Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Bộ LĐ-TB&XH)
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, các địa phương đã và đang chuẩn bị tích cực báo cáo cấp ủy, chính quyền ban hành chỉ thị, kế hoạch về tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – liệt sĩ . Trung ương Đảng và Chính phủ cũng đã cho ý kiến về dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư và Kế hoạch tổ chức cấp Quốc gia Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – liệt sĩ. Hôm nay, Bộ chính thức thống nhất với địa phương về nội dung trên và bàn cách làm chủ yếu nhằm tạo sự thống nhất trên quy mô của cả nước.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện cả nước tồn đọng khá lớn hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng hồ sơ giả, lợi dụng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, tạo bức xúc đối với người có công với cách mạng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trong năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ vào cuộc quyết liệt giải quyết cơ bản hồ sơ người có công còn tồn đọng; đặc biệt xử lý nghiêm minh và thích đáng mọi trường hợp làm giả hồ sơ người có công. Đồng thời nhấn mạnh, “những hồ sơ tồn đọng, mỗi hồ sơ, mỗi trường hợp lại phải xử lý theo những cách khác nhau; có trường hợp phải xác minh tới 4 tháng nhưng chính vì hồ sơ không còn đủ, không giải quyết được thì chúng ta phải xắn tay vào giải quyết, nợ dân mãi làm sao được?”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Tại Hội nghị, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí, Tổ trưởng Tổ Công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng của Trung ương nhấn mạnh, hồ sơ tồn đọng chủ yếu là những hồ sơ phức tạp. Trong lần giải quyết hồ sơ tồn đọng này sẽ phấn đấu không để hồ sơ giả xen vào. Đây là trách nhiệm của chính quyền các cấp.
“Thực tế có trường hợp một tổ công tác 4 người chiến đấu cùng một trận, hy sinh một nơi, chôn cùng một hầm mà 1 người được công nhận là liệt sỹ, còn 3 người còn lại chưa được phong liệt sỹ vì những nguyên nhân khách quan, hồ sơ còn thiếu. Những trường hợp như thế này thì dù chỉ là một tờ đơn của gia đình cũng phải tiến hành làm hồ sơ cho gia đình người có công” - ông Huỳnh Văn Tí nói.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương cũng cho rằng, đối với các trường hợp thiếu hồ sơ, nếu nhận được sự đồng thuận của người dân, chính quyền địa phương thì rất thuận lợi cho quá trình giải quyết công nhận người có công.
Trước đó, năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trương thí điểm triển khai xem xét, xác nhận người có công với cách mạng theo quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ, phát huy đúng mức trách nhiệm của các cấp, các ngành. 9 tỉnh thành phố được chọn làm điểm và mở rộng là: Lai Châu, Bắc Cạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An, Tiền Giang, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Qua đó, Ban chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ công tác Trung ương giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng đã thống nhất đề nghị xác nhận 86 trường hợp người có công với cách mạng, gồm: 75 liệt sĩ (trong đó có 57 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp, 18 liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thời kỳ chống Mỹ./.