Hiện Đồng bằng sông Cửu Long có 3 sản phẩm là gạo, tôm và cá tra là 3 sản phẩm có đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia với trên 1 tỷ USD mỗi năm. Từ những lợi thế này, nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang nhận được nhiều mối quan tâm từ các nhà khoa học, chuyên gia và nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia đầu tư.
Có thể thấy, hiện nay sản phẩm từ nông nghiệp ngày càng đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, áp lực tiết giảm chi phí sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu khiến nền nông nghiệp Việt Nam phải chuyển mình thích ứng. Một trong những giải pháp quan trọng là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật hiện đại, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp. Qua đó góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững ...
Các mô hình ứng dụng công nghệ mới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nông nghiệp.
(Ảnh: NS) Theo các chuyên gia nông nghiệp, những thành tựu nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long đạt được đã có sự đóng góp rất lớn từ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khoa học và công nghệ đã có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có tác động rất mạnh mẽ, lan tỏa trong sản xuất, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia trong các chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực nhằm gia tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Thời gian qua, hệ thống chính sách về khoa học công nghệ tiếp tục được hoàn thiện. Đây là điều kiện thuận lợi để nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển theo hướng gắn kết, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh và tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, đổi mới công nghệ. Trên thực tế, nông nghiệp 4.0 sẽ thay đổi phương thức quản lý trang trại, doanh nghiệp, hộ gia đình. Từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến tiêu dùng đều có thể ứng dụng kỹ thuật số nhằm giảm thiểu công lao động trực tiếp, tiết kiệm vật tư đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, những năm gần đây, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời và hỗ trợ ngành nông nghiệp với quyết tâm đổi mới tư duy, mở cửa thị trường và chấp nhận cạnh tranh, thực hiện tăng cường năng lực về quản lý, quản trị sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để đủ sức cạnh tranh quốc tế trong chuỗi giá trị toàn cầu, việc chuyển mình sang nền nông nghiệp 4.0 được xem là việc phải làm ngay trong giai đoạn hiện nay.
Qủa Thanh long của Long An được ứng dụng công nghệ Blokchain
trong truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu (Ảnh: NS)
Có thể thấy, nông nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu và là lựa chọn của nhiều quốc gia hiện nay. Riêng đối với Việt Nam, dựa vào điều kiện khí hậu, sản phẩm đặc thù, kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, trình độ lao động… nên lựa chọn mô hình, công nghệ phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu nhất. Xu thế phát triển công nghệ 4.0 là cơ hội cũng đồng thời là thách thức cho sản phẩm chủ lực và sinh kế nông dân sản xuất nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp nhận xét, các ứng dụng công nghệ cao được sử dụng trong nông nghiệp các nước phát triển đã làm từ lâu, song muốn ứng dụng được vào thực tế sản xuất tại Việt Nam không phải dễ. Bởi sản xuất nông nghiệp nước ta chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún. Do đó cần phải có sự vào cuộc của nhiều ngành liên quan.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ được được giao làm đầu mối hỗ trợ các địa phương tiếp cận công nghệ 4.0 và về thực chất việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ thực hiện theo phong trào mà phải đi vào thực chất và phát huy được tính khả thi. Để hình thành chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm chủ lực của vùng, vai trò của các doanh nghiệp đầu đàn là rất quan trọng. Chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng cần được định vị lại, gắn với định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu, hình thành các mô hình tổ chức sản xuất để triển khai ứng dụng khoa học công nghệ đồng bộ.
Chính vì vậy,các chuyên gia kinh tế cho rằng, để hỗ trợ việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, rất cần sự phát triển đồng bộ của thương mại điện tử, thương mại không kho bãi để giảm chi phí sản xuất… Về chính sách, Nhà nước cần có một chiến lược dài hạn, hình dung được bức tranh nông nghiệp Việt Nam năm 2030, 2050 và 2100 như thế nào để có quy hoạch và vạch lộ trình đầu tư cụ thể, rõ ràng để mang lại hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, phải tăng cường khả năng hấp thụ các công nghệ chủ chốt và tăng tốc nỗ lực bắt kịp. Trong đó, tập trung vào các nội dung như cải thiện chi phí lao động, tập trung vào các sản phẩm hàng hóa, hướng đến thị trường trong nước và khu vực, đồng thời mở rộng thỏa thuận thương mại trong khu vực./..