Ưu tiên mở rộng diện tích nhóm cây vụ Đông có thị trường tiêu thụ tốt

Thứ sáu, 08/09/2023 16:26
(ĐCSVN) - Theo Cục Trồng trọt, trong vụ Đông 2023, cần chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ. Đồng thời, ưu tiên mở rộng diện tích nhóm cây có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, cây dược liệu, các loại nấm ăn, nấm dược liệu...
Cục Trồng trọt khuyến cáo trồng rải vụ đối với cây rau trong vụ Đông 2023 nhằm giảm áp lực  tiêu thụ (Ảnh: B.T)

Giá trị cây vụ Đông 2022 tăng mạnh

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đối với sản xuất vụ Đông 2022, diện tích cây trồng đạt 373.000 ha, tăng  khoảng 9.000 ha so với vụ Đông 2021. Trong đó ngô các loại tăng hơn 11.000 ha; lạc tăng khoảng gần 2.000 ha; các cây trồng khác 6.000 ha. Một số cây trồng như khoai tây giảm 3.000 ha; khoai lang giảm gần 3.000 ha, rau các loại giảm 4.000 ha.

Về năng suất cây vụ Đông 2022, nhìn chung đều tăng so với vụ Đông 2021 như: ngô tăng 0,5 tạ/ha, ngô sinh khối tăng 133 tạ/ha, khoai tây tăng hơn 7 tạ/ha, khoai lang tăng 5 tạ/ha.

Tính chung, tổng sản lượng cây trồng vụ Đông 2022 đạt 4.702 nghìn tấn, tăng hơn 2 nghìn tấn so với vụ Đông 2021. Tổng giá trị cây vụ Đông 2022 (tính theo giá hiện nay) đạt khoảng 36.794 tỷ đồng, cao hơn 1.950 tỷ đồng so với vụ Đông 2021. Giá trị sản xuất cây vụ Đông 2022 đạt 99 triệu đồng/ha, tăng 3,4 triệu đồng/ha so với vụ Đông 2021.

Theo Cục Trồng trọt, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới giá trị thu nhập cây trồng vụ Đông 2022 cao hơn so với vụ Đông 2021 là do đã có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng chịu áp lực về thời vụ, giá trị kinh tế không cao như: đậu tương, khoai lang sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn và ít chịu áp lực về thời vụ như: nhóm hoa cây cảnh, nhóm rau ăn củ, rau ăn quả, rau chất lượng cao,...

Đồng thời, các địa phương đã chú trọng tổ chức sản xuất gắn với sơ chế, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thị trường đầu ra tương đối ổn định, từ đó tạo ra giá trị gia tăng; trồng rải vụ góp phần tăng giá bán so với vụ Đông 2021. Sản phẩm các cây trồng vụ Đông 2022 có giá bán cao hơn so với vụ Đông 2021 là ngô hạt, ngô sinh khối, đặc biệt là lạc (có sự tăng đột biến); nhóm rau các loại tăng nhẹ và vẫn duy trì được giá bán cao ngay từ đầu vụ đến cuối vụ đã góp phần gia tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích gieo trồng.

 Ưu tiên mở rộng diện tích nhóm cây có thị trường tiêu thụ tốt, trong đó có cây ớt (Ảnh minh họa: Lê Hoàng Vũ)

Ưu tiên mở rộng diện tích nhóm cây có thị trường tiêu thụ tốt

Với vụ Đông năm 2023, Cục Trồng trọt định hướng, ổn định diện tích khoảng 380 nghìn ha và sản lượng khoảng 5 triệu tấn. Trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân.

Về tổng giá trị sản xuất, phấn đấu đạt trên 40 nghìn tỷ đồng (giá tại thời điểm). Trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 110 triệu đồng/ha.

Theo Cục Trồng trọt, vụ Đông 2023 có những thuận lợi nhất định khi thu hoạch lúa mùa tại các địa phương dự kiến sớm hơn so với vụ mùa năm trước từ 3-5 ngày, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhóm cây ưa ấm như ngô, đậu tương, lạc và ngô lấy hạt. Bên cạnh đó, tình hình nguồn cung phân bón tăng nên giá phân bón dự kiến tiếp tục có xu hướng giảm so với năm 2023,...

Nhằm đạt được các mục tiêu về sản lượng, giá trị sản xuất vụ Đông 2023, Cục Trồng trọt đề nghị từng địa phương căn cứ vào diện tích thu hoạch trà sớm lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa 2023, điều kiện nguồn nước và thị trường để chủ động bố trí thời vụ, diện tích và cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ Đông 2023.

Bên cạnh đó, da dạng hóa các nhóm cây khác trong vụ Đông, đặc biệt chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ. Ưu tiên mở rộng diện tích nhóm cây có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, cây dược liệu, các loại nấm ăn, nấm dược liệu... 

Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo, với nhóm cây ưa ấm, thời vụ gieo trồng kết thúc trước 10/10; với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 15/10, riêng với cây khoai tây tập trung trồng từ 25/10 đến 15/11. Trồng rải vụ đối với nhóm rau để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa, giá thấp hoặc thiếu rau đẩy giá lên cao.

Ngoài ra, cần áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới cho hiệu quả kinh tế cao như: sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới; gieo gối vụ đối với bầu, bí; trồng cà chua, dưa hấu bằng cây giống ghép; tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, phân bón qua lá; tưới nước tiết kiệm, sử dụng màng phủ nông nghiệp trong trồng rau, dưa, lạc.../.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực