leftcenterrightdel

Bài 5: Chấn hưng văn hóa: Không thể chỉ là khẩu hiệu hay câu chuyện của phong trào

(ĐCSVN) - Để chấn hưng văn hóa không chỉ là những ý tưởng đẹp đẽ trên giấy, khẩu hiệu suông hay câu chuyện của phong trào... mà là những việc làm cụ thể, thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả thấm sâu vào đời sống như "cơm ăn, nước uống hằng ngày" chúng ta phải làm gì?

                                                                                                 

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: Nói đến văn hoá là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái… Chính vì vậy chúng ta phải ra sức giữ gìn, củng cố, xây dựng và phát triển để xây dựng xã hội tốt đẹp.

Thực tế, việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã được Đảng, Nhà nước triển khai, thực hiện qua nhiều nhiệm kỳ... Có lẽ cũng nhờ thế mà văn hóa ngày càng có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhận định: “Bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn có những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá...”.

leftcenterrightdel
 Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn có những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá...”.

Đặc biệt, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ nguyên nhân căn bản là do: “Trong công tác lãnh đạo, quản lý, chúng ta chưa nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về đường lối văn hoá của Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Phương thức lãnh đạo và quản lý văn hoá chậm được đổi mới, chưa thích ứng kịp thời với sự vận động và phát triển văn hoá trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Việc thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối văn hoá của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Công tác tổ chức và công tác cán bộ trên lĩnh vực văn hoá còn nhiều bất cập. Trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hoá chưa cao”...

Như vậy, rõ ràng muốn chấn hưng, phát triển văn hóa chúng ta phải khắc phục được hết những hạn chế, yếu kém nói trên. Thực tế, văn hóa trong những năm qua đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm nhưng vẫn ở mức độ nhất định. Chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hoá chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền còn lớn. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn. Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong. Minh chứng là đầu tư cho văn hóa trước năm 2021 vẫn chỉ dưới 1% trong tổng chi ngân sách Nhà nước. Có lẽ vì ngân sách không đủ nên nhiều hoạt động, nhiều phong trào đã được triển khai, khơi lên nhưng chỉ rộ được một thời gian rồi lại “chìm xuồng”, đâu đóng đấy.

leftcenterrightdel
 Nói đến văn hoá là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái...

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng cũng đã cho biết: Trong các giai đoạn trước, đầu tư tổng thể cho văn hóa từ ngân sách nhà nước không đủ để tiếp tục duy trì hoạt động, khai thác vận hành, cải tạo các thiết chế văn hóa, bảo tồn, nâng cấp các di tích văn hóa đang tiếp tục bị xuống cấp cũng như bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học… Một số Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt có hướng tới mục tiêu an sinh xã hội nhưng chưa tạo được động lực, nguồn lực để xây dựng, phát triển văn hóa một cách hiệu quả tổng thể. Chính vì vậy, nhiều mục tiêu ngành Văn hóa đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 trước đây cho đến nay vẫn chưa đạt được.

Phát triển và chấn hưng văn hóa chúng ta đã có chủ trương, đường lối rõ ràng, vậy tại sao bao năm nay chúng ta chưa làm được? Phải chăng bên cạnh việc nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nguyên nhân căn bản vẫn là chúng ta chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện? Đâu đó vẫn còn kiểu thực hiện nửa vời, được chăng hay chớ?

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đất nước giai đoạn này đó chính là xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, trong đó có việc “Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hoá, phản văn hoá; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ”.

Để công cuộc chấn hưng văn hóa thu hút được sự quan tâm vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, trở thành những hoạt động thiết thực ý nghĩa, thường xuyên liên tục như “cơm ăn nước uống” hằng ngày, ngoài việc chúng ta phải quan tâm đầu tư nguồn lực cho văn hóa các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương còn phải đoàn kết, đồng lòng chung tay kiên quyết, kiên trì thực hiện tới cùng chiến lược phát triển văn hóa đã đề ra và quyết tâm, quyết liệt đấu tranh không khoan nhượng với những cái ác, cái xấu, phi văn hóa, phản tiến bộ.

Biến những khẩu hiệu, những ý tưởng thành những hành động cụ thể

Để thanh lọc môi trường văn hóa, chống lại những cái xấu, cái ác, phản văn hóa, phản tiến bộ thực sự hiệu quả, đi đến thắng lợi rõ ràng, chúng ta không thể nào chỉ hô hào khẩu hiệu suông... mà nó phải là những hoạt động cụ thể được lồng ghép vào các chương trình hoạt động cụ thể, thường xuyên của mỗi cơ quan, mỗi đơn vị, mỗi tổ chức, mỗi khu phố, mỗi gia đình… Muốn bà con dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa hủy bỏ những tập tục cổ hủ, lạc hậu, ngoài việc tuyên truyền chúng ta còn phải có những biện pháp cứng rắn như cấm và phạt nếu vi phạm. Muốn bộ phận giới trẻ không chạy theo lối sống thực dụng, thờ ơ với thời cuộc… chúng ta phải xây dựng phong trào gia đình văn hóa, xây dựng nề nếp gia phong chuẩn mực, môi trường văn hóa lành mạnh ngay từ trong mỗi gia đình. Cha mẹ, ông bà phải là những tấm gương sáng để con cháu noi theo…

leftcenterrightdel
 Văn hóa như phù sa phải được thẩm thấu và bồi đắp dần dần.

Văn hóa như phù sa thẩm thấu và bồi đắp dần dần, vì vậy ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, ở những lớp mầm non hay vỡ lòng, các con phải được truyền thụ và hướng dẫn về văn hóa ứng xử và những giá trị văn hóa tốt đẹp để làm theo.

Con người chính là chủ thể cho mọi sáng tạo, thụ hưởng và tiếp nhận văn hóa. Chấn hưng hay phát triển văn hóa chẳng phải thứ gì cao siêu, cũng không phải ở đâu xa, mà cần phải bắt đầu ngay từ những việc nhỏ nhất xây dựng con người, từ gia đình, trường học đến xã hội.

Thực tiễn đã chứng minh, một nghĩa cử tốt, một hành động đẹp, một bộ phim hay, một vở kịch hấp dẫn, một bài hát xúc động… có sức lay động và cảm hóa lòng người hơn hàng ngàn lời kêu gọi, hô hào suông. Vì vậy, hãy biến những khẩu hiệu, những ý tưởng đẹp đẽ trên giấy thành những hành động, hoạt động cụ thể, thiết thực, ý nghĩa hằng ngày để mọi người được thẩm thấu, noi theo.

Để công cuộc phát triển và chấn hưng văn hóa đạt được những kết quả như mong đợi, tất nhiên không thể thiếu vai trò đầu tàu của các cơ quan quản lý. Để biến những chủ trương, chính sách đúng đắn về chấn hưng văn hóa thành những hoạt động cụ thể, thiết thực, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Với vai trò là cơ quan quản lý cao nhất, ngay từ bây giờ và trong thời gian sắp tới, ngành Văn hóa sẽ tập trung vào những công việc chính như: Triển khai thật tốt Chương trình tổng thể quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2023 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 ngay sau khi Quốc hội thông qua. Tiếp tục xây dựng và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho sự phát triển của văn hóa.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng.

Đặc biệt tới đây, Ngành sẽ tập trung sửa đổi Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo và tiến tới xây dựng các luật về nghệ thuật biểu diễn, tài trợ và hiến tặng… Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành để sửa các luật có liên quan đến văn hóa để mở rộng hơn nữa hành lang pháp lý cho văn hóa phát triển. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tập trung cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để mang lại lợi thế cho các sản phẩm, dịch vụ văn hóa Việt Nam, tác động lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tổ chức thật tốt các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế, khu vực và quốc gia để xây dựng thương hiệu cho các sự kiện, nghệ sĩ Việt Nam. Tập trung cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Ngành sẽ tập trung không chỉ cho việc ghi danh các di sản văn hóa ở các cấp, từ UNESCO, quốc gia đặc biệt đến quốc gia, mà còn chú ý cả đến việc đầu tư gìn giữ và phát huy các biểu đạt đa dạng của các sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ít người, ở vùng sâu, vùng xa và khu vực khó khăn…

Chấn hưng văn hóa suy cho cùng là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây không chỉ là mong muốn mà còn là khát vọng của toàn Đảng, toàn dân. Chúng ta đã có chủ trương, đường lối, giải pháp, chiến lược phát triển rất rõ ràng, thế nhưng để hiện thực hóa những chủ trương, đường lối, giải pháp này, để toàn Đảng, toàn dân đều hiểu và đồng lòng thực hiện, làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi gia đình, mỗi con người như “cơm ăn nước uống hằng ngày” lại không phải là chuyện dễ có thể làm trong ngày một ngày hai. Đúng như PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương đã khẳng định: Muốn chấn hưng văn hóa, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, cần cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải coi xây dựng văn hóa và xây dựng con người là xây dựng tương lai tốt đẹp của dân tộc. Nếu chúng ta không có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta không có con người Việt Nam đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, thì chúng ta rất khó để đưa đất nước đi lên. Mọi người dân, cán bộ, đảng viên, quần chúng miền xuôi, miền núi, các dân tộc, tôn giáo... phải hiểu được mục đích, ý nghĩa, nội hàm của chấn hưng văn hóa, phát triển văn hóa để cùng đồng lòng, quyết tâm thực hiện bằng được cuộc cách mạng này.

leftcenterrightdel
 PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương (giữa): Để toàn Đảng, toàn dân đều hiểu và đồng lòng thực hiện, làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi gia đình, mỗi con người như “cơm ăn nước uống hằng ngày” chúng ta phải kết hợp hài hòa giữa "xây" và "chống"...

Chấn hưng văn hóa là xây dựng những giá trị văn hóa tốt đẹp. Việc “xây” đã khó, “chống” còn khó hơn. Cho nên chấn hưng văn hóa là một cuộc chiến lâu dài, bền bỉ giữa “xây” và “chống”. Chúng ta phải kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn hai vấn đề này.

Chấn hưng văn hóa cũng có nghĩa là giữ gìn, lan tỏa những điều cao cả, tốt đẹp trong cuộc sống, cho nên chúng ta phải chăm lo, giáo dục, đặc biệt là cho cán bộ, đảng viên và thanh thiếu niên nhi đồng - thế hệ măng non, thế hệ trẻ của đất nước… Có như vậy công cuộc chấn hưng văn hóa của chúng ta mới thực sự có bước tiến mới, mạnh mẽ, hiệu quả, góp phần xây dựng thành công một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi; tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu./.

Bài 1: Chấn hưng văn hóa là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân

Bài 2: Chấn hưng văn hóa: “Đại công trình thế kỷ”

Bài 3: Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ đâu?

Bài 4: Cuộc chiến giữa “xây” và “chống”

 
Nhóm phóng viên
21/12/2023 08:37