Vĩnh Long tập trung phát triển vùng lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Thứ ba, 09/04/2024 15:39
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long, địa phương vừa thông qua kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, mang đến một hướng mới về phát triển bền vững ngành lúa gạo của Vĩnh Long trong bối cảnh khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.
 Lúa vẫn được xem là một loại cây trồng chủ lực ở Vĩnh Long. (Ảnh: Báo Vĩnh Long)

Theo đó, trong 2 năm gần đây, tổng diện tích gieo trồng lúa của tỉnh Vĩnh Long khoảng 112.400 - 112.700 ha, sản lượng từ 679.700 - 895.000 tấn, đứng thứ 12 vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh.

Trên cơ sở Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh này ban hành kế hoạch thực hiện Đề án nói trên theo Quyết định số 513/QĐ-UBND ngày 19/3/2024.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm định hướng và đề ra giải pháp thúc đẩy phát triển vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh theo hướng canh tác bền vững; đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Cụ thể, tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện Đề án trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2024 - 2025) triển khai tại 4 huyện Vũng Liêm, Long Hồ, Bình Tân, Tam Bình với diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp là 3.203 ha/năm; giai đoạn 2 (từ 2026 - 2030) thực hiện tại các huyện Vũng Liêm, Long Hồ, Bình Tân, Tam Bình, Trà Ôn, Mang Thít và TX Bình Minh, sẽ phát triển diện tích canh tác lên 20.000 ha. Vụ lúa Hè Thu 2024, tỉnh thực hiện Đề án lồng ghép trong các mô hình lúa sạch, lúa hữu cơ, mô hình lúa cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao… đã triển khai các năm trước ở các huyện, thị xã.

Đề án cũng hướng đến sẽ giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống, hướng tới bán tín chỉ carbon trong và ngoài nước thông qua việc ứng dụng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định làm cơ sở cấp tín chỉ carbon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp.

Được biết, những năm qua, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã từng bước thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng lúa, đặc biệt là lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Để nâng cao năng suất, chất lượng lúa hàng hóa, công tác chọn, nhân giống lúa được tỉnh đặc biệt quan tâm và được xem là bước đột phá để nâng cao chất lượng lúa.

Ngành nông nghiệp Vĩnh Long cũng triển khai nhiều dự án hỗ trợ sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, lúa giống và đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó nổi bật nhất là đề tài “Khảo nghiệm, hỗ trợ công nhận giống lúa quốc gia”; “Thử nghiệm sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng bằng phương pháp phục tráng giống OM4900/OM5451”.v.v... Các dự án, đề tài góp phần cung cấp lượng giống lúa chất lượng cao, từng bước xây dựng và phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt, nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, hình thành vùng nguyên liệu lúa đủ điều kiện tham gia chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực trong tỉnh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng giao Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long liên kết với các doanh nghiệp thực hiện Dự án “Phát triển giống lúa gạo tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2025”. Dự án đầu tư khảo nghiệm chọn lọc từ các giống lúa đã lai tạo có năng suất cao, phẩm chất tốt để công nhận chính thức 1 - 2 giống lúa mang thương hiệu giống Vĩnh Long nhằm đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc củng cố và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh cũng là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng lúa, nhất là lúa hàng hóa. Sản xuất lúa tại đây sẽ tạo nên một cánh đồng sản xuất lúa hàng hóa bằng giống xác nhận chất lượng cao, sản xuất ra hạt lúa - gạo có độ thuần cao và được tiêu thụ với giá cao hơn các ruộng khác từ 50 - 100 đồng/kg, đồng thời còn thực hiện các khâu dịch vụ nông nghiệp: từ khâu giống, làm đất, gieo sạ đến thu hoạch.

Ngoài ra, đầu tư cơ giới hóa cũng được ứng dụng phổ biến trong sản xuất lúa; đến nay, diện tích sản xuất lúa ở các khâu làm đất, bơm nước, thu hoạch đạt 100%. Theo kế hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực, nhưng sẽ điều chỉnh giảm diện tích chuyên canh 2 - 3 vụ lúa để thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ - đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa. Tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức lại sản xuất lúa theo vùng, phát triển kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị hạt gạo. Trong đó, sẽ phát triển vùng nguyên liệu lúa thơm đặc sản, lúa chất lượng cao đạt 70 - 80% diện tích canh tác, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, tăng cường hợp tác, mở rộng liên kết, liên doanh với thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, liên kết với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để mở rộng thị trường và khuyến khích các doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất kinh doanh lúa gạo để việc trồng lúa chất lượng cao ở Vĩnh Long phát triển bền vững./..

Bảo Châu (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực