Ngày 16/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”.
|
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội” (Ảnh: HNV) |
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH; Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH chủ trì Hội thảo.
Ở đâu có người nghèo, ở đó có NHCSXH
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, đây là hoạt động rất thiết thực, có nhiều ý nghĩa góp phần cụ thể hoá và làm sâu sắc hơn chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về “tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển” qua gần 40 năm tiến hành công cuộc “Đổi mới”. Đặc biệt, Hội thảo còn nhằm phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; đề xuất những kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của NHCSXH trong giai đoạn tới.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: HNV) |
Cũng theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, tín dụng chính sách xã hội là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình Đổi mới, thể hiện nổi bật tính ưu việt của chế độ ta, đây là quyết sách phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại, bảo đảm sinh kế và sự phát triển của người dân. Đến nay, tín dụng xã hội đã được triển khai rộng rãi, sáng tạo, có hiệu quả trên toàn quốc, thật sự đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả thiết thực, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Báo cáo tại Hội thảo, Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, NHCSXH đã thiết lập được mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, xây dựng tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. NHCSXH cũng đã phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.464 Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Tổ tiết kiệm và vay vốn là “cánh tay nối dài”, cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn. Đây là sản phẩm sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thành công chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác. Hoạt động giao dịch tại 10.438 Điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước được tổ chức nề nếp, hiệu quả với phương thức “giao dịch tại nhà; thu nợ, giải ngân tại xã” là hoạt động đặc trưng, riêng có của NHCSXH.
Với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố trên toàn quốc, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các vùng nông thôn, đã đẩy lùi nạn tín dụng đen thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; không bị các thế lực thù địch lôi kéo, lợi dụng. Mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng của NHCSXH là phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam.
NHCSXH tập trung huy động nguồn vốn lớn, đa dạng để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời và ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến 31/7/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 325 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 190 nghìn tỷ đồng (gấp 2,4 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,4%. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 35 nghìn tỷ đồng, tăng 30.863 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai có hiệu quả ở các vùng trong cả nước, đặc biệt ưu tiên tập trung cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo… đã góp phần thúc đầy nền kinh tế nhiều thành phần từng bước phát triển. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/7/2023 đạt trên 305 nghìn tỷ đồng, tăng gần 176 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 109 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,7%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo gần 30 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8%/tổng dư nợ, với gần 540 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số trên 75 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Đáng chú ý, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước qua các giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 -2021 từ 9,88% xuống 2,23%. Đồng thời, góp phần thực hiện 09/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới (về nhà ở dân cư; về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo; lao động có việc làm, tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; môi trường và an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng và an ninh).
|
Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng báo cáo tại Hội thảo (Ảnh: HNV) |
Hiệu quả từ sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tín dụng chính sách
Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã khẳng định về sự đồng hành của MTTQ trong hoạt động tín dụng chính sách, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhận thức của nhân dân về tín dụng chính sách và quá trình đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Đồng quan điểm này, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh thêm, qua hoạt động giám sát thường xuyên và kết quả sơ bộ 5 năm triển khai Chỉ thị 40-CT/TW thấy rằng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chính sách, số lượng người vay vốn ngày càng nhiều, chất lượng nâng cao, hạn chế vấn nạn “tín dụng đen”; các hoạt động ủy thác liên kết phát huy hiệu quả, quản lý sử dụng vốn đúng và trúng mục tiêu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và không ngừng hiện đại hóa NHCSXH các cấp phù hợp với thời đại mới…
Với phần trao đổi thảo luận bàn tròn có sự tham gia của các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; TS Đỗ Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; TS Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam; Bùi Tuấn Quang, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng; TS Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB và XH; Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Hội thảo đã thống nhất chung rằng, để tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Nghị quyết của Đảng về an sinh xã hội nói chung, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng nói riêng, trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn qua NHCSXH. Đồng thời, thường xuyên báo cáo, tham mưu cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quốc hội về hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Thường xuyên chủ động báo cáo, tham mưu Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị và Kết luận của Đảng. Tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn; triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo tính chủ động và bền vững trong hoạt động NHCSXH.
|
Các đại biểu trong phiên thảo luận tại Hội thảo (Ảnh: HNV) |
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng một lần nữa khẳng định, Hội thảo đã nêu bật các nội dung chính, cụ thể gồm có:
Thứ nhất, làm rõ quá trình hiện thực hóa tầm nhìn của Đảng về xây dựng CNXH ở Việt Nam. Để thực hiện những mục tiêu cao cả là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp người dân còn nhiều khó khăn, các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trong đó, tín dụng chính sách xã hội trở thành một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong hệ thống chính sách giảm nghèo.
Thứ hai, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc những kết quả đạt được trong hơn 20 năm hoạt động của NHCSXH, đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Qua đó, tiếp tục khẳng định định hướng lớn, lâu dài, chủ trương nhất quán của Đảng trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo chăm lo đến đời sống của người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ ba, các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo của các địa phương cũng đã thảo luận, làm rõ mô hình tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành của NHCSXH. Trên cơ sở thực trạng hoạt động của NHCSXH những năm qua. Hội thảo cũng đã tập trung phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn cho những đề xuất giải pháp nhằm đưa hoạt động của NHCSXH lên một tầm cao mới, trợ giúp tốt hơn cho các đối tượng chính sách.
Sau Hội thảo, các ý kiến sẽ là căn cứ khoa học, tham mưu tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để NHCSXH phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo đủ năng lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội hiệu quả hơn./.