Xuất khẩu tôm vẫn là “điểm sáng” trong bối cảnh khó khăn

Thứ sáu, 10/12/2021 16:48
(ĐCSVN) - Trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều điều kiện khó khăn, tuy nhiên, ngành tôm vẫn đạt được rất nhiều kết quả tích cực. Trong đó, diện tích tôm nước lợ thả nuôi ước đạt 740 nghìn ha; sản lượng tôm ước đạt 970 nghìn tấn, bằng 104,3% so với năm 2020. Về kim ngạch xuất khẩu, ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2020.

Ngày 10/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022”.

 Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022” (Ảnh: B.T)

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, năm 2021, mặc dù ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Dịch bệnh bùng phát từ cuối tháng tư với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như: thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ, trong đó có lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, với sự vào cuộc kịp thời của Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành, địa phương, sự đồng lòng, chung tay chia sẻ khó khăn của người dân, doanh nghiệp, do đó, nuôi trồng thủy sản năm 2021 vẫn đạt được kết quả tốt, trong đó có ngành hàng tôm.

Cụ thể, trong năm 2021, diện tích tôm nước lợ thả nuôi ước đạt 740 nghìn ha, trong đó, diện tích nuôi tôm sú 630 nghìn ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 110 nghìn ha.

Sản lượng tôm nuôi 11 tháng năm 2021 đạt 902,7 nghìn tấn (tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, tôm sú 255,2 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 597,5 nghìn tấn và tôm khác. Ước sản lượng tôm nuôi năm 2021 đạt 970 nghìn tấn, bằng 104,3% so với năm 2020. Về kim ngạch xuất khẩu tôm, ước trong năm 2021 đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2020.

Tổng cục Thủy sản cho biết thêm, trong năm 2022, nhu cầu tôm bố mẹ sẽ cần khoảng 260 – 270 nghìn con, tôm giống khoảng 140-150 tỷ con. Diện tích nuôi tôm đạt 740-745 nghìn ha, sản lượng tôm các loại 980 nghìn tấn, trong đó, tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 650 nghìn tấn, còn lại là các loại tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,9 tỷ USD.

Để đạt được các mục tiêu trên, toàn ngành sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước, đặc biệt phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022.

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Tập trung hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tại Hội nghị, đồng chí Vương Quốc Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, nuôi tôm nước lợ là ngành thủy sản mũi nhọn của tỉnh. Từ cuối năm 2020, đầu năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT của tỉnh tổ chức tốt về thời vụ, quản lý chặt yếu tố đầu vào về giống, thức ăn, tăng cường nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi nhiều giai đoạn được tăng cường,… Trên địa bàn tỉnh có trên 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản, do vậy, khi áp dụng giãn cách xã hội thì sản phẩm nuôi trồng của bà con vẫn được tiêu thụ tốt, không bị ứ đọng, tuy giá có giảm nhưng vẫn đảm bảo có lãi.

Tuy nhiên, theo đồng chí Vương Quốc Nam, hiện nay, về nuôi tôm, trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn nhất định. Trong đó, có thể kể đến việc cấp mã số nhận diện ao nuôi, trong năm nay, do dịch bệnh nên việc đi lại khó khăn; thủ tục cấp mã còn chưa được đơn giản hóa.

Trong năm 2022, địa phương phấn đấu diện tích nuôi tôm không tăng nhưng sản lượng tăng, do vậy, Sóc Trăng chủ trương nuôi tôm thâm canh, tăng chất lượng tôm nuôi, đồng thời, kiểm soát tốt chất lượng khâu đầu vào, nhất là yếu tố về giống. Đồng thời, tổ chức sản xuất áp dụng công nghệ và liên kết với các nhà máy để tiêu thụ sản phẩm.

Tại Hội nghị, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị cần kiểm soát tốt giá cả các yếu tố đầu vào như: giống, thức ăn, thuốc thú y,… bởi giá của những mặt hàng này còn tăng nhanh hơn cả giá tôm. Bên cạnh đó, việc nuôi tôm ở ao đất thường bị ô nhiễm môi trường nặng, do vậy, cần có chính sách để chuyển đổi từ hình thức ao đất sang nuôi bằng ao lót bạt.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, năm 2021 là năm rất khó khăn đối với sản xuất của ngành nông nghiệp, ảnh hưởng của dịch bệnh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, trong đó có ngành tôm. Tuy nhiên, với những kết quả về sản lượng, diện tích thả nuôi, kim ngạch xuất khẩu cho thấy năm 2021 ngành tôm vẫn đạt được kết quả rất tích cực.

Thứ trưởng cho biết, hiện nay, thị trường của ngành hàng tôm đang có nhiều cơ hội, giá tôm đang cao, do vậy, cần tận dụng cơ hội này, đồng thời, nhận thức rõ chúng ta bán những sản phẩm mà thị trường cần, do vậy, cần đáp ứng yêu cầu về sản phẩm của các thị trường.

Bên cạnh đó, để đạt được các mục tiêu về sản xuất tôm trong năm 2022, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thủy sản 2017. Trong đó, tuyên truyền, lan tỏa bằng nhiều hình thức, thông qua báo chí, truyền thông, tập huấn để có được nhận thức sâu rộng trong cộng đồng. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý giống, sản phẩm xử lý môi trường, tổng hợp nhân rộng các mô hình liên kết hợp tác hiệu quả của ngành tôm.

Đáng chú ý, về giống, Thứ trưởng đề nghị cần có Hội nghị để bàn cụ thể về vấn đề này, bởi thực tế năng lực sản xuất giống thủy sản nói chung và giống tôm nói riêng vẫn còn đang yếu cả về cơ sở vật chất và trình độ nghiên cứu.

Thứ trưởng yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản định kỳ đánh giá về tình hình thị trường, cung cấp thông tin cho người dân sản xuất, phổ biến rộng rãi các thông tin này. Đặc biệt, các đơn vị: Cục Thú y, Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần có những trao đổi thường xuyên hơn bởi công tác xúc tiến thương mại rất quan trọng, quyết định tới sản xuất.

Lĩnh vực thú y, tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên tôm nước lợ để hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm, đồng thời, tăng cường kiểm dịch trong nhập khẩu tôm nguyên liệu, kịp thời chia sẻ thông tin với Tổng cục Thủy sản để có những chỉ đạo kịp thời.

Các doanh nghiệp, người nuôi tôm cần thực hiện nghiêm Luật Thủy sản, đăng ký đối tượng nuôi chủ lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường hợp tác liên kết theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất nuôi an toàn, hiệu quả, tăng cường xúc tiến thương mại và tiêu thụ nội địa,…/.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực