Ảnh minh họa: Tá Chuyên – TTXVN
Mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng đã góp phần tăng thêm lợi nhuận đáng kể cho nông dân, tạo động lực cho phong trào chuyển đổi sản xuất trên nền đất lúa theo hướng đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn.
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trồng bắp trên chân ruộng cho nông dân lợi nhuận gần 50 triệu đồng/ha, gần gấp ba lần so với trồng lúa độc canh. Trồng các loại rau màu khác luân canh trên nền đất lúa không chỉ đem lại lợi nhuận cao gấp 3 đến 5 lần so với trồng lúa mà còn giúp giảm chi phí bảo vệ thực vật, tăng độ phì nhiêu của đất canh tác, tăng thêm nguồn nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế tham gia thị trường,… Cây cho hiệu quả cao nhất là dưa hấu với lợi nhuận gần 80 triệu đồng/ha/năm.
Ông Dương Văn Bót, ấp Bình An, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây có 4.600 m2 đất trồng rau màu. Năm qua, ông luân canh cà chua và cà nâu. Sau khi thu hoạch trừ chi phí, gia đình thu lãi ròng gần 100 triệu đồng nhờ được mùa, được giá. Theo ông Bót, trồng màu trên nền đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, tốn ít công chăm sóc nên nhàn nhã hơn. Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây có 0,5 ha đất trồng chuyên canh rau màu. Tùy theo nhu cầu thị trường, bà chọn loại cây màu thích hợp và mỗi năm quay từ 3 – 4 vòng. Bà Hạnh cho biết, với cách làm như trên, sau một năm canh tác, trừ chi phí, còn lãi ròng trên 60 triệu đồng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Cao Văn Hóa đánh giá, cây màu là một trong những lợi thế đang được phát huy của nông nghiệp địa phương. Mô hình trồng màu cũng hết sức đa dạng như luân canh, chuyên canh, xen canh… Trước mắt, Tiền Giang đã định hình những vùng trồng màu tập trung lớn ở Châu Thành, ven Thành phố Mỹ Tho, Chợ Gạo, Gò Công Tây,… Năm qua, diện tích trồng màu của tỉnh cho sản lượng trên 1,057 triệu tấn, phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh./.