Ứng dụng thương mại điện tử với làng nghề Việt: Vẫn còn nhiều trở ngại

Thứ bảy, 27/08/2022 22:23
(ĐCSVN) – Cả nước hiện có khoảng hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 1.700 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Các làng nghề đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt cùng với sự ra đi của nhiều nghệ nhân cao tuổi. Để các làng nghề có thể duy trì sự tồn tại và phát triển bền vững, thương mại điện tử được cho là một hướng đi cấp thiết.

Thiếu hạ tầng, thông tin, nhân lực và sản phẩm chưa có tính độc đáo là các trở ngại khiến cho hoạt động thương mại điện tử trong các cơ sở công nghiệp nông thôn của Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế.

 Đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: PV)

Trong khuôn khổ Hôi thảo “Tư vấn nâng cao kỹ năng kinh doanh trực tuyến cho cơ sở công nghiệp nông thôn tại các làng nghề” nhằm thúc đẩy hoạt động hỗ trợ kinh doanh hiệu quả hơn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đã hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân… diễn ra ngày 26/8 tại Bắc Ninh do Hiệp hội làng nghề Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, TS. Tôn Hoàng Gia, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam đánh giá, trong giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng giảm sút trầm trọng. Chỉ có doanh thu từ mua sắm online qua các trang thương mại điện tử của một số doanh nghiệp là tăng từ 20 - 30%.

Tuy nhiên, theo ông Gia, hiện nay, ở các cơ sở công nghiệp nông thôn, các hoạt động thương mại điện tử còn chưa thực sự phát triển, việc mua hàng trực tuyến hay thực hiện các giao dịch trên Internet còn mới lạ với nhiều chủ cơ sở, điều này khiến cho hoạt động thương mại điện tử trong các cơ sở công nghiệp nông thôn còn nhiều hạn chế.

 “Về hạ tầng, dịch vụ trong thanh toán, vận chuyển chưa thực sự thuận tiện, bảo đảm tối đa khiến người tiêu dùng có tâm lý e ngại khi mua hàng online, ví dụ như việc sử dụng thẻ thanh toán, người dân nông thôn còn quá xa lạ và thanh toán online gần như không có trong suy nghĩ của họ. Các dịch vụ thương mại điện tử chưa chú trọng phát triển tại các vùng nông thôn, có thể là do quy mô chưa đủ tầm để tiến đến một thị trường quá rộng. Điều đó đòi hỏi một quyết tâm cực kỳ lớn cũng như là nguồn lực, khả năng đầu tư và cần phải có thêm thời gian”, TS. Hoàng Tôn Gia chỉ ra các trở ngại.

 TS. Tôn Hoàng Gia, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam (Ảnh: PV)

Cũng tại Hội thảo, từ thực tiễn phát triển thương mại điện tử, nghệ nhân Nguyễn Minh Ngọc đến từ Làng nghề gốm Phú Lãng (Bắc Ninh) cho biết, làng nghề còn nhiều bất cập và thiếu kinh nghiệm trong xúc tiến thương mại làm hạn chế phát triển thị trường nội địa và ngoại thương. Các hoạt động xúc tiến thương mại thường tập trung vào việc duy trì, tìm kiếm và mở rộng thị trường để bán những sản phẩm mà thị trường vốn đã có sẵn mà chưa tạo ra sự độc đáo của riêng mình.

Bên cạnh đó, bà Ngọc nhìn nhận, trong lĩnh vực thông tin thương mại hiện nay vừa thiếu vừa thừa. Thừa những thông tin chung chung nhưng thiếu những thông tin cụ thể phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhất là thông tin về xuất khẩu.

Cùng với những trở ngại khách quan khi ứng dụng thương mại điện tử, ông Vũ Hy Thiều, thành viên Hiệp hội làng nghề cho rằng còn có những trở ngại chủ quan đến từ các làng nghề. Trong đó, mấu chốt nhất là các làng nghề còn yếu về phát triển sản phẩm, thường các làng nghề đi lấy mẫu trên mạng về sản xuất theo, chưa có sản phẩm đặc trưng mang tính riêng biệt của chính mình.

Một khó khăn nữa được ông Vũ Huy Thiều nhắc đến là kinh doanh thương mại điện tử không đưa sản phẩm đến tận tay đến khách hàng được nên yêu cầu bao bì là quan trọng hơn cả. “Nhiều sản phẩm xuất khẩu từng bị trả về vì bao bì không đảm bảo. Do vậy, cần đào tạo cho các làng nghề, có các trung tâm hỗ trợ giúp đỡ họ trong quá trình phát triển”, ông Thiều đề xuất.

Trước những khó khăn, trở ngại nêu ra, hội thảo đã có nhiều chia sẻ kinh nghiệm để giúp các làng nghề nâng cao khả năng cạnh tranh bền vững trong kinh doanh thương mại điện tử.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh chia sẻ, trong thời kỳ hội nhập cả nước, Bắc Ninh xác định nền kinh tế số là chìa khóa của hội nhập quốc tế. Bắc Ninh đặt mục tiêu và dành nhiều kỳ vọng cho việc phát triển ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng trên địa bàn nói chung và các làng nghề nói riêng.

Cũng theo ông Tuấn, tới đây, Bắc Ninh sẽ tiếp tục có các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng website, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nâng cao kiến thức cho cộng đồng về thương mại điện tử thông qua các hoạt động truyền thông. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không để bị tụt hậu và theo kịp xu thế phát triển chung của thế giới về phát triển thương mại điện tử.

Chia sẻ về giải pháp nâng cao năng lực thương mại điện tử, ông Bùi Quang Huân, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Thái Nguyên, nhìn nhận Thái Nguyên đã được tiếp cận các cơ chế chính sách về thúc đẩy thương mại điện tử. Tuy nhiên, để chuyển đổi số trong các làng nghề không hề dễ.

Muốn kinh doanh số thành công, ông Huân cho rằng cần phải chuẩn bị kiến thức và nguồn nhân lực cho thương mại điện tử. Trên cơ sở xác định như vậy, Hiệp hội làng nghề Thái Nguyên đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các làng nghề.

Ông Bùi Quang Huân nhận định, mục tiêu kế hoạch của Chính phủ về thương mại điện tử là cơ hội để các cơ sở công nghiệp nông thôn ở các "làng nghề thực hiện các giải pháp để vươn lên làm chủ công nghệ, tăng cường các hoạt động thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề, đảm bảo hiệu quả tối đa trong sản xuất kinh doanh.

Nhận định chung về tình hình kinh doanh trực tuyến của các địa phương, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển thương mại điện tử, Cục Kinh tế số (Bộ Công Thương) xếp hạng, Bắc Ninh có doanh số bán hàng đứng thứ 4 trên Shopee, thứ 2 là Hà Nội và cao nhất là TP HCM. Theo ông Thành, Thương mại điện tử hiện đang phát triển rất nhanh kể cả trên các mạng xã hội: zalo, FB, Tik Tok. Do đó, nếu không đầu tư trí tuệ, nhân lực sẽ không thể cạnh tranh bền vững được. Mục tiêu các tỉnh đạt 22% doanh thu bán hàng trên thương mại điện tử trong năm 2022 là 1 con số cần nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực