Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Tiền Giang
(Ảnh: BT)
Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diện tích tự nhiên 2.509,3 km2, chiếm 6,2% diện tích vùng. Tỉnh có khoảng 178.789ha đất nông nghiệp, sản xuất chủ yếu trái cây, lúa và rau màu. Về sản xuất lúa, tỉnh có 2 vùng trọng điểm: vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung tại các huyện phía Tây; vùng sản xuất lúa thơm, đặc sản được tập trung tại các huyện phía Đông.
Thời gian qua, nông nghiệp Tiền Giang được tập trung đầu tư theo hướng phát huy lợi thế so sánh, khai thác tối đa tiềm năng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên của từng tiểu vùng. Tuy vậy, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã và đang đang trở thành thách thức lớn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, những năm gần đây, khô hạn, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt và có chiều hướng gia tăng về thời gian, nồng độ mặn và lấn sâu trên 75km so cửa biển, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cả tỉnh. Tính riêng năm 2016, đã có 5.009ha lúa, 128ha cây ăn quả và 718ha rau màu bị thiệt hại. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 105 tỷ đồng.
Theo dự báo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2030, mực nước biển dâng cao hơn và mặn xâm nhập sâu hơn, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân toàn tỉnh. Đồng thời, tác động mạnh đến hệ thống đê biển Gò Công, tiếp tục gây bất lợi đến hệ thống canh tác và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cư dân vùng này. Trước thách thức trên, thời gian qua tỉnh đã có nhiều giải pháp để cải thiện sản xuất của vùng, đặc biệt thực hiện Dự án ngọt hóa Gò Công đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của người dân trong vùng. Hệ thống canh tác của vùng đã từng bước có sự thay đổi đáng kể, từ 1 vụ lên 2 - 3 vụ lúa, trồng màu, chăn nuôi, vườn cây ăn quả đã phát triển.
Thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”. Trong đó, thực hiện cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ của 37 xã, 3 phường, 4 thị trấn của 5 huyện, thị phía Đông đến năm 2025 là 26.147ha. Cụ thể, cắt vụ là 23.143ha, chuyển sang trồng cây ăn quả 3.004ha và chuyển vụ 4.128ha. Đến năm 2025, toàn vùng Dự án ngọt hóa Gò Công chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm hoặc luân canh lúa màu. Riêng huyện Tân Phú Đông không còn sản xuất lúa, toàn bộ diện tích đất lúa chuyển sang trồng cây ăn quả thích nghi và cây màu hoặc luân canh tôm - lúa, lúa - cá.
Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, tỉnh đã vang đang tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống kho chứa, bảo quản, máy sấy lúa; hệ thống sơ chế, chế biến, bảo quản phục vụ cho sản phẩm cây trồng chuyển đổi. Về khoa học công nghệ, tổng kết những mô hình có hiệu quả kinh tế, có thị trường tiêu thụ để khuyến cáo, hướng dẫn nông dân áp dụng. Khuyến khích nông dân áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP); chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và triển khai gói kỹ thuật về phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn. Sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng thích hợp theo mùa vụ, kháng sâu bệnh, phẩm chất tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời sử dụng giống rau màu ưu thế lai F1 có thị trường tiêu thụ; sử dụng màng phủ nông nghiệp, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, từ khâu làm đất đến gieo cấy và thu hoạch.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai xây dựng mới chính sách hỗ trợ cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo hướng ưu tiên hỗ trợ giống cây trồng; hỗ trợ cơ giới hóa phục vụ chuyển đổi với quy mô lớn. Hỗ trợ nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ lãi suất vay thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho nông dân trong vùng chuyển đổi. Về tổ chức sản xuất, phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tạo sự liên kết chặt chẽ trong toàn chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ, giảm bớt các khâu trung gian, từng bước gắn kết nông dân trong vùng liên kết với nhau thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ để tập hợp sản phẩm với sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp.
Cùng với các giải pháp trên, Tiền Giang tiếp tục xúc tiến thương mại, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư, tiêu thụ sản phẩm; mở rộng các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm hoa màu bằng cách liên kết các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi thủy sản, từng bước gắn kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp theo phương thức đặt hàng để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất theo phương thức mỗi sản phẩm hàng hóa đều gắn với một doanh nghiệp cụ thể./.