Xây dựng Đà Nẵng thành “Đất lành” về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thứ hai, 01/08/2022 20:24
(ĐCSVN) – Trên cơ sở định hướng của Trung ương thông qua Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và một số văn bản khác có liên quan, đến nay TP Đà Nẵng đã có nhiều định hướng lớn để phát triển TP theo hướng hiện đại. Một trong những định hướng quan trọng cần phải kể đến là phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thông tin từ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng cho hay, đến nay, cùng với Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ sở để TP Đà Nẵng xác định, xây dựng một số chương trình hành động nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm của khu vực và cả nước trên các lĩnh vực kinh tế- xã hộ, văn hoá, chính trị, quốc phòng, an ninh, tài chính…Trong đó, trở thành trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang được các cấp uỷ, chính quyền, ngành chức năng, các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn quan tâm, tích cực tham gia.

Trước đó, một thuận lợi lớn để các cấp lãnh đạo TP Đà Nẵng bắt tay vào ban hành, triển khai các chủ trương, chương trình hành động để xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 844) và sau này là Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 188/QĐ-TTg đã xác định phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Đội ngũ trí thức và cộng đồng Startup Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại đây ngày càng phát triển, xứng tầm theo định hướng của Trung ương hiện nay.

Trên cơ sở những định hướng trên, ngày 13/1/2020 Thành uỷ Đà Nẵng đã ban hành Chương trình số 36-Ctr/TU triển khai thực hiện chuyên đề “Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo- khoa học- công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao”. Đồng thời, UBND TP Đà Nẵng ngày 29/4/2020 cũng ban hành Kế hoạch 2812/KH-UBND thực hiện Chương trình số 36-Ctr/TU và Quyết định 3836/QĐ-UBND ngày 13/10/2020 phê duyệt Đề án xây dựng TP Đà Nẵng thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Cạnh đó, để Đề án 844 kể trên đi vào cuộc sống, ngày 9/12/2020 HĐND TP Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 328/NQ-HĐND quy định nội dung và mức chi từ ngân sách để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2025; UBND TP Đà Nẵng cũng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện hằng năm cũng như kế hoạc thực hiện 5 năm và các cơ chế, chính sách về phát triển tài sản trí tuệ.

Theo đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng, các định hướng, chủ trương, chính sách kể trên đã tạo nhiều thuận lợi để Đà Nẵng từng bước đẩy mạnh các hoạt động và đầu tư cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng đi vào chiều sâu; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hình thanh và ngày càng phát triển, trong đó đã hình thanh được Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP và 06 vườn ươm, 02 không gian sáng tạo, 09 trung tâm làm việc chung, 10 câu lạc bộ khởi nghiệp và một số trung tâm khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Cạnh đó, hiện TP còn có 04 Quỹ đầu tư khởi nghiệp cùng cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương.

Ngoài ra, thông qua các chương trình hỗ trợ, chương trình ươm tạo, đến nay TP Đà Nẵng đã phát triển được 147 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thành lập gần 60 doang nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có những công ty thu hút vốn đầu tư lên đến hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu USD; tiêu biểu như: Công ty TNHH MTV Datbike Việt Nam, Công ty CP Công nghệ Hetake, Công ty CP  EM AND AI, Công ty TNHH Selly…

Cũng theo đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng: Cùng với các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP thời gian qua đã hỗ trợ trực tiếp cho cac doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các vườn ươm triển khai các chương trình ươm tạo dự án, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức có hiệu quả nhiều hoạt động kết nối mạng lưới khởi nghiệp như sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Đà Nẵng thường niên trở thành sự kiện lớn thu hút sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà đầu tư, startup đến với Đà Nẵng như một điểm đến về khởi nghiệp.

Từ những nỗ lực đó, năm 2020 Đà Nẵng đã vinh dự đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam, trong đó có hạng mục  Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do  VINASA trao tặng.

 Năm 2020 Đà Nẵng đã vinh dự đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam, trong đó có hạng mục  Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do  VINASA trao tặng.

Tuy nhiên, mặc dù đạt được những kết quả đáng kể trên, song sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu, năng lực nghiên cứu ứng dụng, hấp thu công nghệ, đổi mới sáng tạo của tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn hạn chế so với các địa phương lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư, mạng lưới chuyên gia còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Mối liên kết giữa khu vực nghiên cứu với thị trường và doanh nghiệp còn yếu. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn khiêm tốn, đầu tư cho đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới còn e dè, sợ rủi ro. Cơ sở vật chất và nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; điều kiện cơ sở hỗ trợ startup chưa đủ hấp dẫn để thu hút, thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp đến Đà Nẵng.

Trước thực tế đó, hiện nay theo đề xuất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng, TP cần tập trung vào 03 nhóm giải pháp cơ bản để xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo. Cụ thể là phải thay đổi nhận thức, tư duy nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế- xã hội TP; tạo lập môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi cho việc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và tài chính cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cạnh đó, theo lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng thì: Để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thơì gian tới Trung ương cần hỗ trợ, cho Đà Nẵng chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ tốt nhất cho lĩnh vực này. Trên cơ sở đó để Đà Nẵng có thêm điều kiện phát triển các hoạt động cũng như thu hút nhiều nhà đầu tư về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng Đà Nẵng thành nơi “Đất lành” và có nhiều “Chim lành” về đậu. Đặc biệt, Đà Nẵng phải thu hút được các nhà đầu tư “kỳ lân” quan tâm đầu tư trên lĩnh vực thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khác đến với TP này./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực