Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Tiền Giang).
Tiền Giang có bờ biển dài 32 km, nhiều địa phương có nghề đánh bắt hải sản truyền thống từ lâu đời như: thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông, thành phố Mỹ Tho… thu hút hàng chục ngàn lao động lành nghề. Ngoài ra, còn giúp các ngành nghề phụ khác có cơ hội phát triển như: sơ chế hải sản, kinh doanh – mua bán thủy hải sản, làm khô mắm… đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại các địa bàn ven biển.
Để nghề khai thác hải sản phát triển theo hướng bền vững, Tiền Giang có nhiều giải pháp hiệu quả như: quy hoạch, định hướng cho ngư dân, khuyến khích đóng mới các phương tiện có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại… đủ khả năng vươn ra đánh bắt ngoài khơi xa.
Bên cạnh đó, kiện toàn cơ sở vật chất tạo hậu cần nghề cá như: cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối để tiêu thụ hải sản đánh bắt được…Trên địa bàn tỉnh, hiện có 2 cảng cá nằm trong hệ thống cảng cá quốc gia là: Cảng cá Mỹ Tho (thành phố Mỹ Tho) và Cảng cá Mỹ Tho.
Tỉnh cũng áp dụng những chính sách quan trọng về khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Trong năm qua, tỉnh đã giải quyết trên 260 lượt hồ sơ hỗ trợ theo yêu cầu của ngư dân. Bên cạnh đó, có 32 phương tiện đầu tư nâng cấp phương tiện, vay thêm vốn lưu động… nhằm bám biển, đẩy mạnh đánh bắt tại các ngư trường khơi xa.
Hiện nay, các ngư trường truyền thống của ngư dân Tiền Giang là: quần đảo Trường Sa, Nhà Giàn DK1, Nam Côn Sơn, khu vực biển Tây… Năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu, đạt sản lượng đánh bắt hải sản trên 102.000 tấn tôm cá các loại./.