Tìm lời giải cho bài toán kích cầu tín dụng

Thứ sáu, 01/09/2023 22:32
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã liên tục điều chỉnh, giảm bốn lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5 - 2,0%/năm. Đồng thời, NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, dù lãi suất tuy giảm nhưng tăng trưởng tín dụng lại có xu hướng chậm hơn.
 Ảnh minh họa: M.P

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn thấp

Tín dụng ngân hàng vẫn luôn là một kênh dẫn vốn cực kì quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam khi tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam năm 2022 đạt mức 125,34%, một trong những nước có tỉ lệ này cao nhất trên thế giới. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trải qua những khó khăn nhất định, khiến kênh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển tương xứng với vai trò và vị thế, áp lực vốn trong nền kinh tế vẫn được đặt phần lớn trên vai của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) thông qua tín dụng ngân hàng.

Không chỉ quyết liệt với các động thái giảm lãi suất, NHNN ngay từ đầu năm đã định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng định hướng cao hơn các năm trước và tạo dư địa cho các TCTD có thể đẩy mạnh hơn nữa việc cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Đây có thể coi là nỗ lực rất lớn của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 ở mức thấp hơn dự kiến, các nguồn vốn trung, dài hạn trong nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn. 

Ngoài ra, NHNN cũng đã có nhiều biện pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song tín dụng nền kinh tế 07 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 9,54%). Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14 - 15%.

Bà Hà Thu Giang Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) đã chỉ ra một số nguyên nhân ảnh hưởng đến sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Theo Bà Giang, do tác động của nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19, lại kết hợp bị ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu nên nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn giảm sút. Mặc dù các chỉ số kinh tế trong nước đang có xu hướng diễn biến tích cực (như: xuất khẩu tháng 7 tăng 2,1% so với tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 3,9%...) song do ảnh hưởng dồn tích từ thị trường trong những tháng đầu năm nên tín dụng đến cuối tháng 7 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa,  hợp tác xã do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, tình hình tài chính của DNNVV còn thiếu minh bạch...

Đặc biệt, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tín dụng bất động sản (BĐS) chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung nên khi tín dụng BĐS tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện tín dụng BĐS tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung; trong đó dư nợ kinh doanh BĐS trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS chiếm đến 65% dư nợ tín dụng BĐS lại giảm 1,12% (năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 03 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng 31,01%).

Bà Giang phân tích, điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua BĐS với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án BĐS đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án BĐS gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%).

Ngoài ra, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Cần những chính sách đồng bộ kéo “cầu” tín dụng

Việc Chính phủ đưa ra những chính sách để giải quyết những khó khăn trong tăng trưởng tín dụng ngân hàng là vô cùng chính xác và cần thiết để có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định sức khỏe doanh nghiệp và đời sống của người dân, hướng đến thực hiện thắng lợi những mục tiêu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, các giải pháp không thể chỉ tháo gỡ khó khăn trong tổng cung tín dụng của nền kinh tế mà còn phải đến từ việc kích cầu tín dụng, trong đó tập trung cầu tín dụng vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực có sức lan tỏa lớn tới nền kinh tế để đảm bảo tăng trưởng tín dụng phục hồi nhanh, lành mạnh và có hiệu quả lớn nhất tới việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng hiện nay vẫn còn tương đối nhiều. Ngoài những các tác động khách quan từ thị trường, thì một phần nguyên nhân là do các chính sách của Nhà nước vẫn chưa đồng bộ, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn, năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính. Do đó, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp.

Đại diện các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp cũng không phải là vấn đề cốt lõi giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Giảm lãi suất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng, như tài sản đảm bảo không đủ, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền. Ngân hàng không có đủ cơ sở đảm bảo để cho vay tiếp.

Ông Hùng phân tích, trên thực tế, kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các TCTD đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch, do đó không thể thực hiện các giải pháp về hạ chuẩn điều kiện cấp tín dụng.

"Đa số các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian qua, dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn. Nhiều doanh nghiệp có tài sản thế chấp gặp vướng mắc pháp lý, chưa có giấy chứng nhận, quy hoạch treo, tranh chấp…, dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn.”, ông Hùng đánh giá.

Trước thực trạng trên, để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, ngoài giải pháp, chính sách từ ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, hiện nay, không chỉ doanh nghiệp mà các ngân hàng cũng rất khó khăn, phải đối diện với nhiều rủi ro lớn: nợ xấu gia tăng, biên độ lợi nhuận giảm, áp lực tăng vốn lớn. Việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không chỉ “cứu” doanh nghiệp mà cũng chính là cứu ngân hàng.

Ông Cấn Văn Lực đưa ra loạt giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của DN và người dân, như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thuế VAT, các chính sách giãn hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, giảm 2% thuế GTGT; xem xét giảm tỷ lệ đóng BHXH cho DN; xem xét chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi (nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất…) sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội; chú trọng các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy các đầu tàu nền kinh tế; gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế…

Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Khi các ngân hàng yên tâm về sức khoẻ của doanh nghiệp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay.

Về phía NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, ngoài giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ ra, cần có các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các hiệp định thương mại tự do. Qua đó thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng các đơn hàng xuất khẩu; thúc đẩy hoạt động các doanh nghiệp tạo công ăn việc làm và gia tăng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đối với hệ thống ngân hàng; có các giải pháp khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào cầu nước ngoài để tăng tính độc lập tự chủ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần xử lý triệt để các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp để qua đó góp phần đẩy mạnh cả 2 phía cung - cầu tín dụng. Có giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

Về phía các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, cần tăng cường trao đổi, truyền thông hướng dẫn đối với các doanh nghiệp thành viên, đồng thời tăng cường phối hợp với NHNN, các bộ, ngành, các tổ chức tín dụng trong việc cung cấp thông tin, chính sách của nhà nước để hỗ trợ hiệu quả quá trình tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, cắt giảm những mảng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Có thể thấy rằng, khi các giải pháp được triển khai đồng bộ, sẽ giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực