Xây dựng kết cấu hạ tầng truyền tải điện đồng bộ, hiện đại

Thứ sáu, 17/02/2012 13:48

(ĐCSVN) – Cùng với sự phát triển trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, tình trạng thiếu điện và cắt điện luân phiên liên tục gây ra nhiều khó khăn cho xã hội. Điều này được lý giải do bởi hệ thống truyền tải điện còn thiếu và yếu. Bởi thế, việc xây dựng kết cấu hạ tầng truyền tải điện đồng bộ, hiện đại và đáp ứng được nhu cầu hiện nay đang được đặt ra như là một yêu cầu cấp thiết.

Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 cũng đã chỉ rõ: Hạ tầng cung cấp điện là một trong 4 lĩnh vực trọng tâm cần tập trung nguồn lực phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó nêu rõ: “Về hạ tầng cung cấp điện, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nghị quyết cũng nêu cụ thể nội dung định hướng phát triển hạ tầng cung cấp điện, trong đó yêu cầu: Phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ, phù hợp với tiến độ vận hành các nhà máy điện. Nghiên cứu, áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lưới điện phân phối, kết nối, hòa mạng đồng bộ hệ thống điện Việt Nam với hệ thống điện các nước trong khu vực.

 

 Nước ta đang rất cần hệ thống truyền tải điện đồng bộ và hiện đại (Ảnh: HNV)


Khó khăn trong khâu truyền tải điện

Theo Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN), hệ thống truyền tải điện hiện nay của cả nước gần như quá tải, đặc biệt là lưới điện miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Hiện, miền Bắc chỉ tự túc được 3.600 MW công suất trên tổng số 5.800 MW; phần nguồn còn lại phụ thuộc vào điện truyền tải cao (1.600 MW) từ miền Nam ra qua đường dây 500 kV Bắc – Nam và 600 MW đưa từ Trung Quốc về nên khả năng rã lưới là rất cao. Riêng Hà Nội, do lưới điện truyền tải quá yếu, vì vậy, vào các giờ cao điểm sáng của những ngày nắng nóng, tình trạng quá tải các trạm biến áp đã xảy ra nghiêm trọng. Hiện, EVN cũng đang thuê tư vấn xây dựng quy hoạch lưới điện quốc gia cho phù hợp với tiến độ phát triển nguồn và tăng trưởng phụ tải.

EVN cho biết, tổng vốn đầu tư cho bảo đảm cung cấp và phát triển điện lực thì có hạn, trong khi huy động các nguồn đầu tư lưới điện còn gặp nhiều khó khăn, vì vốn khấu hao cơ bản của ngành chỉ dành cho trả gốc, lãi hàng năm cũng khá nan giải rồi. Hiện nay, hệ thống lưới điện mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu truyền tải, trong khi quy hoạch của ngành về phát triển hệ thống lưới điện thì nhỏ giọt, thiếu đồng đều, có nơi có, có nơi không... Đặc biệt, việc triển khai các dự án hệ thống lưới điện cũng cho kết quả không mấy khả quan. Nguyên nhân được chỉ ra, ngoài khó khăn về giải phóng mặt bằng, một nguyên nhân quan trọng là thiếu vốn. Mà sự thiếu hụt nguồn vốn này, theo các chuyên gia về điện, thì chủ yếu phụ thuộc vào ý chí chủ quan của ngành điện, thông qua việc phân bổ nguồn lực.
 
Theo công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2010 của Bộ Công thương, chi phí cho khâu truyền tải điện là 5.626 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 5,7 tổng chi phí giá điện (101.096 tỷ đồng). Đây được xem là mức đầu tư quá thấp, trong khi truyền tải là một trong những khâu rất quan trọng. Giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm hiện nay cũng chỉ ở mức 65,7 đồng/kWh nên càng khó thực hiện tái đầu tư cho lưới điện. Nhận thức được khó khăn này, Bộ Công thương cũng đã từng đề nghị Chính phủ cần sớm xem xét thông qua kế hoạch tái cơ cấu ngành điện, tách khâu phát điện ra khỏi khâu truyền tải, mua bán và điều độ hệ thống điện để hình thành cạnh tranh trong khâu phát điện, để giá phát điện thực sự do thị trường xác lập, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, EVN vẫn bảo vệ quan điểm giữ nguyên khâu truyền tải thuộc đơn vị này với lý do đây là khâu đặc thù về kỹ thuật.

 

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống truyền tải điện đáp ứng nhu cầu phát
và sử dụng điện (Ảnh: HNV)


Đồng bộ nguồn và truyền tải điện

Trong các năm 2005-2007, hệ thống điện Việt Nam phát triển rất nhanh với mức tăng trưởng trung bình 14%/năm. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến 2025 (Quy hoạch điện VI) được Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt và ban hành dự báo nhu cầu phụ tải trong giai đoạn 2006-2015 tăng trưởng với tốc độ 17%/năm là phương án cơ sở. Điều đó sẽ đáp ứng tốc độ tăng trưởng phụ tải, các dạng nguồn điện cũng như hệ thống lưới điện được quy hoạch đưa vào vận hành liên tục trong các năm từ 2008-2015.

Quy hoạch điện VI đưa ra định hướng phát triển nguồn điện và lưới điện để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải trong giai đoạn xem xét, nhưng không đề cập chi tiết tới các phương án đấu nối nhà máy vào lưới điện quốc gia cũng như khả năng vận hành lưới điện truyền tải quốc gia. Ngoài ra, cấu hình hệ thống điện quốc gia cũng chưa được kiểm tra, xem xét với các tiêu chí tin cậy trong truyền tải điện.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, vai trò của hệ thống truyền tải điện rất quan trọng, vì dự báo được hệ thống phụ tải và huy động nguồn, đề ra thời gian đưa hạng mục vào vận hànhk, cũng như đảm bảo hệ thống điện hoạt động trong mọi tình huống, nên khi tiến hành xây dựng hệ thống phải đảm bảo được độ tin cậy, chi phí thấp. Cũng cần chú ý đến khả năng hệ thống chịu đựng được biến động đột biến như nắn mạch, hay các phương án chưa được dự tính, ảnh hưởng của nhiệt độ, môi trường…qua việc phân tích tình hình Việt Nam và một số nước trên thế giới của chuyên gia tư vấn. Ngoài ra, cũng tính đến những tiêu chí về kinh tế khi quy hoạch truyền tải, so sánh chi phí tuổi thọ, thời gian quy hoạch, chi phí đầu tư, tổn thất, vận hành, bảo dưỡng…

Thực tế, nhìn vào quy hoạch điện VI giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025, được thực hiện trong giai đoạn 2006-2010 do Vụ Năng lượng, Bộ Công thương báo cáo, tổng công suất lắp nguồn xây dựng và đưa vào vận hành khoảng trên 10.000 MW chỉ đạt gần 70% kế hoạch đề ra, lưới điện truyền tải cũng chỉ đạt trên dưới 50% khối lượng quy hoạch. Trong khi đó, theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), để đảm bảo đầu tư các dự án trong quy hoạch điện VI, tổng nhu cầu đầu tư của Tập đoàn đến năm 2015 dự kiến khoảng 832.000 tỷ đồng, nhưng trên thực tế, số vốn huy động được mới chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu. Một lãnh đạo cấp cao của EVN chia sẻ, số vốn còn thiếu là 599.000 tỷ đồng vượt quá khả năng thu xếp của EVN và theo dự báo, tốc độ tăng trưởng phụ tải của tổng sơ đồ VI là rất lớn (17-20%), mỗi năm cần 2.000-3.000 MW tăng thêm mới đáp ứng đủ điện.

Theo kế hoạch, giai đoạn từ 2011-2015, EVN dự kiến đưa vào 11.300 MW, khởi công thêm 14 dự án cho giai đoạn sau 2015 và mục tiêu đến năm 2020 sẽ cấp điện cho toàn bộ khu vực nông thôn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì EVN cũng kiến nghị với Bộ Công thương cần sớm phê duyệt việc tách các tổng công ty phát điện thành những đơn vị độc lập nhằm giảm bớt những gánh nặng về vốn và tập trung cho các dự án trọng điểm. Trên thực tế, trong 10 công trình mà Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, thì hầu hết các dự án đều chậm so với tiến độ đề ra. Đại diện TKV cho biết, việc thu xếp tài chính cho các dự án điện, đặc biệt là các dự án có quy mô công suất lớn rất khó khăn, khó tiếp cận với các ngân hàng trong nước. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng nhiều bất cập, giá đất, thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ tái định cư thường mất từ 1-2 năm, thậm chí dài hơn mới có thể tiến hành đầu tư được. Ngay cả một đơn vị có tiềm lực mạnh như Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cũng bày tỏ, áp lực thu xếp vốn cho các dự án nhiệt điện của PVN là rất lớn, nhưng việc huy động vốn cũng không dễ dàng. Hơn nữa, giá điện được điều chỉnh chưa hợp lý đang là một nguyên nhân khiến nhà đầu tư phải "nản" khi rót vốn vào ngành điện.

Những lý do trên cộng với việc hơn lúc nào hết càng cần thiết đẩy nhanh tiến trình đồng bộ nguồn và truyền tải điện, đã đưa đến việc phê duyệt và triển khai Quy hoạch điện VII. Theo đánh giá của Viện Năng lượng về thực hiện Quy hoạch điện VII, giai đoạn 2006 – 2010, cả nước dự kiến xây dựng 14.581 MW nguồn điện, xây mới và mở rộng 16 trạm biến áp 500kV, 87 trạm biến áp 220kV; xây dựng mới và cải tạo 12 tuyến đường dây 500kV và 117 tuyến đường dây 220kV. Tuy nhiên, thực tế chỉ xây dựng được 9.741MW (đạt 66,8% kế hoạch). Xây mới và mở rộng được 9 trạm biến áp 500kV với tổng công suất 4950 MVA (đạt 60% kế hoạch) và 40 trạm biến áp 220kV (đạt 46% kế hoạch). Việc xây dựng đường dây 500kV và 220kV cũng chỉ đạt 41-50% kế hoạch. Dự báo: Tốc độ tăng trưởng điện theo giai đoạn 2011-2015 sẽ là 14,1%-16%; Tốc độ tăng trưởng điện theo giai đoạn 2016-2020 sẽ là 11,3%-11,6%; Tốc độ tăng trưởng điện theo giai đoạn 2021-2025 sẽ là 8,2%-9,2%; Tốc độ tăng trưởng điện theo giai đoạn 2026-2030 sẽ là 7,4%-8,4%; Hệ số đàn hồi tương ứng lần lượt là 2,01, 2,89, 2,41, 1,06, 0,95. Trong khi đó, Bộ Công Thương dự kiến, giai đoạn 2011-2014, tổng công suất nguồn có khả năng đưa vào hoạt động chỉ đạt khoảng 15.000 MW (miền Bắc khoảng 8.400 MW, miền Trung khoảng 2.200 MW, miền Nam dưới 4.600 MW). Vì vậy, nguy cơ thiếu điện các năm 2013-2014 rất cao, nhất là miền Nam. Để đáp ứng sự tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ điện, Quy hoạch VII dự kiến kế hoạch: Giai đoạn 2011-2015, cả nước cần xây dựng 23.000 MW nguồn (gần 4.600 MW/năm); Giai đoạn 2016-2020 cần xây dựng 27.200 MW nguồn (trên 5.400 MW/năm). Về phát triển lưới điện: Giai đoạn 2011-2015 cần xây dựng trên 6.800 Km đường dây 220-500 kV và trên 50.000 MVA trạm biến áp 220-500 kV. Giai đoạn 2016-2020 sẽ xây dựng khoảng 5.800 Km đường dây 220-500 kV và trên 66.000 MVA trạm biến áp 220-500kV.

Theo các chuyên gia, để thực hiện tốt Tổng sơ đồ VII, mỗi năm cần lượng vốn đầu tư mới từ 5-7 tỷ USD. Đây là thách thức rất lớn trong điều kiện kinh tế đất nước đang rất khó khăn. Một trong những giải pháp đang được đề xuất là nâng tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào để giảm gánh nặng tài chính cho đất nước. Bên cạnh đó là các biện pháp lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công chất lượng cao để đảm bảo tiến độ các dự án. Bên cạnh đó, vướng mắc không nhỏ trong việc thực hiện Quy hoạch VII là vấn đề mua nhiên liệu sơ cấp (than, dầu, khí) để phát điện ngày càng khó khăn. Ngoài chuyện tăng giá của nguyên liệu, kể cả việc chấp nhận giá cao cũng rất khó đàm phán ký hợp đồng mua than. Vì vậy, đã có một số nhà máy thiết kế cho than nhập không thực hiện được. Giải pháp được các chuyên gia tính tới là phải đa dạng hóa nguồn năng lượng sơ cấp để phát triển điện. Đây cũng là xu thế chung của thế giới hiện nay. Cụ thể, ngoài phát triển các nguồn điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện, các nhà chuyên môn đã và đang tính đến phát triển điện nguyên tử, năng lượng mới, năng lượng tái tạo với tỷ trọng nhất định trong hệ thống điện để làm cơ sở phát triển trong tương lai.

Một trong những yêu cầu quan trọng của Quy hoạch điện VII là phát triển đường dây truyền tải điện đồng bộ với nguồn, có dự phòng cho phát triển lâu dài, từng bước ngầm hóa lưới điện tại các thành phố, thị xã. Giai đoạn 2011-2015, EVN dự kiến sẽ đưa vào vận hành 44 công trình lưới truyền tải điện 500 kV và 212 công trình lưới điện truyền tải 220 kV. Chính phủ cũng yêu cầu, ngoài lưới điện áp 500 kV, sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng cấp điện áp 750 kV, 1000 kV hoặc truyền tải bằng điện một chiều giai đoạn sau năm 2020. Việc này sẽ cần 1 lượng vốn không nhỏ. Đây là bài toán rất nan giải vì hiện nay bức tranh tài chính của EVN đang rất khó khăn, chỉ riêng trả nợ đúng hạn cho các ngân hàng cũng không đơn giản.

Đó là chưa kể, lưới điện của Việt Nam đang quá tải và xuống cấp trầm trọng mà chưa tìm ra nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa và thay thế. Nếu thời gian tới, nhiều nhà máy điện tiếp tục đi vào vận hành thì lưới điện càng căng thẳng.

Được giao trách nhiệm chính trong bảo đảm phát triển hệ thống truyền tải, giai đoạn 2011-2020, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) sẽ phải đầu tư vào lưới điện 210,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư; giai đoạn 2021 - 2030 là 494 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,5%. Riêng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2011-2015 của NPT đã cần tới 133.580 tỷ đồng, trong khi vốn khấu hao cơ bản chỉ có 26.380 tỷ đồng. Hiện NPT đang đề nghị được áp dụng quy chế, chính sách đặc thù với các công trình điện cấp bách trong các năm 2010-2015. Theo đó, cho phép chủ đầu tư chỉ định cơ quan tư vấn; được quyết định các hình thức chọn thầu; được phê duyệt thủ tục đầu tư các dự án ODA.

Với kỳ vọng tạo ra sự đột phá mới, quy hoạch điện VII đã gợi mở ra một số cơ chế, chính sách và từng công việc cụ thể trong giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, với những dự án lưới điện kéo dài hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kilômét, phải đền bù nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu cho hàng nghìn, hàng vạn dân thì công việc này chưa bao giờ hết khó. Nhất là chính sách giá cả đền bù luôn thay đổi theo thời gian và không thống nhất giữa các địa phương khiến cho người nhận đền bù chưa an lòng... Vấn đề đặt ra là cần sự điều chỉnh để có cơ chế thỏa đáng, đảm bảo sự an tâm giữa hai bên nhằm đáp ứng được mục tiêu chung vì hiệu quả của các dự án điện. 

Với Quy hoạch điện VII, hy vọng hệ thống truyền tải điện sẽ được đổi mới, kiện toàn và đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện hiện nay, tránh để xảy ra tình trạng phải cắt điện luân phiên điện, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng như hiện nay.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực