Tranh thủ thời tiết thuận lợi để trồng rừng

Thứ hai, 06/04/2020 18:00
(ĐCSVN) - Tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi, trồng rừng vào những ngày râm mát, có mưa ẩm để đảm bảo cây trồng đạt tỷ lệ sống cao; không trồng vào những ngày nắng nóng, hạn hán kéo dài hoặc mưa lũ lớn; trồng rừng ngập mặn vào thời điểm ít có gió mạnh, sóng biển thấp và thủy triều rút.

Đó là một trong những khuyến cáo mùa vụ trồng rừng quý II/2020 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).

Quý I năm 2020 vừa qua, thời tiết diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là đợt không khí lạnh đêm 24/1 đến ngày 25/1/2020 gây mưa dông diện rộng, kèm mưa đá ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; một số nơi khu vực vùng núi cao phía Bắc xuất hiện băng giá. Đợt mưa rào và dông trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đêm 2 đến ngày 5/3 đã xuất hiện mưa đá tại khu vực Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu và cây trồng,...Hiện tượng mưa đá xảy ra trong tháng 1/2020 là chưa từng quan sát được trong chuỗi số liệu thống kê; tổng lượng mưa trong 24h từ đêm 24/1 đến ngày 25/1/2020 (92mm) cũng đạt trị số lớn nhất trong 60 năm trở lại đây.

Quý II sắp tới, dự báo, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính, nhưng nghiêng về pha nóng trong khoảng 2-3 tháng tới. Trong tháng 4 có từ 4-5 đợt không khí lạnh có khả năng gây ra đợt mưa rào và dông diện rộng và nguy cơ cao kèm theo các hiện tượng nguy hiểm như tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Tiếp tục đề phòng gió mạnh trên biển do tác động của không khí lạnh từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4 năm 2020. Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng sẽ đến muộn, vào khoảng cuối tháng 5.

 Vườn ươm giống cây trồng phục vụ cho trồng rừng. (Ảnh: QH)

Về mùa vụ trồng rừng, theo Tổng cục Lâm nghiệp, thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 là mùa trồng rừng vụ Xuân Hè của hầu hết các tỉnh trong cả nước. Một số loài cây trồng lâm nghiệp chủ yếu như: Cây mọc nhanh (các loài Keo, Bạch đàn, Mỡ, Bồ đề, Xoan); cây bản địa (Lát hoa, Sa mộc, Vối thuốc, Lim xanh); cây lâm sản ngoài gỗ (Sơn Tra, Quế, Hồi, Trẩu, Trám, Mây nếp, Luồng); cây trồng ven biển,...

Căn cứ kế hoạch trồng rừng và dự báo khí tượng thủy văn, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các địa phương chủ động chuẩn bị cây giống đủ số lượng, bảo đảm chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom; kiểm soát, xác nhận nguồn gốc giống theo quy định. Khảo sát, chuẩn bị hiện trường, thiết kế trồng rừng bảo đảm kỹ thuật. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1299/CT-BNN-TCLN ngày 21/2/2020 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT về việc tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo, hướng dẫn các chủ rừng không sử dụng lửa để đốt dọn thực bì trồng rừng trong thời gian dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V ở vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.

Tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi, trồng rừng vào những ngày râm mát, có mưa ẩm để đảm bảo cây trồng đạt tỷ lệ sống cao; không trồng vào những ngày nắng nóng, hạn hán kéo dài hoặc mưa lũ lớn; trồng rừng ngập mặn vào thời điểm ít có gió mạnh, sóng biển thấp và thủy triều rút. Ngoài ra, chú ý phòng trừ một số loài sâu bệnh hại chủ yếu như: bệnh lở cổ rễ, bệnh khô lá Sa Mộc; khô lá, đốm lá, sâu cánh cứng hại Hồi,… Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở địa phương triển khai trồng, chăm sóc rừng theo mùa vụ, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, thực hiện hoàn thành kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2020./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực