|
Nhà số 90 Thợ Nhuộm - nơi đồng chí Trần Phú viết dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng cộng sản Đông Dương, tháng 10/1930. (Ảnh: baotanglichsu.vn) |
Từ tấm lòng yêu nước chân thành, thông minh, năng động thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, Trần Phú (1904-1931) gặp được Nguyễn Ái Quốc và một thời gian sau trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trần Phú đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Một trí tuệ lớn, bản lĩnh, năng động, sáng tạo
Đồng chí Trần Phú là người khởi thảo Luận cương chính trị[1]. Đây là một trong những dấu ấn quan trọng nhất trong sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú và của lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau các văn kiện đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng[2] thì Luận cương chính trị là văn kiện thứ hai có ý nghĩa lớn cùng với Chính cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng định hướng lâu dài cho cách mạng Việt Nam.
Nội dung Luận cương chính trị cơ bản thống nhất và khẳng định lại nhiều vấn đề cốt yếu thuộc về chiến lược cách mạng nước ta mà Chánh cương vắn tắt của Đảng và Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo đã nêu lên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930, như: tính chất của cách mạng Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền có hai nhiệm vụ đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp giành độc lập dân tộc và đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến đem lại ruộng đất cho nông dân. Luận cương khẳng định hai động lực chính của cách mạng là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, nhưng giai cấp công nhân phải nắm quyền lãnh đạo thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản với một đường lối chính trị đúng, kỷ luật tập trung, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc, liên lạc mật thiết với quần chúng; cách mạng Đông Dương là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới.
Đáng chú ý là trong Luận cương có một số điểm được cụ thể hóa hơn, xác định thêm một cách đúng đắn như phương pháp cách mạng, thời cơ khởi nghĩa, cách mạng tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Luận cương nói tới khi có tình thế trực tiếp cách mạng thì Đảng phải lập tức lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay công nông.
Tuy nhiên, Luận cương còn bộc lộ một số hạn chế về nhận thức, chưa theo kịp Chính cương và Sách lược vắn tắt của Nguyễn Ái Quốc, cụ thể là không vạch rõ được mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân xâm lược Pháp và phong kiến tay sai của chúng, do đó không nêu được vấn đề dân tộc lên hàng đầu, mà nặng về vấn đề đấu tranh giai cấp. Luận cương đánh giá không đúng mức vai trò của giai cấp tiểu tư sản, phủ nhận mặt tích cực của giai cấp tư sản dân tộc, không thấy được khả năng phân hóa và lôi kéo một bộ phận của giai cấp địa chủ.
Là một chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, được giới thiệu vào Đảng Cộng sản (B) Liên Xô ngay tại trung tâm của phong trào cộng sản quốc tế, khi Quốc tế Cộng sản đang là đầu não của phong trào cách mạng thế giới, đồng chí Trần Phú nghiên cứu, tiếp nhận và quán triệt đầy đủ các Chỉ thị, hướng dẫn và nghị quyết của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản và phản ánh trung thành trong dự thảo Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương với hai mặt ưu điểm và hạn chế là điều dễ hiểu[3]. Điều quan trọng nhất là Luận cương thể hiện sự nỗ lực cố gắng cao độ của một trí tuệ lớn, bản lĩnh, năng động, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu, vận dụng đường lối cách mạng thuộc địa và nửa thuộc địa của Quốc tế Cộng sản vào hoàn cảnh Việt Nam, luôn luôn suy nghĩ đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và cách mạng lên trên hết. Đánh giá thành công của Đảng thời kỳ 1930-1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình”[4].
|
Bản luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo, tháng 10/1930. (Ảnh: baotanglichsu.vn). |
Nhà lãnh đạo xuất sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng và cách mạng Việt Nam
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất tháng 10/1930, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Sự kiện này chứng tỏ một bước trưởng thành lớn của Đảng với việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức, khẳng định sự thống nhất đoàn kết trong bộ chỉ huy tối cao của Đảng, bảo đảm khả năng lãnh đạo cách mạng và uy tín đối với Quốc tế Cộng sản.
Sau Hội nghị, tình hình trong nước và quốc tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho Ban Chấp hành Trung ương nhiệm vụ hết sức nặng nề. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú chỉ rõ hai nhiệm vụ trọng tâm cần kíp đồng thời phải giải quyết, đó là củng cố tổ chức đảng và duy trì, phát triển phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng chống khủng bố trắng của kẻ thù. Hai nhiệm vụ này liên hệ mật thiết với nhau chứ không thể làm theo kiểu “đánh cho đã giận” hay “chỉ tổ chức cho mạnh đã rồi ra tranh đấu sau”. Tổng Bí thư Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương khẳng định: “Tổ chức ra để có sức tranh đấu, tranh đấu để mở rộng, kiên cố tổ chức, kiên cố tổ chức để mở rộng tổ chức nữa, tổ chức và tranh đấu hết sức mật thiết liên kết cùng nhau, đồng phát triển với nhau, cái này rời cái kia thì không được gì hết”[5].
Về mặt tổ chức, ngay sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, Tồng Bí thư Trần Phú đã chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng làm trọng tâm. Tổng Bí thư Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương đã ra Thông cáo cho các Xứ ủy về việc phải “tổ chức một cách nghiêm chỉnh Xứ ủy”[6]. Trong những tháng cuối năm 1930, hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương cơ bản được xây dựng xong. Các kỳ ủy lâm thời ở ba kỳ tổ chức hội nghị để bầu xứ ủy, thiết lập các ban chuyên môn, như: Ban Tuyên truyền, Công nhân vận động, Nông dân vận động, v.v.. Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Trung ương và sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Trần Phú, trong khoảng từ tháng 12/1930 đến tháng 1/1931, các Xử ủy Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ đã chính thức được thành lập và từng bước được củng cố. Đồng thời các ban cán sự (như Ban Thường vụ) và các bộ phận chuyên trách cũng được thành lập có hệ thống từ Trung ương đến địa phương[7].
Về duy trì phong trào đấu tranh cách mạng. Để đối phó với chính sách của thực dân Pháp tàn sát quần chúng và những chiến dịch chiêu hàng, cưỡng bức bắt nhân dân nhận thẻ “quy thuận”, “rước cờ vàng”, Trung ương Đảng ra Thông cáo nêu rõ: “Nếu bây giờ phong trào đấu tranh giảm đi, nếu quần chúng tỏ ý non nớt, nếu các nơi khác không hưởng ứng, thì đ.q (đế quốc - BT) sẽ thẳng tay trị”[8]. Vì vậy “việc khẩn cấp của Đảng bây giờ phải tổ chức ngay các cuộc tranh đấu khác để ngừng tay tàn ác của đ.q. Tranh đấu mà hết là chết cho Đảng; cho quần chúng tranh đấu bây giờ dẫu phải hy sinh một ít người còn hơn là để đ.q tàn sát quần chúng”[9].
Để công tác đấu tranh có hiệu quả, đồng chí Trần Phú đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Cuối tháng 12/1930, Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ bàn về công tác tuyên truyền, quyết định xuất bản báo Cờ vô sản và báo Cộng sản[10], cả hai báo đều thuộc cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, từ đó “sẽ có những bài bàn luận, giải thích, các đồng chí các nơi cũng có thể đăng bài bày tỏ ý kiến. Báo ấy sẽ là một lợi khí giúp cho các nơi thảo luận”[11].
|
Khu di tích đồng chí Trần Phú tại Hà Tĩnh. (Ảnh: baotanglichsu.vn). |
Để đoàn kết rộng rãi các giai tầng xã hội trong mặt trận dân tộc thống nhất, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị về vấn đề thành lập “Hội phản đế đồng minh”, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của “liên minh công nông là hai động lực chính cùng với lực lượng toàn dân tổ chức thành một lực lượng thật đông, thật kín trong “bức thành dân tộc phản đế bao la” dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống đế quốc và bọn phong kiến tay sai phản động để cuộc cách mạng thành công”[12]. Nghị quyết về vấn đề phản đế của Hội nghị toàn thể Trung ương nêu rõ: “Việc tổ chức phản đế là một trách nhiệm cần kíp của Đảng… Cái quy tắc cốt nhứt trong việc tổ chức hội phản đế là lấy các đoàn thể c.m (cách mạng - BT) phản đế mà tổ chức lại, chớ không phải tổ chức từng người một và phải làm cho hội ấy có tánh chất quần chúng. Phải chiêu tập các hội công nông, học sanh, binh lính, thanh niên, phụ nữ và các đảng phái c.m khác (như Quốc dân Đảng,v.v.) lại mà tổ chức ra cho thành một hội phản đế ở Đông Dương”[13]. Đây chính là tinh thần tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở công nông là gốc được Nguyễn Ái Quốc nêu trong Chính cương vắn tắt của Đảng và Sách lược vắn tắt của Đảng trong Hội nghị thành lập Đảng.
Để Hội “Phản đế đồng minh” phát triển phù hợp với tình hình của phong trào cách mạng, Tổng Bí thư Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương chú trọng việc thành lập các tổ chức của Hội, ra các nghị quyết và chỉ thị về việc tổ chức Cộng sản Thanh niên đoàn, củng cố tổ chức Công hội, đẩy mạnh phong trào công nhân, thành lập Ban Công vận Trung ương do Tổng Bí thư Trần Phú trực tiếp làm Trưởng ban; Chỉ thị về vấn đề chỉnh đốn Nông hội Đỏ.
Từ Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (10/1930) đến trước Hội nghị Trung ương lần thứ hai (3/1931) - trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn khi Đảng vừa ra đời, kẻ thù khủng bố trắng cùng các thủ đoạn cưỡng bức, mua chuộc; tư tưởng “tả” - hữu khuynh, hoang mang, do dự trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến phong trào cách mạng của quần chúng thì sự lãnh đạo kiên định, vững vàng của Ban Thường vụ Trung ương do Tổng Bí thư Trần Phú đứng đầu trong việc nhanh chóng xây dựng hệ thống lãnh đạo thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, đấu tranh chống khủng bố, bảo vệ lực lượng, duy trì phong trào cách mạng, xây dựng Đảng và các đoàn thể cách mạng là những đóng góp hết sức to lớn cho phong trào cách mạng lúc bấy giờ. Phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể, xem xét đầy đủ, toàn diện, khách quan lực lượng địch - ta, trong nước và thế giới mới thấy hết được sức dự bị và năng lực của Đảng trong tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Trong Thông cáo cho các Xứ ủy ngày 3/1/1931, Ban Thường vụ Trung ương nói rõ: “Đảng ta không có phép thần tiên gì, Đảng cũng không có quân đội, tàu bay, trái phá, Đảng chỉ có cách làm quần chúng giác ngộ, tự lấy lực lượng mà tranh đấu, lấy sức tổ chức của mình mà chống khủng bố”[14].
Hội nghị Trung ương lần thứ hai[15] (3/1931) kiểm điểm những hoạt động của Đảng từ Hội nghị lần thứ nhất, đề ra nhiệm vụ trước mắt, tập trung giải quyết vấn đề trọng tâm là công tác tổ chức, lãnh đạo của Đảng, công tác tư tưởng trong lãnh đạo đấu tranh chống địch khủng bố. Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trần Phú, Hội nghị đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thứ nhất, với thái độ và tinh thần bônsêvích, không giấu giếm khuyết điểm, Hội nghị kiểm điểm và đi sâu phân tích, phê phán những sai lầm, thiếu sót của Đảng thời gian qua trong nhận thức về bản chất giai cấp và vai trò của Đảng Cộng sản trong lãnh đạo đấu tranh quyết liệt với kẻ thù. Lãnh đạo còn khuynh hướng sai lầm của tính tiểu tư sản, chưa thật tin tưởng vào lực lượng quần chúng; không gắn chặt vấn đề tổ chức với đấu tranh, vừa “tả” vừa hữu khuynh, có chỗ cưỡng bách, có chỗ theo đuôi quần chúng. Coi nhẹ công tác tuyên truyền, vận động thanh niên… Thứ hai, Hội nghị đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách về công tác xây dựng Đảng, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng để duy trì phong trào đấu tranh của quần chúng trước sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù. Hội nghị chỉ rõ Đảng phải nhanh chóng xây dựng và lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể cách mạng của quần chúng như Đoàn Thanh niên Cộng sản, Công hội, Nông hội, Hội Cứu tế đỏ, v.v. Hội nghị thông qua Nghị quyết về vấn đề tổ chức và cổ động tuyên truyền với nhiệm vụ quan trọng như “đào tạo ra một nền tư tưởng bônsêvích cho Đảng”, “huấn luyện đảng viên và quần chúng vô sản theo tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin”, v.v..
Ngay sau khi Hội nghị Trung ương lần thứ hai vừa kết thúc, nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến Xứ ủy, tỉnh ủy bị bắt, trong đó có Tổng Bí thư Trần Phú[16]. Trong bốt giam và Khám Lớn Sài Gòn, mọi cực hình tra tấn, thủ đoạn mua chuộc dụ dỗ của kẻ thù không thể làm lay chuyển được tinh thần cách mạng và ý chí chiến đấu của Tổng Bí thư Trần Phú. Công khai nhận mình là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trần Phú khảng khái tuyên bố với kẻ thù rằng “ta không thể đem công việc của Đảng ta nói cho các người nghe”. Bị suy kiệt về sức khỏe nhưng những ngày trong tù, Tổng Bí thư Trần Phú vẫn siết chặt đội ngũ cùng các đồng chí bị giam đấu tranh phản đối chế độ hà khắc của nhà lao, phản đối án tử hình với chính trị phạm; trao đổi về tình hình và nhiệm vụ cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống các phần tử cơ hội, đầu hàng. Lời nhắn nhủ với các bạn chiến đấu trước khi trút hơi thở cuối cùng: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu!” còn vang vọng mãi đến hôm nay và mai sau.
Toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Trần Phú từ lúc bước vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp đến hơi thở cuối cùng là một trang sử tuy không dài, nhưng chói lọi, tràn đầy năng lực trí tuệ và bản lĩnh, kiên định và vững vàng, trung thành và lạc quan, bất khuất và hiên ngang. Tạp chí Quốc tế Cộng sản (5/1932) nhấn mạnh: “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương, cũng như sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí, lòng trung thành và thái độ bất khuất của đồng chí trong nhà tù của đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương”[17].
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”[18]. “Đồng chí Trần Phú… và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu của mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”[19]. “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ ấy đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”[20].
|
Mỗi năm, có cả vạn người dân, du khách trong nước và quốc tế đến tri ân, tưởng nhớ người anh hùng của dân tộc. (Ảnh: baohatinh.vn). |
Những bài học quý báu cho Đảng ta hiện nay
Tấm gương trung thành, kiên định, vững vàng của Tổng Bí thư Trần Phú cùng Ban Thường vụ Trung ương vững tay chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua sóng to gió lớn để lại nhiều bài học quý báu cho Đảng ta hiện nay.
Trước hết, cần khẳng định Đảng ta là Đảng lãnh đạo nên nhất định phải có một đường lối đúng đắn, sáng suốt, sáng tạo, đó là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Luận cương chính trị và cách chỉ đạo thi hành Luận cương kịp thời, linh động thể hiện sự trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin vì lợi ích tối cao của Đảng, của cách mạng và dân tộc, thấm sâu vào quan điểm chỉ đạo của Đảng hiện nay về sự kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, cần phải “bônsêvích hóa” Đảng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phải kiên quyết chống lại mọi biểu hiện làm lệch lạc đường lối của Đảng, những xu hướng cơ hội, bè phái; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phải xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình trên cơ sở cương lĩnh của Đảng, làm cho Đảng ta trở thành một Đảng quần chúng thực sự, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết.
Thứ ba, giữ vững chí khí chiến đấu theo tấm gương Tổng Bí thư Trần Phú hiện nay là nêu cao đạo đức cách mạng chí công vô tư, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thói vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám đề ra ý kiến, không dám làm, không dám đổi mới sáng tạo, không dám đương đầu với khó khăn, thử thách, không dám hành động vì lợi ích chung. Chúng ta phải học và làm theo tinh thần, hành động dũng cảm của Tổng Bí thư Trần Phú, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thách thức, chiến đấu chống lại mọi thói hư, tật xấu để hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà đồng chí đã chuyển lại cho chúng ta, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./.
[1] Tháng 4/1930, kết thúc khóa học 3 năm ở Trường Đại học Phương Đông, đồng chí Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu về nước gặp Ban Chấp hành Trung ương lâm thời nhận công tác. Tháng 7/1930 đồng chí được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, một thời gian sau được cử vào Ban Thường vụ Trung ương, chủ trì dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Luận cương là kết tinh giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, các văn kiện thông qua Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội VI và hướng dẫn của Quốc tế Cộng sản, các cuộc khảo sát thực tế ở các khu công nghiệp Hải Phòng, Quảng Ninh và vùng đồng bằng Thái Bình, Nam Định, cùng với ý kiến tham góp của Ban Thường vụ Trung ương lâm thời và một số đồng chí khác.
[2] Một số tác giả, sách viết là “Cương lĩnh đầu tiên của Đảng”.
[3] Thời gian Trần Phú học tập ở Liên Xô tương ứng với thời gian chuẩn bị và tiến hành Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Sau khi tốt nghiệp, Trần Phú được Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động với tinh thần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết và hướng dẫn của Quốc tế Cộng sản về việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương, xây dựng Luận cương của Đảng và Chỉ thị “Về nhiệm vụ trước mắt của những người cộng sản Đông Dương” mà nội dung chủ yếu là phê phán các nghị quyết của Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tháng 5/1929. Đại hội VI Quốc tế Cộng sản cho thấy bên cạnh một số yếu tố có tác động tích cực đến phong trào cách mạng thế giới, bộc lộ rõ sai lầm “tả” khuynh biệt phái. Với đường lối “chống hữu khuynh”, một trong những báo cáo của Quốc tế Cộng sản về vấn đề kỷ luật của Quốc tế Cộng sản nêu rõ: “Đảng nào không tuân thủ chủ trương đưa ra khỏi hàng ngũ những phần tử cơ hội, hữu khuynh, đảng ấy sẽ bị khai trừ khỏi Quốc tế Cộng sản. Đường lối mới của Quốc tế Cộng sản là “giai cấp chống giai cấp”, phong trào cộng sản là “một khối thuần khiết, một lực lượng vĩ đại của giai cấp cách mạng vô sản toàn cầu”.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.407.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tập 3, tr.3.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.41.
[7] Khi Đảng mới thành lập chỉ có khoảng 30 chi bộ với 200 đảng viên, thì đến trước Hội nghị Trung ương lần thứ 2 (3-1931) có tới 250 chi bộ với 2.400 đảng viên (Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú - Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.122).
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.215.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.215.
[10] Tháng 1/1931 báo Cờ vô sản phát hành số đầu tiên; tháng 2/1931 báo Cộng sản ra số đầu.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.211.
[12] Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.227.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.195.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.3.
[15] Họp từ ngày 13/3 đến ngày 01/4/1931 tại Sài Gòn (Theo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.230)
[16] Ngày 18/4/1931, Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt tại Sài Gòn
[17] Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú - Tiểu sử, Sđd, tr.162- 163.
[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.309.
[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.25.
[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.401.
PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); Ths Đặng Công Thành (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)