Vấn đề sở hữu trong nền kinh tế quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta

Thứ tư, 28/10/2020 14:00
(ĐCSVN) - Nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là nền kinh tế quá độ, vận động, phát triển theo quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất.
Ảnh chỉ có tính minh họa (Nguồn: Tuyengiao.vn)

Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất xã hội, trong đó quan hệ sở hữu là quan hệ cơ bản nhất của quan hệ sản xuất. Chủ sở hữu có thể thống nhất ở một người, có thể tách bạch ở nhiều người; có thể là sở hữu riêng[1] của tư nhân (tư hữu) hay sở hữu chung[2] của cộng đồng, của xã hội (sở hữu xã hội). Chủ thể sở hữu có thể là thể nhân, có thể là pháp nhân. Đối tượng sở hữu là các yếu tố đầu vào của sản xuất và các sản phẩm được tạo ra từ các yếu tố đầu vào đó. Đối tượng sở hữu luôn biến đổi do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định.

Ngày nay, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, thì đối tượng sở hữu chuyển mạnh từ đối tượng sở hữu hữu hình là các tư liệu sản xuất sang đối tượng sở hữu vô hình là tri thức của loài người, là trí tuệ của con người, là trí tuệ nhân tạo, là công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ kỹ thuật số, internet vạn vật, thông tin, dữ liệu lớn (big data), bằng sáng chế, phát minh, giải pháp công nghệ, bản quyền, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, lợi thế thương mại, uy tín trên thương trường... Đối tượng sở hữu vô hình ngày càng chiếm vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Chính điều này là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất xã hội phát triển, là cơ sở để chuyển mạnh sang sản xuất theo chiều sâu, tăng năng suất của các yếu tố tổng hợp (TFP), tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, phải coi phát triển khoa học – công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu; phải chuyển mạnh từ áp dụng, “bắt chước” công nghệ sẵn có sang đổi mới sáng tạo công nghệ, phát triển công nghệ mới, tiên tiến hiện đại là một đột phá chiến lược. Phải có công nghệ made by Vietnam để tạo ra hàng hóa made by Việt Nam, làm cho Việt Nam phát triển hùng cường. Quan hệ sở hữu là cơ sở, là điều kiện của sản xuất[3]. Nhưng sở hữu không phải là mục tiêu, mục đích của xã hội xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội là vì con người, giải phóng con người khỏi mọi áp bức bất công, bất bình đẳng; con người được tự do, là chủ xã hội, phát triển toàn diện, có cuộc sống hạnh phúc...

Sở hữu chỉ là phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm. Quan hệ sở hữu quyết định quan hệ tổ chức, quản lý và quyết định quan hệ phân phối. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất chưa cao, chưa đồng đều, thì còn tồn tại nhiều chế độ sở hữu là một tất yếu khách quan, là đòi hỏi của chính sự phát triển lực lượng sản xuất xã hội. Trong nền kinh tế quá độ của nước ta tồn tại đồng thời cả chế độ sở hữu tư nhân (chế độ tư hữu) với nhiều hình thức sở hữu và cả chế độ sở hữu xã hội (chế độ công hữu) với nhiều hình thức sở hữu, ngoài ra còn tồn tại cả hình thức sở hữu hỗn hợp, là một tất yếu kinh tế do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất xã hội quyết định. Lấy mục tiêu giải phóng sức sản xuất xã hội, phát triển lực lượng sản xuất xã hội; lấy mục tiêu hiệu quả kinh tế – xã hội, phát triển đất nước bền vững, sáng tạo, bao trùm; lấy mục tiêu vì con người phát triển tự do, toàn diện, hạnh phúc... làm tiêu chuẩn cho sự tồn tại, phát triển chế độ sở hữu nào, hình thức sở hữu nào. Nội dung kinh tế của sở hữu thể hiện ở lợi ích kinh tế mà chủ thể sở hữu được hưởng (nhận được) từ đối tượng sở hữu. Lợi ích kinh tế là mục đích của chủ sở hữu. Những lợi ích kinh tế mà đối tượng sở hữu mang lại thì chủ sở hữu không được hưởng toàn bộ, mà chỉ được hưởng một phần, phần còn lại phải đóng góp vào lợi ích chung của toàn xã hội, của đất nước.

Sở hữu thành phương tiện chủ yếu để đạt tới các mục tiêu kinh tế của chủ sở hữu. Các chủ thể sở hữu không chỉ quan tâm tới đối tượng sở hữu, cái mà họ quan tâm hơn là giá trị gia tăng được tạo ra từ các đối tượng sở hữu đó. Để đạt  được điều đó, chủ sở hữu phải hết sức quan tâm đối tượng sở hữu nào đem lại sự gia tăng giá trị cao nhất (ngày nay là tri thức, là trí tuệ con người, là trí tuệ nhân tạo, là công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ kỹ thuật số…) và làm thế nào, với phương thức nào để đối tượng sở hữu mang lại giá trị gia tăng cao nhất, vì vậy phải hợp lý hóa, tối ưu hóa việc tổ chức và quản lý quá trình sản xuất - kinh doanh v.v… để có hiệu quả kinh tế hợp lý.

Quan hệ sở hữu là quan hệ khách quan do trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất quyết định. Quan hệ sở hữu vừa là kết quả, vừa là điều kiện cho sự phát triển lực lượng sản xuất. Quan hệ sở hữu là quan hệ bản chất bên trong của quan hệ giữa người với người trong việc chiếm hữu của cải vật chất xã hội, nhưng quan hệ sở hữu là quan hệ trừu tượng. Muốn hiện thực hóa quan hệ sở hữu thì phải thể chế hóa bằng quan hệ pháp lý thành chế độ sở hữu. Chế độ sở hữu là sự thể chế hóa có tính chất pháp lý, là nội dung pháp lý của quan hệ sở hữu đang tồn tại khách quan trọng mỗi chế độ xã hội. Quan hệ sở hữu là nội dung bản chất bên trong, chế độ sở hữu là quy định pháp lý để hiện thực hóa quan hệ sở hữu khách quan đó. Hệ thống luật pháp phải thừa nhận các quyền của chủ sở hữu đối với đối tượng sở hữu (cả các nguồn lực đầu vào hữu hình và vô hình, cả các sản phẩm được tạo ra từ các nguồn lực đầu vào đó). Pháp luật quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ sở hữu đối với đối tượng sở hữu và lợi ích do đối tượng sở hữu đó mang lại.

Chế độ sở hữu bao gồm các quyền như quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền quản lý kinh doanh (quyền sử dụng), quyền thực hiện lợi ích kinh tế, quyền kiểm soát, quyền định đoạt tài sản, quyền chuyển nhượng, mua - bán tài sản  (hữu hình và vô hình), quyền thừa kế, cho, biếu, tặng tài sản… Trong đó, có hai nhóm quyền quan trọng là quyền sở hữu và quyền sử dụng. Hai nhóm quyền này có thể thống nhất ở một chủ thể, hoặc có thể tách rời ở nhiều chủ thể… Hình thức sở hữu là biểu hiện trên bề mặt xã hội của quan hệ sở hữu, thể hiện ra thông qua hoạt động của các chủ thể sở hữu. Trong nền kinh tế quá độ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay do trình độ phát triển chưa cao, chưa đồng đều của lực lượng sản xuất mà còn tồn tại khách quan cả chế độ sở hữu tư nhân (chế độ tư hữu) với nhiều hình thức sở hữu như: hình thức sở hữu tư nhân của cá thể, của hộ gia đình, của tiểu chủ, của nhà tư bản (sở hữu tư nhân tư bản), của tập đoàn tư bản… và cả chế độ sở hữu xã hội (chế độ công hữu) với các hình thức sở hữu như: sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể…, đồng thời còn có hình thức sở hữu hỗn hợp là hình thức sở hữu đan xen các hình thức sở hữu trong cùng một đơn vị kinh tế. Đó là cơ sở tồn tại của nhiều thành phần kinh tế.

Nội dung trên được luận chứng dựa trên những cơ sở sau:

Về vấn đề sở hữu trong nền kinh tế quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta

Nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là nền kinh tế quá độ, luôn vận động, phát triển theo quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất. Quan hệ sản xuất cũ không thể mất đi trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà quan hệ sản xuất đó tạo địa bàn cho phát triển chưa được phát triển, những quan hệ sản xuất mới – cao hơn, không thể xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất xã hội chưa phát triển đến mức tạo điều kiện để hình thành, phát triển quan hệ sản xuất mới – cao hơn. Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất xã hội, trong đó quan hệ sở hữu là quan hệ cơ bản nhất của quan hệ sản xuất.

Quá trình sản xuất xã hội là quá trình kết hợp của hai yếu tố: sức lao động và tư liệu sản xuất (tư liệu lao động và đối tượng lao động). Phải có chủ sở hữu của hai yếu tố này. Có thể chủ sở hữu thống nhất ở một người, có thể tách bạch ở nhiều người; có thể là sở hữu riêng[4] của tư nhân (tư hữu) hay sở hữu chung[5] của cộng đồng, của xã hội (sở hữu xã hội). Chủ thể sở hữu có thể là thể nhân, có thể là pháp nhân. Đối tượng sở hữu là các yếu tố đầu vào của sản xuất và các sản phẩm được tạo ra từ các yếu tố đầu vào đó. Đối tượng sở hữu luôn biến đổi do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định. Trong xã hội tư bản đối tượng sở hữu của các chủ tư bản là giá trị tư bản dưới các hình thái: tư bản – tiền tệ, tư bản – sản xuất hay tư bản – hàng hóa. Trước đây, ở các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam, nhấn mạnh đối tượng sở hữu là tư liệu sản xuất (sở hữu về tư liệu sản xuất). Ngày nay, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, thì đối tượng sở hữu chuyển mạnh từ đối tượng sở hữu hữu hình là các tư liệu sản xuất sang đối tượng sở hữu vô hình là tri thức của loài người, là trí tuệ của con người, là trí tuệ nhân tạo, là công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ kỹ thuật số, internet vạn vật, thông tin, dữ liệu lớn (big data), bằng sáng chế, phát minh, giải pháp công nghệ, bản quyền, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, lợi thế thương mại, uy tín trên thương trường...

Đối tượng sở hữu vô hình ngày càng chiếm vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Chủ sở hữu nào mà sở hữu được đối tượng sở hữu vô hình càng nhiều càng lớn thì càng có cơ hội chiến thắng trong cạnh tranh, vì khi sở hữu được những tri thức, trí tuệ con người, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tiên tiến hiện đại, công nghệ kỹ thuật số... và vận dụng vào trong quá trình sản xuất thì sẽ tạo ra những hàng hóa chiếm ưu thế vượt trội trên thị trường với năng suất lao động cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, giá trị cá biệt thấp hơn, sức cạnh tranh cao hơn và thường chiến thắng trong cạnh tranh, thu được lợi ích kinh tế tối đa. Chính điều này là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất xã hội phát triển, là cơ sở để chuyển mạnh sang sản xuất theo chiều sâu, tăng năng suất của các yếu tố tổng hợp (TFP), tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, phải coi phát triển khoa học – công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu; phải chuyển mạnh từ áp dụng, “bắt chước” công nghệ sẵn có sang đổi mới sáng tạo công nghệ, phát triển công nghệ mới, tiên tiến hiện đại là một đột phá chiến lược. Phải có công nghệ made by Vietnam để tạo ra hàng hóa made by Việt Nam, làm cho Việt Nam phát triển hùng cường. Những yêu cầu đó đòi hỏi phải hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học – công nghệ, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả.     

Quan hệ sở hữu là cơ sở, là điều kiện của sản xuất[6]. Nhưng sở hữu không phải là mục tiêu, mục đích của xã hội xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội là vì con người, giải phóng con người khỏi mọi áp bức bất công, bất bình đẳng; con người được tự do, là chủ xã hội, phát triển toàn diện, có cuộc sống hạnh phúc... Sở hữu chỉ là phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm. Quan hệ sở hữu quyết định quan hệ tổ chức, quản lý và quyết định quan hệ phân phối. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất chưa cao, chưa đồng đều, thì còn tồn tại nhiều chế độ sở hữu là một tất yếu khách quan, là đòi hỏi của chính sự phát triển lực lượng sản xuất xã hội. Quan hệ sở hữu cũ không mất đi khi trong lòng nó còn dư địa cho lực lượng sản xuất phát triển; quan hệ sở hữu mới chưa ra đời khi điều kiện vật chất của nó chưa xuất hiện. Trong nền kinh tế quá độ của nước ta tồn tại đồng thời cả chế độ sở hữu tư nhân (chế độ tư hữu) với nhiều hình thức sở hữu và cả chế độ sở hữu xã hội (chế độ công hữu) với nhiều hình thức sở hữu, ngoài ra còn tồn tại cả hình thức sở hữu hỗn hợp, là một tất yếu kinh tế do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất xã hội quyết định. Mỗi chế độ sở hữu, mỗi hình thức sở hữu chưa thể mất đi khi chúng còn phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và cũng không thể tùy tiện dựng lên hay thủ tiêu chúng khi lực lượng sản xuất chưa đòi hỏi và chúng cùng vận động, phát triển trong công cuộc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với mục tiêu chung: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tất cả vì con người, do con người. Lấy mục tiêu giải phóng sức sản xuất xã hội, phát triển lực lượng sản xuất xã hội; lấy mục tiêu hiệu quả kinh tế – xã hội, phát triển đất nước bền vững, sáng tạo, bao trùm; lấy mục tiêu vì con người phát triển tự do, toàn diện, hạnh phúc... làm tiêu chuẩn cho sự tồn tại, phát triển chế độ sở hữu nào, hình thức sở hữu nào. Ở đâu, khi nào mà chế độ tư hữu hay chế độ công hữu hoặc hình thức sở hữu hỗn hợp mà đạt được mục tiêu nêu trên, thì ở đó, khi đó, chế độ sở hữu hay hình thức sở hữu phù hợp đó sẽ tồn tại, phát triển và phát triển cho đến khi không còn phù hợp hay kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất thì sẽ bị xóa bỏ.

Ở nước ta, với mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa thì vấn đề quan trọng nhất là tìm phương thức thể chế hóa chế độ sở hữu, hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường sao cho tăng trưởng, phát triển tối ưu; đất nước phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm; nhân dân thực sự là chủ nhân của đất nước, vì vậy, trong nền kinh tế quá độ chế độ sở hữu bao hàm, đan xen cùng tồn tại, cùng phát triển của cả những hình thức sở hữu thuộc chế độ công hữu, của cả những hình thức sở hữu thuộc chế độ tư hữu và hình thức sở hữu hỗn hợp[7]. Trong thời kỳ quá độ này, mỗi hình thức sở hữu đều thể hiện vai trò nhất định trong việc thúc đẩy quá trình giải phóng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội. Đó là một tất yếu khách quan. Tất yếu kinh tế này được quy định bởi chính trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất và điều kiện lịch sử - cụ thể của nước ta trong thời kỳ quá độ quy định. Không thể duy ý chí bằng mệnh lệnh hành chính xóa bỏ chế độ sở hữu cũ, hình thức sở hữu cũ và thúc đẩy hình thành chế độ sở hữu mới, các hình thức sở hữu mới vượt quá lực lượng sản xuất tương ứng. Không thể xóa bỏ ngay chế độ tư hữu một cách chủ quan, duy ý chí vì “không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu. Cho nên…sẽ chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần dần và chỉ khi nào đã tạo nên được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu”[8]. “Một chế độ xã hội không bao giờ mất đi trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà chế độ xã hội đó tạo địa bàn cho phát triển chưa được phát triển, những quan hệ sản xuất mới, - cao hơn, không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ”[9]. Ở nước ta, trình độ phát triển lực lượng sản xuất không đồng đều trong các ngành, các vùng, vì vậy, tất yếu còn tồn tại nhiều chế độ sở hữu, nhiều hình thức sở hữu khác nhau.

Nội dung kinh tế của sở hữu thể hiện ở lợi ích kinh tế mà chủ thể sở hữu được hưởng (nhận được) từ đối tượng sở hữu. Lợi ích kinh tế là mục đích của chủ sở hữu. Nếu không có lợi ích kinh tế thì sở hữu trở thành vô nghĩa. Những lợi ích kinh tế mà đối tượng sở hữu mang lại thì chủ sở hữu không được hưởng toàn bộ, mà chỉ được hưởng một phần, phần còn lại phải đóng góp vào lợi ích chung của toàn xã hội, của đất nước. Tỷ lệ phân chia này là bao nhiêu do luật pháp quy định, thông qua các chính sách như chính sách thuế và các chính sách khác. Sở hữu thành phương tiện chủ yếu để đạt tới các mục tiêu kinh tế của chủ sở hữu. Các chủ thể sở hữu không chỉ quan tâm tới đối tượng sở hữu, cái mà họ quan tâm hơn là giá trị gia tăng được tạo ra từ các đối tượng sở hữu đó. Bởi vì, giá trị gia tăng ấy là cái bảo đảm sự gia tăng lợi ích kinh tế của chủ sở hữu. Để đạt  được điều đó, chủ sở hữu phải hết sức quan tâm đối tượng sở hữu nào đem lại sự gia tăng giá trị cao nhất (ngày nay là tri thức, là trí tuệ con người, là trí tuệ nhân tạo, là công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ kỹ thuật số…) và làm thế nào, với phương thức nào để đối tượng sở hữu mang lại giá trị gia tăng cao nhất, vì vậy phải hợp lý hóa, tối ưu hóa việc tổ chức và quản lý quá trình sản xuất - kinh doanh v.v… để có hiệu quả kinh tế hợp lý. Điều này đã được C.Mác dự báo: trình độ của lực lượng sản xuất càng phát triển cao thì việc sản xuất ra sản phẩm hàng hóa càng ít phụ thuộc vào số lượng lao động và thời gian lao động đã chi phí, mà phụ thuộc vào trình độ chung của khoa học - công nghệ và sự ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất. Hệ thống máy móc tự động, công nghệ tiên tiến, hiện đại sẽ dần thay thế lao động trực tiếp trong quá trình sản xuất. Bởi vậy, thay vì làm tác nhân chủ yếu của quá trình sản xuất, công nhân lại đứng cạnh quá trình ấy. Khi ấy tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, phát minh trở thành một nghề đặc biệt và đối với nghề này thì việc vận dụng khoa học vào sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích. Quá trình sản xuất từ chỗ là một quá trình lao động giản đơn thành một quá trình khoa học. Lao động trực tiếp về lượng sẽ quy vào một phần nhỏ, còn về chất được chuyển hóa thành một yếu tố cần thiết, nhưng là thứ yếu so với lao động khoa học phổ biến. Điều đó càng thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển cao hơn nữa. Cơ sở, điều kiện để xóa bỏ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa là sự phát triển rất cao của lực lượng sản xuất, khi mà kinh tế tri thức đã trở thành phổ biến. Như vậy, không thể nóng vội xóa bỏ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa khi lực lượng sản xuất chưa đòi hỏi, khi sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa chưa trở thành xiềng xích kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất, khi những điều kiện cho sự tiêu vong của sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa chưa xuất hiện.

Khi sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa còn phù hợp với sự phát triển lực lượng sản xuất thì phải có chính sách phù hợp, khả thi để phát huy tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của nó.

Kinh tế tư bản tư nhân có công lao lớn trong thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển và xã hội hóa sản xuất (đây là điều kiện vật chất - kỹ thuật để tiến lên chủ nghĩa xã hội), nhưng mục tiêu của nó là tối đa hóa lợi nhuận, nên giữa chủ và thợ có mâu thuẫn về lợi ích kinh tế khi phân phối giá trị mới tạo ra thành lợi nhuận và tiền công. Bởi vậy, cần có chính sách sao cho nhà tư bản thu được lợi nhuận thích đáng để họ hăng hái đầu tư, không ngừng  phát triển sản xuất - kinh doanh; nhưng mặt khác lại phải điều tiết sự phân phối kết quả sản xuất để đảm bảo “chủ và thợ cùng có lợi”, “công và tư hưởng lợi”, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, như trốn thuế, chuyển giá, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân… Phải lấy tiêu thức thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, tăng năng suất lao động, bảo đảm đời sống công nhân làm cơ sở để xử lý vấn đề này. Đại hội XII, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn.

Cần phân biệt: chiếm hữu với sở hữu. Chiếm hữu là độc chiếm lấy một vật gì đó để sử dụng[10]. Chiếm hữu của cải vật chất là hành vi tự nhiên, tất yếu của con người để sinh tồn. Chiếm hữu là quan hệ giữa con người với tự nhiên và là phạm trù vĩnh viễn. Sở hữu là quan hệ giữa người với người trong việc chiếm hữu của cải vật chất xã hội (chiếm hữu các nguồn lực đầu vào của sản xuất và các sản phẩm được tạo ra từ nguồn lực đầu vào đó). Sở hữu là biểu hiện về mặt xã hội của chiếm hữu. Sở hữu là phạm trù lịch sử, thay đổi theo những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định.

Quan hệ sở hữu là quan hệ khách quan do trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất quyết định. Quan hệ sở hữu vừa là kết quả, vừa là điều kiện cho sự phát triển lực lượng sản xuất. Quan hệ sở hữu là quan hệ bản chất bên trong của quan hệ giữa người với người trong việc chiếm hữu của cải vật chất xã hội, nhưng quan hệ sở hữu là quan hệ trừu tượng. Muốn hiện thực hóa quan hệ sở hữu thì phải thể chế hóa bằng quan hệ pháp lý thành chế độ sở hữu. Chế độ sở hữu là sự thể chế hóa có tính chất pháp lý, là nội dung pháp lý của quan hệ sở hữu đang tồn tại khách quan trong mỗi chế độ xã hội. Quan hệ sở hữu là nội dung bản chất bên trong, chế độ sở hữu là quy định pháp lý để hiện thực hóa quan hệ sở hữu khách quan đó. Hệ thống luật pháp phải thừa nhận các quyền của chủ sở hữu đối với đối tượng sở hữu (cả các nguồn lực đầu vào hữu hình và vô hình, cả các sản phẩm được tạo ra từ các nguồn lực đầu vào đó). Pháp luật quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ sở hữu đối với đối tượng sở hữu và lợi ích do đối tượng sở hữu đó mang lại. Chế độ sở hữu bao gồm các quyền như quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền quản lý kinh doanh (quyền sử dụng), quyền thực hiện lợi ích kinh tế, quyền kiểm soát, quyền định đoạt tài sản, quyền chuyển nhượng, mua - bán tài sản  (hữu hình và vô hình), quyền thừa kế, cho, biếu, tặng tài sản… Trong đó, có hai nhóm quyền quan trọng là quyền sở hữu và quyền sử dụng. Hai nhóm quyền này có thể thống nhất ở một chủ thể, hoặc có thể tách rời ở nhiều chủ thể…

Mỗi phương thức sản xuất bao giờ cũng có một loại hình sở hữu đặc trưng, giữ vai trò chủ đạo, xác định bản chất của chế độ xã hội đó; đồng thời còn các loại hình sở hữu khác cùng tồn tại.

Mỗi loại hình sở hữu có nhiều hình thức sở hữu với mức độ thể hiện khác nhau, biến đổi theo những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, tùy theo trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và trình độ quản lý quá trình  sản xuất ở mỗi giai đoạn. Hình thức sở hữu là biểu hiện trên bề mặt xã hội của quan hệ sở hữu, thể hiện ra thông qua hoạt động của các chủ thể sở hữu.

Cho đến nay, nhân loại đã chứng kiến có sự tồn tại và phát triển của hai kiểu chế độ sở hữu: chế độ sở hữu tư nhân (chế độ tư hữu) và chế độ sở hữu xã hội (chế độ công hữu). Chế độ tư hữu có các hình thức sở hữu như: hình thức sở hữu tư nhân của cá thể, của hộ gia đình, của tiểu chủ, của nhà tư bản (sở hữu tư nhân tư bản), của tập đoàn tư bản… Chế độ công hữu có các hình thức sở hữu như: sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể… Trong nền kinh tế thị trường còn có hình thức sở hữu hỗn hợp là hình thức sở hữu đan xen các hình thức sở hữu trong cùng một đơn vị kinh tế.

Trong nền kinh tế quá độ ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay do trình độ phát triển chưa cao, chưa đồng đều của lực lượng sản xuất mà còn tồn tại khách quan cả chế độ tư hữu với nhiều hình thức, cả chế độ công hữu với nhiều hình thức và cả hình thức sở hữu hỗn hợp (như công ty (doanh nghiệp) cổ phần, công ty TNHH, hình thức hợp tác công tư (PPP)...) .

Giải quyết vấn đề sở hữu phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, do lực lượng sản xuất đòi hỏi, chứ không thể duy ý chí, chủ quan, nóng vội. Ph. Ănghen viết: “…Bất cứ một sự cải biến nào về mặt quan hệ sở hữu cũng đều là kết quả tất yếu của việc tạo nên những lực lượng sản xuất mới, không còn phù hợp với các quan hệ sở hữu cũ nữa”[11].

Trong nền kinh tế quá độ của thời kỳ quá độ lên CNXH thì sự tồn tại, phát triển của nhiều chế độ sở hữu, nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế là một tất yếu khách quan. Các thành phần kinh tế, các bộ phận hợp thành nền kinh tế quốc dân đều có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách, nguồn lực của Nhà nước để định hướng, điều tiết nền kinh tế… Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân, được Nhân dân ủy quyền, thay mặt Nhân dân quản lý, điều hành, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, mọi tài sản thuộc sở hữu toàn dân tạo các điều kiện nền tảng, định hướng, dẫn dắt, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển theo mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh, bền vững, toàn diện, sáng tạo, bao trùm, để đất nước vững bước đi lên CNXH. Với vai trò "nhạc trưởng", "bà đỡ" như vậy, Nhà nước giữ vị trí, vai trò quyết định, vai trò chủ đạo trong hệ thống kinh tế quốc dân, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong nền kinh tế quá độ của thời kỳ quá độ lên CNXH có nhiều chế độ sở hữu, nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Mỗi thành phần kinh tế có vị trí, vai trò quan trọng khác nhau, trong đó thành phần kinh tế công giữ vị trí, vai trò then chốt, thành phần kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế công cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế có tính tự chủ cao. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế cùng hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, bình đẳng trước pháp luật, cùng nhau huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước với mục tiêu chung "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"./.


[1] Sở hữu riêng cũng có nhiều phương thức: sở hữu riêng của người sử dụng trực tiếp đối tượng sở hữu; sở hữu riêng của người không sử dụng trực tiếp đối tượng sở hữu

[2] Sở hữu chung cũng có nhiều phương thức: sở hữu chung đồng hạng và sở hữu chung không đồng hạng. Sở hữu chung đồng hạng là các chủ thể sở hữu chung có các quyền như nhau đối với đối tượng sở hữu; sở hữu chung không đồng hạng là các chủ thể sở hữu chung có các quyền khác nhau đối với đối tượng sở hữu

[3] C. Mác- Ph. Ănghen: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 860

[4] Sở hữu riêng cũng có nhiều phương thức: sở hữu riêng của người sử dụng trực tiếp đối tượng sở hữu; sở hữu riêng của người không sử dụng trực tiếp đối tượng sở hữu

[5] Sở hữu chung cũng có nhiều phương thức: sở hữu chung đồng hạng và sở hữu chung không đồng hạng. Sở hữu chung đồng hạng là các chủ thể sở hữu chung có các quyền như nhau đối với đối tượng sở hữu; sở hữu chung không đồng hạng là các chủ thể sở hữu chung có các quyền khác nhau đối với đối tượng sở hữu

[6] C. Mác- Ph. Ănghen: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 860

[7] Theo Lênin, trong thời kỳ quá độ tồn tại đan xen của cả chế độ tư hữu với nhiều hình thức sở hữu đang phát huy vai trò to lớn của nó, của cả chế độ công hữu với nhiều hình thức sở hữu đang từng bước hình thành, phát triển và hình thức sở hữu hỗn hợp, đặc biệt là chủ nghĩa tư bản nhà nước

[8] C. Mác- Ph. Ănghen: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 469

[9] C. Mác: Góp phần phê phán Chính trị kinh tế học, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr.8

[10] Xem C. Mác: Tư bản, quyển III, tập 3, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1963

[11] C. Mác- Ph. Ănghen: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 467

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực