leftcenterrightdel
left center right del

 

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng đã trình bày một số nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hóa-Thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; khoảng 70% số di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị; 5 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh theo các Công ước của UNESCO.

Hằng năm, có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; có 2 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN và có khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL- Nguyễn Văn Hùng. 

Giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo đóng góp 7% GDP; mức tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm trung bình đạt 7%. Tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm…

Trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội chiều 17/11/2023, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, Bộ VHTT&DL đã xây dựng Chương trình MTQG chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 với 7 mục tiêu tổng quát và 9 dự án thành phần. Sau này được đổi tên thành Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Sau nhiều cuộc hội thảo tham vấn, xin ý kiến nội dung Chương trình với các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực văn hóa…, căn cứ đề xuất, ý kiến góp ý của 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội liên quan, hiện Bộ VHTT&DL đã tổng hợp, xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa cho giai đoạn 11 năm (2025-2035). Chương trình có tổng số 10 nội dung thành phần: Nội dung thành phần số 1: Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Nội dung thành phần số 2: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả. Nội dung thành phần số 3: Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa. Nội dung thành phần số 4: Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Nội dung thành phần số 5: Thúc đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật. Nội dung thành phần số 6: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nội dung thành phần số 7: Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa. Nội dung thành phần số 8: Phát triển nguồn nhân lực văn hóa. Nội dung thành phần số 9: Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Nội dung thành phần số 10: Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.

leftcenterrightdel
 

Như vậy, qua 10 nội dung thành phần cho thấy để chấn hưng văn hóa hay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 chúng ta cùng lúc phải triển khai thực hiện rất nhiều công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra một khối lượng lớn các công việc mà chúng ta phải thực hiện trường kỳ để chấn hưng văn hóa như: Xây dựng môi trường văn hóa, công nghiệp văn hóa, con người văn hóa, thiết chế văn hóa, di sản văn hóa... Có lẽ, cũng vì thế mà PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đã từng khẳng định: Chấn hưng văn hóa là “đại công trình thế kỷ”, là Chương trình có ý nghĩa quan trọng, sống còn, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Vì thế, chấn hưng văn hóa là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, không phải là nhiệm vụ của riêng một Bộ, ngành nào.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm đầu tư, chăm chút cho các hạng mục của đại công trình thế kỷ này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, mức đầu tư cho văn hóa trước đây vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tiễn và còn phân tán, hiệu quả chưa cao. Các tác phẩm nghệ thuật do Nhà nước đầu tư chủ yếu vẫn gắn với việc phục vụ cho những ngày lễ lớn hoặc những sự kiện chính trị quan trọng, các chương trình đầu tư dài hạn lại không được triển khai một cách đồng bộ. Chương trình Mục tiêu quốc gia về điện ảnh là một ví dụ điển hình. Trong khi phần lớn số tiền được đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở kỹ thuật phục vụ công nghiệp điện ảnh và đầu tư trang thiết bị cho các hãng phim, việc đào tạo nguồn nhân lực lại bị bỏ qua. Hay các chương trình đầu tư xây dựng công trình văn hóa công cộng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng cho thấy những bất cập, thể hiện ở việc các công trình được xây dựng ít được sử dụng vì không phù hợp với phong tục, tập quán của nhân dân. Rất nhiều thiết chế văn hóa ở cơ sở hoạt động cũng không hiệu quả so với kỳ vọng của xã hội…

leftcenterrightdel

Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao". Tổng Bí thư yêu cầu "Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa. Trong quá trình đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội".

Chia sẻ về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng cho biết: Trong các giai đoạn trước, đầu tư tổng thể cho văn hóa được thực hiện chủ yếu thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa. Sau khi chương trình này kết thúc vào năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn ở cấp trung ương và địa phương và từ kinh phí nguồn sự nghiệp hằng năm (giai đoạn 2017-2021 chi chưa đến 1% trong tổng chi ngân sách nhà nước) nên không đủ để tiếp tục duy trì hoạt động, khai thác vận hành, cải tạo các thiết chế văn hóa, bảo tồn, nâng cấp các di tích văn hóa đang tiếp tục bị xuống cấp cũng như bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học…

leftcenterrightdel
 

Trong thời gian qua, một số Chương trình Mục tiêu quốc gia, Chương trình được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt có hướng tới mục tiêu an sinh xã hội nhưng chưa tạo được động lực, nguồn lực để xây dựng, phát triển văn hóa một cách hiệu quả tổng thể. Chính vì vậy, nhiều mục tiêu ngành Văn hóa đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 trước đây cho đến nay vẫn chưa đạt được.

 

Rõ ràng, muốn xây dựng bất kỳ một công trình gì, nhất là những công trình thế kỷ thì phải có nguồn lực đầu tư, trong đó một trong những vấn đề quan trọng nhất vẫn là tiền. Câu chuyện về 350.000 tỷ đồng để chấn hưng văn hóa vẫn đang là tâm điểm của dư luận hiện nay. Rất nhiều ý kiến khác nhau về nguồn kinh phí được Bộ VHTT&DL dự kiến đưa ra để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa trong giai đoạn từ 2025-2035 đã cho thấy những góc nhìn đa chiều, toàn diện hơn về công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa. Thế nhưng thiết nghĩ, muốn tạo ra được những cú hích, bước chuyển đột phá về văn hóa thì chúng ta không thể “tay không bắt giặc” mà phải có nguồn lực. Nguồn lực đầu tư bao nhiêu không quan trọng bằng việc chúng ta đầu tư như thế nào, có đúng và “trúng” hay không, có minh bạch, tạo được hiệu quả thực sự hay không.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương: Văn hóa như một nguồn lực để tạo ra sự phát triển đột phá của đất nước. Để văn hóa thực sự thể hiện vai trò là một trụ cột của sự phát triển, trở thành động lực để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, là động lực thúc đẩy tất cả các lĩnh vực trong xã hội phát triển chúng ta cần phải quan tâm, đầu tư đúng mức cho văn hóa. Tuy nhiên, đầu tư như thế nào để hiệu quả, không lãng phí? Trong thực tế, chúng ta đã có bài học nhãn tiền về các công trình tiền tỷ bị bỏ hoang, không sử dụng hết công suất… không chỉ thất thoát về tiền bạc, mà còn làm xói mòn lòng tin của người dân. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta xem nhẹ, không quan tâm đến việc đầu tư cho văn hóa. Đầu tư cho văn hóa không phải lúc nào cũng nhìn đồng tiền ở số lượng mà cái chính là sử dụng nó như thế nào cho đúng mục đích; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tạo ra cú hích và bước đột phá để phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như Nghị quyết của Đảng đã chỉ ra.

leftcenterrightdel

Nhấn mạnh đặc thù về đầu tư lĩnh vực văn hóa, GS.TS Từ Thị Loan - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: Nói đến văn hóa là nói đến con người, đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển vì thế phải đầu tư có chiều sâu và không thể định lượng một cách cơ học được. Đầu tư cho văn hóa phải tương xứng với sự phát triển của kinh tế, mỗi bước đi của kinh tế phải coi trọng bước đi tương ứng và phù hợp của văn hóa. Các sản phẩm về văn hóa cũng không thể nhìn cụ thể kiểu như sản phẩm nghiệm thu, quyết toán hằng năm. Không thể mang các sản phẩm văn hóa ra để đong đếm như các lĩnh vực khác trong xã hội…

Thực tế từ năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc "Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa", nguồn lực đầu tư cho văn hóa năm 2022-2023 ở nhiều địa phương bước đầu đã thay đổi tích cực, dự toán ngân sách phân bổ cho văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt trên 2% tổng chi ngân sách địa phương.

Tiêu biểu như Hà Nội đang là địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa. Thủ đô Hà Nội bố trí 15.100 tỷ đồng đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2021-2025 (thể thao 610 tỷ đồng, di sản 14.000 tỷ đồng, bảo tàng 400 tỷ đồng); nhiều hơn năm 2022 là 891 tỷ đồng, con số gấp hàng chục lần so với các nhiệm kỳ trước đây.

leftcenterrightdel
 

Từ năm 2020 tới nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư 301,5 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích. Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt 328 tỷ đồng cho các dự án đang triển khai thi công và dự kiến bố trí thêm 1.054 tỷ đồng cho các dự án giai đoạn 2021 – 2025. Ngoài ra, con có hàng ngàn tỷ đồng được TP. HCM huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn hỗ trợ từ tổ chức UNESCO giúp hồi sinh nhiều di sản, trở thành động lực cho phát triển kinh tế du lịch bền vững ở địa phương. Một số tỉnh, thành quan tâm đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, đáng chú ý như: Bắc Ninh từ 150,782 tỷ đồng năm 2021 tăng lên 162,192 tỷ đồng năm 2022 và 181,929 tỷ đồng năm 2023 (tăng trung bình 9-12%/năm). Khánh Hòa năm 2021 đầu tư 402,933 tỷ đồng; năm 2022 là 463,111 tỷ đồng; năm 2023 là 572,308 tỷ đồng; dự kiến năm 2024 tăng lên 676,918 tỷ đồng, tăng trung bình 20-23%/năm. Nghệ An ổn định mức chi đến năm 2025 tăng 1,37% so với giai đoạn 2016-2020, cụ thể là 205,498 tỷ đồng (2022) và 193,151 tỷ đồng (2023). Phú Thọ mức chi đầu tư 97,6 tỷ đồng (2021) tăng lên 126,1 tỷ đồng (2022), và 150,434 tỷ đồng (2023), tăng trung bình 19-29%/1 năm. Bắc Giang tăng 12,7%; Hòa Bình, Đắk Lắk tăng 17%; Kon Tum tăng 18%; Bến Tre tăng 19%; Hải Dương tăng 24%; Bình Thuận tăng 44%, Hải Phòng tăng 14%...

Các nội dung đầu tư tại Trung ương và các địa phương cũng đã có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, cào bằng. Ưu tiên đầu tư các nhiệm vụ có khả năng tạo ra nguồn thu như đầu tư tu bổ tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt, đầu tư các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị nghệ thuật cao, có đột phá trong sáng tạo, đặc biệt là các tác phẩm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tạo ra giá trị kinh tế cao như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật... Đầu tư cho con người là đội ngũ văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa cũng được quan tâm, trú trọng hơn.

Từ sau Đại hội XIII, nhất là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa được các cấp ủy, chính quyền và cả xã hội có sự chuyển biến rõ rệt về tư duy, nhận thức, quan tâm đầy đủ và sâu sắc hơn. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, xác định trách nhiệm của mình, biến suy nghĩ thành hành động cụ thể, tạo ra sự chuyển biến mạnh cho văn hóa trong những năm qua.

leftcenterrightdel

Những chuyển biến trong nền văn hóa nước nhà không còn là những cảm nhận trừu tượng mà bước đầu đã đo đếm được bằng những sự kiện nổi bật, con số biết nói và công trình, sản phẩm cụ thể.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, nhiều Hội nghị quan trọng đã được tổ chức, đi sâu vào những vấn đề cốt lõi như Hội thảo Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức; Hội thảo Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì; cùng nhiều hội nghị tại các địa phương như Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hà Giang…

63/63 tỉnh, thành đều xây dựng chương trình hành động thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Bộ VHTT&DL đang xây dựng chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa trình Chính phủ và Quốc hội trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương…

Ở các địa phương, nhờ đầu tư cho văn hóa tăng rõ rệt khiến cho đời sống văn hóa của bà con thực sự có sự khởi sắc. Những công trình văn hóa ý nghĩa được xây dựng, trùng tu, nhiều công trình văn hóa tấm cỡ quốc tế được đầu tư xây dựng, một số tác phẩm nghệ thuật chất lượng xuất hiện tham dự các giải thưởng trong nước và quốc tế ghi được dấu ấn và gặt hái nhiều thành công…

Rõ ràng chấn hưng văn hóa, hay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, “đại công trình thế kỷ” với rất nhiều hạng mục công việc cần phải triển khai thực hiện để tạo ra những “cú hích” lớn cho văn hóa không thể chỉ nói suông hay hô hào khẩu hiệu theo kiểu “tay không bắt giặc” mà chúng ta cần phải có nguồn lực, thậm chí là nguồn lực mạnh để tạo ra động lực tổng thể và chuyển biến đột phá cho phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, thông qua việc lựa chọn những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ mà các Nghị quyết của Đảng đã đề ra đối với ngành Văn hóa nói riêng và cả xã hội nói chung, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Bài 1: Chấn hưng văn hóa là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân

Bài 3: Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ đâu?

Bài 4: Cuộc chiến giữa “xây” và “chống”

Bài 5: Chấn hưng văn hóa: Không thể chỉ là khẩu hiệu hay câu chuyện của phong trào

Nhóm phóng viên
07/12/2023 14:15