TP Hồ Chí Minh: Tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Thứ sáu, 24/11/2023 18:38
(ĐCSVN) - Trước những khó khăn hiện nay đối với thị trường bất động sản trên địa bàn, đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết Sở đã tham mưu UBND Thành phố đề nghị Tổ Công tác Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho thị trường nhà ở.
 Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Lao Động)

Phó phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Vũ Anh Dũng đánh giá, hoạt động kinh doanh bất động sản tại TP Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục cả về tỷ lệ tăng trưởng và doanh thu; nguồn cung nhà ở thương mại cao hơn cùng kỳ năm trước.

Cũng có quan điểm như trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho biết vùng đáy của thị trường bất động xuất hiện từ quý I khi tăng trưởng lĩnh vực này -16,1%. Kết thúc quý II vẫn tăng trưởng -11%. Nhưng từ quý III chỉ còn -8%.

Thị trường bất động sản có sự hồi phục nói trên là do toàn hệ thống chính trị nói chung và chính quyền Thành phố nói riêng đã có những động thái tháo gỡ các vướng mắc pháp lý của từng dự án, có giải pháp phối hợp liên ngành để tháo gỡ những khó khăn khác nhau của các dự án.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước điều hành nới lỏng chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay, là cơ hội khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản…

Mặc dù có những tín hiệu khả quan, tuy nhiên, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rót vào hoạt động kinh doanh bất động sản giảm mạnh, nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường. Thời gian qua nhiều dự án nhà ở bị vướng pháp lý đã được các sở ngành cũng như Thành phố trực tiếp giải quyết. Song, trên thực tế, các doanh  nghiệp vẫn cho rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay chính là pháp lý, chiếm đến 70% vướng mắc của các dự án.

Từ thực tế các vướng mắc mà các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Thành phố đang gặp phải, từ những kiến nghị của các doanh nghiệp, TP Hồ Chí Minh chia các kiến nghị thành 5 nhóm, trong đó nhóm 1 là vướng mắc thủ tục đầu tư (48 dự án, 71 kiến nghị); nhóm 2 vướng mắc do thanh tra, điều tra, rà soát pháp lý (21 dự án, 22 kiến nghị); nhóm 3 vướng đất công, DNNN cổ phần hóa (15 dự án, 21 kiến nghị); nhóm 4 là nhóm các sở ngành đã có văn bản giải quyết (44 dự án, 52 kiến nghị) và nhóm 5 là nhóm các dự án đã xây dựng hoàn thành, vướng mắc về sổ đỏ (30 dự án, 30 kiến nghị). Trong thời gian tới, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung giải quyết nhóm 1, 5 (36 dự án, 43 kiến nghị), còn lại sẽ theo dõi, tiếp tục xử lý khi có kết luận/bản án có hiệu lực pháp luật, hay sau khi có ý kiến của bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Được biết, Thành phố đã, đang và sẽ triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở nói riêng. Trong đó, đại diện Sở Xây dựng Thành phố cho biết, Sở đã tham mưu UBND Thành phố đề nghị Tổ Công tác Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho thị trường nhà ở, trong đó có nội dung liên quan nhà ở xã hội.

10 tháng đầu năm 2023, Thành phố  Hồ Chí Minh có 1.252 doanh nghiệp hoạt động bất động sản được cấp phép thành lập, giảm 43,7% so với cùng kỳ, vốn đăng ký đạt 46.792 tỷ đồng, giảm 58,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản 9 tháng đầu năm là 72,2 triệu USD, giảm 66,3% so với cùng kỳ.

Về nguồn cung nhà ở, 11 tháng đầu năm 2023 có 16 dự án nhà ở thương mại được thông báo đủ điều kiện để bán, cho thuê, mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 16.063 căn được đưa ra thị trường (gồm 14.810 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng), trong đó phân khúc cao cấp có 11.012 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân. Như vậy, nguồn cung nhà ở được đưa ra thị trường trong 11 tháng đầu năm tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực