|
Sản xuất linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
(Ảnh: baovinhphuc.com.vn)
|
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, giai đoạn 2016-2019, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều thuận lợi, tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc duy trì mức tăng trưởng khá với mức tăng bình quân 8,05%/năm. Trong năm 2020, do đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng toàn cầu đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế thế giới và khu vực, trong đó có kinh tế Việt Nam, do vậy tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2020 dự báo chỉ đạt khoảng 3%.
Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 7,1%/năm, cao hơn mức tăng bình quân 6,1%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và đạt mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020 đã đề ra.
Cũng theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trong giai đoạn 2016-2020, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực. Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tính đến năm 2020, ước đạt 61,59% tổng giá trị tăng thêm. Tỷ trọng khu vực dịch vụ có xu hướng giảm xuống, từ 31,98% năm 2015 xuống chỉ còn 30,2% tổng giá trị tăng thêm các ngành năm 2019.
Trong năm 2020, ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nên mức tăng trưởng đạt thấp, dự kiến tỷ trọng ngành dịch vụ chỉ ở mức 30,26% trong cơ cấu ngành kinh tế, thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra là 31,4%.
Tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản đang giảm nhanh chóng, từ mức 10,14% tổng giá trị tăng thêm năm 2016 xuống chỉ còn 7,37% năm 2019 và dự kiến đến năm 2020, tỷ trọng của khu vực này đạt khoảng 8,15% tổng giá trị tăng thêm các ngành kinh tế, không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 7,1%.
Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì được tăng trưởng ổn định ở mức cao, một số ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục được phát triển, nhiều sản phẩm công nghiệp tăng trưởng khá. Trong giai đoạn 2016-2020, ngành công nghiệp tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa bàn. Tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020 ước đạt 10,61%/năm.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2020, mặt bằng lãi suất của tỉnh được duy trì ổn định qua các năm. Lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5 – 9%/năm đối với từng loại đối tượng. Công tác huy động vốn được thực hiện hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Riêng giai đoạn 2016 – 2018, nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng trưởng tốt, bình quân mức tăng trưởng đạt 19,38%/năm.
Về thu, chi ngân sách nhà nước, giai đoạn 2016 – 2020, các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng với những giải pháp quyết liệt có đột phá trong từng thời điểm của các cấp chính quyền nên tổng thu ngân sách trên địa bàn vẫn vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2016-2019 đạt 129,813 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 8%/năm.
Năm 2020 do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID -19 dẫn đến sản xuất kinh doanh suy giảm nên thu ngân sách ước đạt 28,57 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ tổng thu thu ngân sách nhà nước/GRDP đạt mức cao, trung bình toàn giai đoạn đạt tới 32,1%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (22-23% GRDP/năm),…/.