Đến với bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ vào một ngày đầu mùa hạ oi ả, sau trận mưa đá đêm khiến nhiều cây cỏ xác xơ, chúng tôi càng thấm thía những khó khăn, vất vả của người dân vùng cao Tây Bắc khi phải vượt lên thiên nhiên khắc nghiệt để sống hài hòa với thiên nhiên; càng khâm phục hơn sự dũng cảm, sáng tạo của đồng bào để giữ được những di sản độc đáo, đậm nguyên bản sắc văn hóa riêng có của nơi này. Chính những di sản thiên nhiên đó đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ, lối sống của người dân nơi đây và cách để đồng bào Mông sống hài hòa với thiên nhiên.
“Đá sổ đỏ” – di sản đặc sắc của đồng bào Mông ở Sin Suối Hồ
|
Trưởng bản Vàng A Chỉnh miêu tả về "Đá sổ đỏ" - di sản quý hiếm của bản Sin Suối Hồ. |
Từ khu chợ Bản Sin Suối Hồ, chếch phía trái 300m, chúng tôi đến với điểm thăm quan độc đáo của bản Sin Suối Hồ: Đá Sổ đỏ. Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ say sưa kể lại nét độc đáo của những phiến đá “có một không hai”. “Đá Sổ đỏ” là cách người dân trong bản gọi cho dễ hiểu, bản chất đây là “bản đồ ruộng nương” của bản Sin Suối Hồ. “Đá sổ đỏ” thực chất có 1 phiến đá to và vài ba phiến nhỏ ở bên cạnh, bên trên có những vệt khắc độc đáo theo tầng nấc, uốn lượn xếp chồng lên nhau nhìn như những ruộng bậc thang vùng núi Tây Bắc. “Thực chất, đây chính là bản đồ ruộng đất của Bản, các tầng nấc khắc trên phiến đá thể hiện ruộng bậc thang của Bản vừa khai phá được” – ông Chỉnh cho biết. Bản có dòng suối chảy chính giữa, đối chiếu với địa hình và các ruộng bậc thang của bản, những vệt khắc trên phiến đá cổ phù hợp với các thung lũng, sườn đồi và cách bố trí nguồn nước chảy xuống ruộng bậc thang - ông Chỉnh chia sẻ thêm.
“Theo các cụ kể lại, mỗi khi khai khẩn thêm một thửa đất, một bậc ruộng, bà con lại khắc trên phiến đá này với mong muốn đánh dấu chủ quyền đất đai, ruộng nương. Những thửa ruộng bậc thang hay ruộng bằng phẳng xa khu ruộng chính của Bản một chút, bà con cũng đánh dấu chủ quyền ở những phiến đá nhỏ bên cạnh. Tuyệt nhiên, chỉ có ruộng của dân bản khai phá được mới đánh dấu trên phiến đá này, dân bản không đánh dấu ruộng của bản khác trong đây. Trước đây, trên phiến đá còn được khắc các ký hiệu, nhưng do mưa nắng khắc nghiệt, những dấu vết đó đã bị mất đi” – Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết thêm.
Hiện nay, khi đến với bản du lịch Sin Suối Hồ, nhiều khách du lịch tới thăm và tỏ ra khá thú vị với điểm du lịch “Đá Sổ đỏ” với những nét độc đáo, sáng tạo của đồng bào nơi đây, thể hiện một sự văn minh trong xác định chủ quyền đất đai ruộng nương, khi mà hệ thống quản lý hành chính nhà nước chưa có.
|
Hàng rào đá xếp ở mỗi ngôi nhà trong bản tạo nên khối kiến trúc rất độc đáo và thú vị. (Ảnh: ĐP). |
Hiện nay, trên bản đồ du lịch của bản Sin Suối Hồ có ghi “Đá sổ đỏ - di sản cổ đại của người Mông”. “Đây thực sự là di sản quý báu mà cha ông chúng tôi đã để lại. Tôi mong muốn lãnh đạo các cấp quan tâm, nghiên cứu, đầu tư cho việc bảo tồn di sản quý báu này”. “Chúng tôi cũng đang cố gắng giữ gìn, bảo tồn phiến đá làm lịch sử cho các thế hệ con cháu có thể biết đến những nét văn hóa độc đáo của ông cha mình” – Vị Trưởng bản cho biết.
Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết, mặc dù chưa có tài liệu nghiên cứu chính thức nào về “Đá sổ đỏ” của bà con bản Sin Suối Hồ, nhưng đây thực sự là nét độc đáo, thể hiện quá trình tác động, chinh phục, khai thác thế giới tự nhiên để phục vụ nhu cầu sống, nhu cầu tồn tại và phát triển của mình; đồng thời khẳng định được sự sáng tạo trong chinh phục và hòa mình vào thiên nhiên của đồng bào nơi đây. Điều này cũng thể hiện “văn hóa đá” – một nét đặc trưng của người dân ở vùng đất Tây Bắc khi sống cùng với đá, hòa trong đá, lấy đá là phương tiện sống của mình. “Đây thực sự là tư liệu quý, một nét văn hóa độc đáo của đồng bào Mông, rất đáng để nghiên cứu khi cần tìm hiểu về đời sống của đồng bào Mông nơi này” – Ông Kháng cho biết.
Nhà trình tường – nét độc đáo hiếm có
Ngay bên cạnh “Đá sổ đỏ”, ngôi nhà trình tường 300 năm tuổi – ngôi nhà trình tường cổ nhất của bản Sin Suối Hồ vẫn hiên ngang, bền vững nằm đó với sự tồn tại gần như nguyên vẹn, chỉ hơi sạt nhẹ bên cạnh tường ngoài phía tây.
|
Ông Hảng A Xà giới thiệu với phóng viên về kiến trúc, kết cấu của những ngôi nhà trình tường. (Ảnh: ĐP). |
Ông Hảng A Xà, người có uy tín trong bản Sin Suối Hồ giới thiệu với chúng tôi về kiến trúc của những ngôi nhà trình tường nơi đây. Ông cho biết, loại nhà này được làm dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm trao truyền, vật liệu duy nhất xây nhà là đất và tre gỗ; tất cả các công đoạn đều làm bằng tay. Đất ở đây là loại đất sét đỏ, mịn, có độ kết dính cao và được loại bỏ sạch rễ cây, cỏ rác và đá to trước khi sử dụng. Những khuôn gỗ có chiều dài 1,5m và rộng nửa mét được chuẩn bị sẵn trước khi trình tường. Người ta đổ đất vào khuôn và dùng những chiếc đệm vồ nện đất thật chặt. Khi tường được trình bằng đất, cứ 20 cm đất lại được đan vào một lớp 3 thanh tre già đạt đến độ dày từ 50-60 cm.
Sau khi trình tường xong, ngôi nhà được cố định bằng cột nhà, xà ngang. Trước đây, nhà trình tường được lợp mái bằng cỏ tranh, nhưng nay người dân đã sử dụng lợp ngói hoặc phi-brô xi-măng để phù hợp với khí hậu thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Với bức tường được trình bằng đất rất dày, hầu như không có cửa sổ nên ngôi nhà có thể duy trì được nhiệt độ trong nhà cũng như chống được sương giá để chống chọi lại khí hậu khắc nghiệt và thú dữ. “Thậm chí, súng đạn, pháo của giặc bắn vào cũng không xuyên qua được bức tường của ngôi nhà, nên ngôi nhà khá an toàn cho dân bản” – ông Xà cho biết.
Nói về độ bền, Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết, nhà trình tường khá bền bỉ với thời gian, loại nhà này chỉ sợ mưa, ẩm, nếu để khô ráo thì có thể tồn tại rất lâu, ngôi nhà 300 năm là một ví dụ điển hình. Xây dựng ngôi nhà thì không khó, nhưng việc duy tu những bức tường bị mưa nắng xói mòn thì khá phức tạp và không thể thực hiện bằng đất sét. “Người dân nơi đây sử dụng phân trâu như một chất bồi để vá lại những mảng tường lõm” – ông Chỉnh cho biết.
|
Kết cấu nhà trình tường khá chắc nhưng dễ bị xuống cấp nếu gặp mưa ẩm. |
Bên ngoài các ngôi nhà thường có bức tường đá bao quanh cao gần 1 mét để phân chia ranh giới hoặc tách đất nhà với vùng đất nương đồi bên ngoài. Hàng rào đá được xếp lại từ những viên đá với nhiều hình thù do người dân lượm nhặt về chồng lên nhau tạo nên khối kiến trúc rất độc đáo và thú vị. Chẳng có chất kết dính hay gọt dũa, nhưng những bức tường rào vẫn vững chãi, kiên cố theo thời gian. Cổng của mỗi ngôi nhà đều được làm bằng gỗ đơn sơ được ghép lại bằng tre, nứa, bên ngoài được chủ nhà trang trí bằng những vật dụng, nông cụ sinh hoạt hàng ngày của đồng bào nơi đây tạo thành những hình ảnh vô cùng độc đáo.
Được biết, hiện trong bản có gần 100 nóc nhà trình tường truyền thống, nhiều gia đình vẫn đang sinh sống trong những ngôi nhà này, thậm chí nhiều ngôi nhà được sử dụng làm homstay cho khách du lịch. Nhiều khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài, tỏ ra khá thú vị với kiểu nhà này.
|
Thác Trái tim vẫn đang thầm thì kể những câu chuyện tình yêu... |
Ông Vàng A Chỉnh cho biết, “khoảng 4-5 năm gần đây, người dân trong bản đã không xây dựng loại nhà này nữa mà chuyển sang làm nhà gỗ. Hiện cả bản có khoảng 100 nóc nhà trình tường. Vấn đề bảo tồn loại nhà độc đáo này cũng đang được mỗi người dân trong bản chú ý. Bảo tồn những di sản, giá trị truyền thống cũng là hướng đích mà người dân bản Sin Suối Hồ đang hướng đến, để tạo nên một bản làng đẹp, nên thơ nhưng giữ nguyên những nét hoang sơ và giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Ngoài những công trình độc đáo trên, thiên nhiên còn ưu đãi cho Sin Suối Hồ nhiều cảnh đẹp khác như Thác Tổ ong, Thác Trái tim, Thác Ma Quai Thàng, máng nước cầu may... Sin Suối Hồ hôm nay tuy nhiều đổi khác, khang trang, sạch đẹp, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ; nhiều công trình được xây dựng nhưng vẫn giữ được khung cảnh tự nhiên của núi rừng. Người dân nơi đây chỉ phục vụ những nhu cầu thiết yếu của khách du lịch và để thiên nhiên tự kể câu chuyện của mình. Có lẽ vậy, nên điểm đến Sin Suối Hồ càng ngày càng hấp dẫn du khách đến để về hòa mình với thiên nhiên.
|
Với nụ cười đôn hậu, dễ mến, Trưởng bản Vàng A Chỉnh luôn mong muốn du khách đến thăm Sin Suối Hồ để "nghe thiên nhiên kể chuyện". (Ảnh: ĐP). |
Chỉ đến đây, trực tiếp ngắm nhìn những di sản thiên phú, qua những câu chuyện mà thiên nhiên kể lại, cùng đắm mình vào những âm thanh núi rừng, tiếp xúc với những người dân hồn hậu, chất phác, du khách mới hiểu và cảm nhận được những vẻ đẹp còn nhiều bí ẩn cần khám phá của mảnh đất và con người nơi này./.