Truyền thống quê hương, gia đình với sự hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng đồng chí Trần Phú
Hà Tĩnh - quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Trong lịch sử, Hà Tĩnh là trung tâm của nhiều cuộc kháng chiến chống quân xâm lược như: Khởi nghĩa của Mai Thúc Loan chống quân xâm lược nhà Đường; của Đặng Tất chống nhà Minh. Thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược và phong kiến tay sai, Hà Tĩnh là trung tâm của phong trào Cần Vương, tiêu biểu là khởi nghĩa do Phan Đình Phùng, Cao Thắng lãnh đạo và các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh cùng với Đảng bộ và nhân dân Nghệ An làm nên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 - 1931 và nhiều phong trào cách mạng khác.
|
Quê hương Đức Thọ đã nuôi dưỡng tâm hồn và ý chí kiên cường của người cộng sản Trần Phú. |
Người dân Hà Tĩnh hiếu học có nhiều người đỗ đạt cao, có công lớn với quê hương, đất nước. Từ thời nhà Trần đến nhà Nguyễn, Hà Tĩnh có 148 vị đỗ đại khoa. Con người Hà Tĩnh luôn coi trọng tri thức, tạo nên miền “đất học” nổi tiếng với những “ông đồ xứ Nghệ”, “học trò xứ Nghệ”, những dòng họ khoa bảng nổi tiếng như ở: Tiên Điền, Uy Viễn (Nghi Xuân); Trường Lưu (Can Lộc); Đông Thái, Bùi Xá, Trung Lễ (Đức Thọ)... Trong đó xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ có những con người yêu nước đã đi vào lịch sử dân tộc như Nguyễn Biểu, Lê Ninh, Lê Văn Huân… Những sĩ phu và học giả nổi tiếng như Lê Bôi, Bùi Dương Lịch, Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Ngọc Phách… truyền thống hiếu học, khoa bảng trong quá khứ mãi mãi không chỉ là tài sản vô giá cho đời đời ngưỡng vọng mà còn là bài học quý báu, động lực to lớn cho các thế hệ tiếp nối, phát huy.
Hà Tĩnh có một không gian văn hóa đặc sắc với các làn điệu dân ca độc đáo như: ví phường vải, ví đò đưa, ca trù, hò Chèo cạn Cẩm Nhượng, hát sắc bùa Kỳ Anh... Với kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du được công nhận là danh nhân văn hóa Thế giới, dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Mộc bản trường học Phúc Giang và sách Hoàng hoa sứ trình đồ là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được Tổ chức UNESCO vinh danh... Đây là những giá trị truyền thống hết sức tốt đẹp góp phần bồi đắp tâm hồn, nhân cách con người Hà Tĩnh qua nhiều thế hệ, trong đó có đồng chí Trần Phú.
Con người Hà Tĩnh chịu thương, chịu khó, sống cương trực, thủy chung, đoàn kết, tương thân, tương ái. Đây là những nét truyền thống quan trọng đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhân cách và chí hướng cách mạng của đồng chí Trần Phú. Sinh ra tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, tuổi thơ ít có điều kiện gắn bó với quê cha đất tổ nhưng trong trái tim của đồng chí Trần Phú luôn sâu nặng tình cảm với quê hương; trên bước đường trưởng thành của mình, từ Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba đến Trường Quốc học Huế rồi trở thành thầy giáo Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Trần Phú đã thường xuyên kết nối, gặp gỡ với những người đồng hương Hà Tĩnh. Ngôi nhà thờ tiểu chi tộc họ Trần (chi 2) ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ là nơi đồng chí Trần Phú thường về nghỉ trong những năm hoạt động ở Vinh.
Có thể nói, chính truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam nói chung, và hai tỉnh Hà Tĩnh, Phú Yên nói riêng đã được hòa quyện, kết tinh đầy đủ để sớm hình thành nên nhân cách, chí hướng cách mạng của đồng chí Trần Phú.
Về truyền thống gia đình: Đồng chí Trần Phú sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, nền nếp gia phong. Cả ông nội và thân phụ của đồng chí đều là những nhà nho đỗ đạt. Cụ Trần Văn Phổ, thân phụ của Trần Phú là người thi đỗ giải Nguyên, được bổ nhiệm làm giáo thụ - chức quan trông coi việc học hành tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Sau đó Cụ được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm tri huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cụ rất thanh liêm, xót xa trước cảnh lầm than của quần chúng lao khổ bị phong kiến, thực dân áp bức. Ở nước ta vào các năm 1907 - 1908, xảy ra nhiều biến cố chính trị quan trọng, tại Trung Kỳ đã nổ ra phong trào chống sưu cao, thuế nặng của nhân dân. Triều đình Huế và thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp phong trào. Vì chống lại lệnh của triều đình Huế và thực dân Pháp, không chịu đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân nên cụ Trần Văn Phổ đã tuẫn tiết tại huyện đường Đức Phổ. Cái chết bi tráng của cụ Trần Văn Phổ thể hiện bản chất của một ông quan thanh liêm, yêu nước, thương dân nhưng còn bế tắc, bất lực thà chấp nhận cái chết chứ không khuất phục.
Bà Hoàng Thị Cát, thân mẫu Trần Phú là con một nhà Nho ở Châu Dương, Nghi Lộc, Nghệ An. Khi trở thành “bà huyện”, bà vẫn thường xuyên lui tới nhà bà con hàng xóm cùng trò chuyện, ăn trầu, nghĩa tình, được mọi người yêu mến và kính trọng. Sinh ra từ miền quê giàu truyền thống văn hóa, qua những câu hát ru, bà đã sớm gieo vào lòng người con trai Trần Phú tình yêu quê hương, đất nước và những tấm gương hy sinh oanh liệt: Vì nước, vì dân.
Sau khi cụ Trần Văn Phổ mất, thực dân Pháp đuổi cả gia đình ra khỏi huyện đường. Bà Hoàng Thị Cát đưa các con đi về phía Tây thành Quảng Ngãi mở một hàng nước nhỏ để kiếm sống qua ngày. Cuộc sống quá vất vả, buồn phiền, bà Hoàng Thị Cát đã lâm bệnh và qua đời vào năm 1910. Hình ảnh về cái chết của cha và mẹ đã để lại trong lòng cậu bé Trần Phú sự căm thù giặc tột độ, thù nhà, nợ nước đã càng thêm ý chí quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược của Trần Phú.
Phẩm chất, cốt cách của Trần Phú thắm đượm truyền thống quê hương Hà Tĩnh
Nghị lực phi thường, tinh thần say mê học tập, nghiên cứu
Mới 6 tuổi, Trần Phú đã chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc sống tự lập, vất vả từ tuổi ấu thơ. Được sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ của người thân, với nghị lực phi thường, những ngày được tới trường Trần Phú đã miệt mài học tập, khát khao trau dồi kiến thức, tranh thủ mọi điều kiện, ở mọi lúc, mọi nơi để học tập; cùng với tư chất thông minh, Trần Phú luôn nổi trội hơn hẳn so với bạn bè cùng trang lứa. Mùa hè năm 1922, Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành Chung tại Trường Quốc học Huế.
Thời phong kiến, những người đỗ đạt rất được tôn vinh, kính nể, có địa vị cao quý trong xã hội, có nhiều lựa chọn thuận lợi cho cá nhân mình. Theo lẽ thường, khi đỗ đạt thì làm quan cho triều đình, nhưng làm quan ở thời điểm bấy giờ cũng có nghĩa là sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào thực dân Pháp. Đây là điều mà nhiều nhà nho đương thời đã lựa chọn; có người lại chọn lối sống lùi xa chốn quan trường, về quê ở ẩn, dạy học, sống một cuộc đời thanh bạch, an nhàn cho cá nhân mình.
|
Học sinh Trường Tiểu học Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ đến tham quan và học truyền thống tại Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh: qdnd.vn |
Trái với những người đỗ đạt đương thời, đồng chí Trần Phú đã chọn cho mình một lý tưởng sống hết sức cao đẹp của thời đại: Chấp nhận gian khổ, hy sinh hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của Nhân dân. Trong quá trình hoạt động cách mạng, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu, Trung Quốc là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú. Được tham gia lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc giảng dạy, Trần Phú say mê học tập, nghiên cứu và tỏ rõ năng lực tư duy lý luận sắc bén của mình. Thấm nhuần lời dạy của Lênin qua sự truyền thụ của Nguyễn Ái Quốc “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… chỉ có theo lý luận cách mạng tiền phong, đảng cách mệnh mới làm tròn trách nhiệm cách mệnh tiền phong”. Là học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú được lựa chọn đi đào tạo tại Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Chính những năm học tập, nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tham gia hoạt động thực tiễn cách mạng, Trần Phú có bước trưởng thành vượt bậc, đủ sức gánh vác nhiệm vụ do Đảng phân công khi trở về nước hoạt động.
Một người thầy giáo mẫu mực, sớm nuôi chí lớn giúp dân, giúp nước
Sớm phải chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, Trần Phú nung nấu quyết tâm “Trả thù nhà, đền nợ nước”. Ảnh hưởng từ truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương, đất nước, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Phú đã tích cực học tập và tham gia Hội Tu tiến của thanh niên để giúp đỡ bạn bè cùng chí hướng và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành Chung tại Trường Quốc học Huế. Trần Phú quyết định làm nghề dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục (Vinh, Nghệ An).
Điểm khác biệt giữa thầy giáo Trần Phú với các thầy giáo cùng thời chính là không coi học trò thi cử đậu đạt cao, làm quan to là vinh hiển của người thầy mà mục đích chính là góp phần đào tạo ra lớp người có chí hướng, làm những việc có ích cho dân, cho nước. Những ngày dạy học ở Vinh, đồng chí Trần Phú, vừa truyền đạt kiến thức văn hóa, vừa khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng căm thù, chống giặc quật cường của cha ông cho các thế hệ học sinh. Ngoài việc dạy học, Trần Phú còn đưa học trò của mình đi thăm di tích bản doanh của Phan Đình Phùng trên núi Vũ Quang; thăm núi Dũng Quyết, nơi Hoàng đế Quang Trung đặt Phượng Hoàng Trung Đô chuẩn bị chống quân xâm lược Mãn Thanh… Qua đó đã truyền cho trò ngọn lửa tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của các bậc tiền bối, trên mảnh đất quê hương. Nhiều học trò của Trần Phú sau này đã trưởng thành, có những đóng góp xuất sắc cho cách mạng, tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.
Nhà lý luận chính trị xuất sắc của Đảng, nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược
Đồng chí Trần Phú được giao trực tiếp dự thảo bản Luận cương chính trị năm 1930. Đây là văn kiện đặc biệt quan trọng của Đảng ta. Luận cương xác định rõ tính chất cuộc cách mạng ở Đông Dương là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, do giai cấp công nhân lãnh đạo, rồi tiến thẳng lên CNXH, bỏ qua thời kỳ phát triển TBCN.
Trong hoàn cảnh nước ta lúc bấy giờ, luận điểm “bỏ qua thời kỳ tư bản mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa” là điểm mới và đóng góp to lớn về mặt lý luận, thể hiện tầm nhìn chiến lược và thời đại của đồng chí Trần Phú. Đây là luận điểm cách mạng và khoa học được trình bày sớm nhất trong các văn kiện của Đảng ta. Luận cương chính trị nêu “tư sản dân quyền cách mạng là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng” là phản ánh và thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Việc xác định đúng tính chất cách mạng ngay từ đầu có ý nghĩa rất quan trọng, đưa cách mạng Việt Nam đi đúng quỹ đạo của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Khi đánh giá về ý nghĩa của Luận cương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản cương lĩnh tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân”.
Ý chí gang thép, trách nhiệm, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù và một lòng, một dạ bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cộng sản đến hơi thở cuối cùng
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã lãnh đạo đưa phong trào cách mạng có những bước tiến mới, uy tín của Đảng ngày càng được khẳng định. Thực dân Pháp đã tìm mọi cách truy lùng người đứng đầu Đảng tài năng, trẻ tuổi.
|
Tên tuổi đồng chí Trần Phú gắn với Luận cương Chính trị năm 1930 |
Khi đang nhiệt tình, hăng say hoạt động cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ngày 18-4-1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt ở Sài Gòn. Suốt gần 5 tháng bị giam cầm từ bót Pô lô, bót Catina rồi Khám Lớn Sài Gòn, trước những đòn tra tấn cực kỳ độc ác, những thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc vô cùng xảo quyệt của kẻ thù đều không khuất phục được người chiến sỹ cộng sản kiên cường; đồng chí Trần Phú vẫn một lòng, một dạ bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng chí của mình: “Tôi biết nhiều người là để làm việc cho Đảng tôi, nước tôi, chứ không phải khai cho các ông bắt bớ”. Trong điều kiện hết sức hà khắc và tàn bạo của kẻ thù, đồng chí Trần Phú đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, tổ chức những buổi huấn luyện chính trị cho anh em trong tù, cùng với nhiều đồng chí khác tổ chức nhiều cuộc đấu tranh lên án, vạch mặt chế độ nhà tù dã man, vô nhân đạo, đồng thời động viên đồng chí luôn bình tĩnh, sáng suốt đối phó với mọi thủ đoạn của kẻ thù và lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
Trước đòn roi tra tấn, sự tàn bạo của nhà tù thực dân đã làm sức khỏe đồng chí Trần Phú nhanh chóng suy kiệt, đồng chí đã hy sinh ngày 06-9-1931 tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn khi mới 27 tuổi - độ tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết và tài năng sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú là sự kết tinh của truyền thống quê hương, gia đình và thời đại; tuy ngắn ngủi, nhưng đồng chí Trần Phú đã hoàn thành một khối lượng công việc có ý nghĩa to lớn, để lại một di sản vô cùng quý báu với những bài học sâu sắc cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta.