Từ năm 2018, quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm đã tuân thủ tiêu chuẩn kĩ thuật của Liên minh Viễn thông Quốc tế 3GPP, triển khai trên nền tảng ảo hóa theo xu hướng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, giúp dễ dàng tích hợp vào mạng lưới.

 Sản phẩm do Viettel nghiên cứu, phát triển và sản xuất có khả năng thích ứng được với các rủi ro ngày càng khó lường trong môi trường an ninh mạng phức tạp (Ảnh: VHT cung cấp)

Khi vận hành hệ thống IMS, ngoài việc tiết kiệm 1/2 chi phí so với việc nhập khẩu, Viettel còn có khả năng tự chủ, không phụ thuộc vào bên thứ 3, đồng thời linh hoạt trong việc nâng cấp, điều chỉnh những gói dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Từ nhiều năm trước, Viettel đã có chiến lược dần thay thế các thiết bị ngoại nhập và tiến tới sử dụng toàn bộ hệ thống mạng lõi viễn thông bằng các thiết bị tự sản xuất.

Các sản phẩm “made by Viettel” đã chiếm lĩnh toàn bộ thị phần 80 triệu thuê bao tại Việt Nam như: Hệ thống tính cước thời gian thực OCS, Hệ thống điều khiển băng thông tốc độ truy cập internet của thuê bao di động PCRF, Hệ thống tổng đài tin nhắn SMSC, Hệ thống tổng đài nhạc chuông chờ CRBT…

Nhằm đảm bảo an toàn mạng lưới và khai thác tối đa ưu điểm của các nhà cung cấp thiết bị (vendor), Viettel luôn sử dụng multi-vendor để cung cấp dịch vụ tốt nhất tới khách hàng, trong đó các phẩm của VHT cũng chiếm trên 50% mạng lưới như Hệ thống tổng đài chuyển mạch mềm MSC, Hệ thống chuyển mạch mạng lõi EPC, Thiết bị định tuyến Site Router, Trạm thu phát eNodeB…

Ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc VHT cho biết: “Viettel có lợi thế khác biệt so với các đối thủ lớn trên thế giới, vừa là nhà mạng vừa là đơn vị phát triển sản phẩm thiết bị viễn thông. Việc sử dụng các thiết bị “made in Vietnam” cũng góp phần tiết kiệm ngoại tệ, tối ưu chi phí đầu tư và vận hành, đồng thời là tiền đề khẳng định sản phẩm Viettel đang song hành công nghệ thế giới, sẵn sàng cho thương mại hóa 5G”.

Ngoài Việt Nam, trong năm 2023, Viettel dự kiến đẩy mạnh xuất khẩu mảng sản phẩm thiết bị viễn thông sang các thị trường như Cambodia, Lào, Mozambique, Peru.../.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực