Xác định vận tải thủy là một trong lĩnh vực trọng điểm quốc gia

Thứ sáu, 15/10/2021 01:58
(ĐCSVN) – Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển logistic vận tải thủy và vận tải ven biển, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, khi thực hiện quy hoạch 5 lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT), từ giai đoạn nghiên cứu, Bộ xác định vận tải thủy là một trong lĩnh vực trọng điểm của quốc gia.
 Hình ảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển logistic vận tải thủy và vận tải ven biển

Ngày 14/10, Tại trụ sở Bộ Giao thông Vận tải (Hà Nội), Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển logistic vận tải thủy và vận tải ven biển.

Trong đó, Bộ trưởng chia sẻ, vừa qua, khi thực hiện quy hoạch 5 lĩnh vực GTVT, từ giai đoạn nghiên cứu, Bộ xác định vận tải thủy là một trong lĩnh vực trọng điểm của quốc gia.

“Vận tải thủy không chỉ đóng vai trò trung chuyển hàng hóa giữa các cảng thủy mà còn kết nối với các cảng biển, cảng nội địa ICD. Tuy vậy, đến nay vận tải thủy phát triển chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của đất nước; có sự chênh lệch lớn vận tải thủy phía Nam và phía Bắc”, Bộ trưởng thông tin.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đặt ra câu hỏi: “Tại sao hệ thống đường thủy phía Bắc và phía Nam có những điều kiện tương tự nhưng việc gom hàng xuất nhập khẩu bằng đường thủy ở phía Nam lại cao, đạt hơn 10%, còn phía Bắc mới chỉ 1,8%. Giải pháp nào để tăng tỷ lệ này, cần giải pháp, chính sách nào để phát triển vận tải thủy và vận tải ven biển bằng tàu VR-SB?”.

Đồng thời, trực tiếp chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như đường thủy còn bị cản trở bởi tĩnh không cầu thấp, việc đầu tư xây dựng cảng thủy ở các tuyến sông có đê rất khó khăn, phức tạp do quy định của pháp luật đê điều, chính sách đầu tư cảng thủy….

Để thúc đẩy phát triển, khai thác thế mạnh của vận tải pha sông biển, ven biển bằng tàu VR-SB, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Sắp tới sẽ đề xuất cơ chế đặc biệt để phát triển đội tàu pha sông biển VR-SB. Các Cục Hàng hải, Đường thủy nội địa và Đăng kiểm VN phải tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp để có những đề xuất, cải tiến quy định về phương tiện vận tải ven biển”.

Dịp này, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu báo cáo, Việt Nam có 2.350 sông, kênh có tổng chiều dài khoảng 42.000km với 9 hệ thống sông lớn đổ ra biển thông qua 120 cửa sông. Tổng chiều dài đường thủy cả nước đang được quản lý khai thác là hơn 17.000km.

 Vận tải hàng hóa trong nước bằng đường thủy chiếm 19% tổng lượng hàng hóa cả nước

Từ năm 2015 đến nay, Chính phủ cùng Bộ GTVT đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển GTVT đường thủy nội địa, giúp vận tải thủy ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với ngành GTVT. Hiện, đã hình thành 9 hành lang vận tải đường thủy kết nối với nhau và trực tiếp đến các cảng biển, tuyến vận tải ven biển bằng phương tiện VR-SB. Chưa kể, vận tải đường thủy có ưu điểm về giá cước vận chuyển thấp, có độ an toàn cao và ít ảnh hưởng ô nhiễm môi trường.

Dẫn chứng cụ thể, ông Bùi Thiên Thu cho biết: “Hiện vận tải thủy chiếm khoảng 19% tổng lượng hàng hóa trong nước. Có nghĩa là cứ 5 tấn hàng lưu thông thì có 1 tấn hàng được chuyển bằng đường thủy; và chiếm hơn 20% khối lượng hàng hóa luân chuyển toàn quốc (tỷ lệ ở vùng Đồng bằng sông Hồng là 45%, vùng Đông Nam Bộ 47,5% và tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 79,7%)”.

Tuy nhiên, đường thủy vẫn còn đang gặp nhiều tồn tại hạn chế, bất cập gây cản trở vận tải các tuyến vận tải thủy không đồng cấp, tồn tại các điểm nghẽn và các cầu có tĩnh không thấp như: cầu Đuống, cầu Bình Triệu cũ, cầu Đồng Nai cũ, cầu Sa Đéc…

Ngoài ra, phương tiện thủy chủ yếu là loại nhỏ, hoạt động trên tuyến ngắn, năng suất thấp, phương tiện chở hàng trên cả nước mới có 639 chiếc. Dẫn đến việc kết nối giữa vận tải đường thủy và các phương thức vận tải khác, nhất là đường bộ và cảng biển chưa được thuận lợi.

Mặt khác, đa số các doanh nghiệp vận tải thủy là tư nhân, phát triển tự phát, manh mún, năng lực tài chính thấp và phương tiện cũ. Chưa có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy vận tải hàng container bằng đường thủy nội địa.

Chính những điều đó làm gia tăng gánh nặng cho các doanh nghiệp, hiệp hội, không khuyến khích được vận tải thủy phát triển theo tinh thần của Chỉ thị số 37/2020 về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển./.

Tin, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực