Không gian văn hóa và thời niên thiếu của Tổng Bí thư Trần Phú ở Phú Yên

Thứ bảy, 20/04/2024 18:13
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Người con thứ 7 của Giáo thụ Trần Văn Phổ được sinh ra ở mảnh đất Tuy An (Phú Yên), nơi ông đang công tác. Để kỷ niệm thời gian công tác tại đây, cùng với sự kỳ vọng con trai sẽ trở thành người có bản lĩnh, trí tuệ, ông đã lấy chữ “Phú” để đặt tên cho con. 2 năm đầu đời của đồng chí Trần Phú (1904-1906) đã gắn bó với thành An Thổ như thế.

Trần Phú sinh ngày 01/5/1904 tại làng An Thổ, tổng An Sơn, phủ Tuy An (trước 1898, là làng Long Uyên, tổng Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân; nay là thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An). Cha Trần Phú là Giáo thụ Trần Văn Phổ, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1897, ông Phổ đỗ Giải nguyên, sau thời gian làm Giáo thụ tại huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), đến năm 1901, nhận lệnh triều đình Huế vào giữ chức Giáo thụ Phủ Tuy An. Ông Trần Văn Phổ đã đưa cả gia đình vào Tuy An sinh sống, tại đây người con trai thứ bảy của ông đã cất tiếng khóc chào đời. Để kỷ niệm thời gian công tác tại đây, cùng với sự kỳ vọng con trai sẽ trở thành người có bản lĩnh, trí tuệ, ông đã lấy chữ “Phú” để đặt tên cho con. Những năm đầu đời của đồng chí Trần Phú (1904-1906) gắn bó với thành An Thổ.

Đồng chí Trần Phú  - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. 

Long Uyên (An Thổ) không chỉ có thiên nhiên đẹp, hữu tình mà còn chứa đựng bề dày lịch sử và văn hóa. Vùng đất địa linh nhân kiệt, với truyền thống lịch sử tốt đẹp ấy đã hun đúc sản sinh, nuôi dưỡng và ươm mầm cho khí tiết một người con ưu tú của Đảng, của dân tộc - đồng chí Trần Phú. Năm 1906, đồng chí Trần Phú theo cha và gia đình về Đức Phổ (Quảng Ngãi) khi cha ông được bổ nhiệm làm tri huyện tại đây. Sau khi cha mẹ qua đời, Trần Phú về sống với người thân tại Quảng Trị. Năm 1914, Trần Phú được đưa vào học ở trường Tiểu học Pháp - Việt (Đông Ba, Huế).

Mặc dù mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nhưng bằng nghị lực phi thường, sự đùm bọc của người thân, họ hàng, làng xóm, Trần Phú đã nỗ lực học tập, đỗ đầu kỳ thi Thành chung vào năm 1922, và sớm tham gia các tổ chức yêu nước. Năm 1925, Trần Phú tham gia sáng lập Hội Phục Việt (sau đổi thành Hội Hưng Nam, Việt Nam cách mạng Đảng, Tân Việt cách mạng Đảng). Đặc biệt, sau khi gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được cử sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông, đồng chí càng thêm tin tưởng vào con đường cách mạng mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng, Trung Quốc (10/1930), đồng chí Trần Phú thay mặt Ban Chấp hành Trung ương lâm thời trình bày Luận cương chính trị của Đảng  (gọi tắt là Luận cương chính trị). Luận cương được thảo luận sôi nổi và thông qua tại Hội nghị, một lần nữa xác định, cụ thể hóa và làm sáng tỏ tính chất, nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương là chống đế quốc và phong kiến, làm cho nước ta được độc lập, người cày có ruộng, tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Cũng tại Hội nghị, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương và là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Đồng thời, vào tháng 10/1930, tại Phú Yên, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên cũng ra đời tại xóm Đồng Bé, thôn Phước Long, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân (nay là khu phố Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân). Từ những hạt giống đỏ ban đầu đó, sức sống cách mạng lan tỏa nhanh chóng trong toàn tỉnh.

Sau Hội nghị Trung ương, đồng chí rời Hương Cảng về nước vào cuối tháng 11/1930 để cùng Trung ương lãnh đạo Đảng và phong trào cách mạng. Trước uy tín lên cao của Đảng và sự lớn mạnh của các phong trào cách mạng, thực dân Pháp ngày càng khủng bố gắt gao, ráo riết truy lùng các cán bộ của Đảng, đặc biệt là đồng chí Trần Phú. Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị mật thám bắt. Sống nơi ngục tù, đòn roi thâm độc của kẻ thù vẫn không khuất phục được người cộng sản, đồng chí vẫn một lòng kiên trung sắt son với Đảng. Do bị tra tấn cực hình, sức khỏe đồng chí giảm sút nghiêm trọng, ngày 06/9/1931, đồng chí Trần Phú trút hơi thở cuối cùng, khi mới 27 tuổi. Trước lúc nhắm mắt, Tổng Bí thư Trần Phú vẫn để lại lời dặn với đồng chí, đồng bào: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú tuy ngắn, nhưng những đóng góp của đồng chí Trần Phú đối với Đảng, dân tộc và sự nghiệp cách mạng Đông Dương là vô cùng to lớn. Tinh thần, chí khí cách mạng của đồng chí mãi mãi khắc ghi trong những trang sử vẻ vang, và soi sáng con đường cách mạng mà Đảng, dân tộc Việt Nam đã lựa chọn.

Noi gương đồng chí Trần Phú và các bậc tiền bối, từ khi có Đảng lãnh đạo, Đảng bộ, quân và nhân dân Phú Yên đã phát huy truyền thống của quê hương, vượt qua khó khăn, nỗ lực làm nên những thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân, đến cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng gian khổ, mất mát; nhân dân Phú Yên vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, làm nên thắng lợi vẻ vang, giải phóng quê hương vào ngày 1/4/1975, góp phần cùng nhân dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Trải qua 38 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt là 35 năm sau ngày tái lập tỉnh (1/7/1989), được sự giúp đỡ động viên của Trung ương, các tỉnh, thành bạn, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Phú Yên bằng ý chí, sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, đã phát huy truyền thống anh dũng, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, vượt qua các khó khăn thử thách, tranh thủ thời cơ, đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Qua sơ kết giữa nhiệm kỳ, có 11/15 chỉ tiêu thực hiện tốt và khả năng đạt kế hoạch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra; kinh tế của tỉnh cơ bản ổn định, giai đoạn 2012-2023 tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân tăng khoảng 5,37%; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Nơi dâng hương đồng chí Trần Phú tại Khu di tích lịch sử thành An Thổ .

Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tinh thần đoàn kết, truyền thống thương người như thể thương thân của dân tộc ta một lần nữa được người dân Phú Yên phát huy cao độ. Vì “nghĩa đồng bào”, vì mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, đã chung sức đồng lòng, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia phòng chống dịch bệnh, như: Thiết lập những trạm tiếp sức cho bà con cả nước trên con đường về quê tránh dịch đi qua địa bàn tỉnh Phú Yên; tổ chức cuộc hành trình đưa hơn 17.500 công dân Phú Yên từ miền Nam trở về nhà tránh dịch; tổ chức những cây ATM gạo từ thiện, những căn bếp 0 đồng…

Thời gian tới, đặc biệt là từ nay đến hết nhiệm kỳ, Phú Yên nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Tập trung triển khai các đề án, chương trình theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, tỉnh xác định rõ định hướng phát triển Phú Yên trong thời gian đến dựa trên 1 mũi nhọn, 2 hành lang, 3 trụ cột, 4 nền tảng, 5 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm; mục tiêu đề ra đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, tầm nhìn đến 2050, trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng, là một trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Nam Trung bộ.

Tiếp tục lãnh đạo thực hiện nền nếp, thường xuyên công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ đảng viên, phát huy dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện, “tự soi”, “tự sửa”; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước Đảng và nhân dân, hết lòng vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng; tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.

Tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt chủ trương xây dựng đảng về tổ chức, cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng.

Tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên tinh thần kiên trì, kiên quyết, liên tục, quyết tâm chính trị cao. Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, không để xảy ra “điểm nóng”, góp phần giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sức mạnh từ truyền thống tốt đẹp của quê hương, của các thế hệ cha anh đi trước, cũng như chí khí cách mạng từ lời căn dặn của đồng chí Trần Phú vẫn đang được Đảng bộ, quân, dân Phú Yên giữ gìn, phát huy. Người dân Phú Yên nói riêng, người dân cả nước nói chung sẽ mãi ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, của dân tộc.

Với những giá trị lịch sử to lớn, ngày 22/8/2005, Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra Quyết định số 37/QĐ-BVHTT xếp hạng di tích khảo cổ thành An Thổ là di tích cấp Quốc gia. Tháng 12/2009, di tích thành An Thổ được tiến hành trùng tu, tôn tạo và xây mới một số hạng mục. Sau hơn một năm thi công, di tích thành An Thổ đã khánh thành vào ngày 01/4/2011, đúng ngày giải phóng Phú Yên và cũng là dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành, phát triển. Công trình có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Phú Yên nói riêng và của cả nước nói chung. Di tích quốc gia thành An Thổ, là địa chỉ đỏ, nơi sinh hoạt giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ tỉnh nhà.

Hằng năm, tại di tích thành An Thổ long trọng diễn ra lễ dâng hương kỷ niệm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia. Đây còn là điểm đến không thể thiếu, nơi đón nhiều đoàn khách từ Trung ương, các địa phương đến tham quan và dâng hương tưởng niệm đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú trong hành trình đến Phú Yên.

Thể hiện lòng thành kính biết ơn, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nơi “chôn rau cắt rốn” của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú - Thành An Thổ sẽ luôn được người dân Phú Yên bảo tồn, lưu giữ.

“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Nêu cao tinh thần của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh  Phú Yên tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, đồng thời tranh  thủ thời cơ, thuận lợi xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng./.

Cao Thị Hòa An - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực