leftcenterrightdel
leftcenterrightdel

(ĐCSVN) - Để trả lời câu hỏi vì sao trong khó khăn do tác động của dịch COVID-19, song tăng trưởng kinh tế Thủ đô vẫn cao gấp 1,4 lần cả nước; thu ngân sách tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều ý kiến cho rằng nhân tố “quyết định” sự thành công của Hà Nội chính là sự chung sức, đồng lòng từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện.

leftcenterrightdel

Quận Hoàn Kiếm là trung tâm chính trị - hành chính, trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của Thủ đô. Do vậy, khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra, đây là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là hoạt động du lịch, kinh doanh và giao thương hàng hóa.

leftcenterrightdel
Nhiều ý kiến cho rằng nhân tố “quyết định” sự thành công của Hà Nội chính là sự chung sức, đồng lòng từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện. 

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, tổng doanh thu thương mại - dịch vụ 11 tháng đầu năm 2020 của quận chỉ tăng 1,99% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu ngành du lịch giảm tới gần 77%. Thu ngân sách quận trong 6 tháng đầu năm 2020 cũng chỉ đạt 40% dự toán, trong khi quận là đơn vị được TP giao dự toán thu nằm trong top đầu, với trên 10 nghìn tỷ đồng. “Nhìn vào bức tranh kinh tế chung của toàn TP và quận trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng sẽ khó hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội” - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ.

Tình hình rất khó khăn, song, với tinh thần chủ động, quyết liệt, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Hoàn Kiếm đã nỗ lực vượt khó, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương bằng tổng lực các biện pháp đề ra như đôn đốc, rà soát các nguồn thu, triển khai hóa đơn điện tử đến 5.200 doanh nghiệp trên địa bàn và tiếp tục triển khai đến 11.200 hộ kinh doanh cá thể và bắt đầu triển khai thu thuế đối với các hộ bán hàng online...

Theo Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn: “Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao đó, Hoàn Kiếm đạt được kết quả tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực công tác. Năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận ước đạt 10.212 tỷ đồng, bằng 102% dự toán thành phố giao, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019".

Đối với Đảng bộ huyện Phúc Thọ, Bí thư Huyện ủy Lê Thị Thu Hằng thông tin, Đảng bộ huyện xác định trong khó khăn, càng phải nỗ lực vươn lên. Xác định nông nghiệp làm trụ đỡ nền kinh tế, là ngành kinh tế trọng yếu của mình, huyện đã chủ động đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia tăng giá trị trên một đơn vị héc-ta gieo trồng. Vì vậy, năm 2020 là năm rất nhiều khó khăn nhưng cũng là năm ngành nông nghiệp có rất nhiều kết quả khả quan, phản ánh nỗ lực chung của toàn huyện. Năm 2020, huyện đã đạt và vượt 18/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, kinh tế của huyện tăng 8,8% - đây là mức tăng cao so với bình quân chung của TP và cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 415,353 tỷ đồng, bằng 133% dự toán TP giao.

Cùng với quận Hoàn Kiếm, Phúc Thọ, hầu hết các địa phương, cơ quan, đơn vị của TP Hà Nội cũng đã có những cố gắng vượt bậc trong năm 2020. Đơn cử như huyện Mê Linh, mặc dù phải thực hiện phong tỏa, cách ly ổ dịch COVID-19 ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh nhưng huyện vẫn đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội TP giao; kinh tế tăng trưởng 7,7% so với năm 2019; thu ngân sách đạt trên 1.553 tỷ đồng, bằng 157,1% dự toán được giao.

Theo Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, kết quả đạt được của các quận, huyện, sở, ngành thể hiện rất rõ tinh thần sâu sát, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho cơ sở của các đồng chí lãnh đạo TP. Với Thường Tín, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy tại cuộc làm việc với huyện vào tháng 6/2020 về phát huy truyền thống của Thường Tín là “Đất danh hương, huyện anh hùng” và quan điểm phát triển đồng đều, ưu tiên hạ tầng khu vực các huyện phía Nam, Đảng bộ huyện Thường Tín đã cụ thể hóa thành 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 8 chương trình công tác toàn khóa, với quyết tâm đưa Thường Tín lên một vị thế, tầm cao mới; phấn đấu đến năm 2026 sẽ là huyện nông thôn mới nâng cao và đến năm 2030 là một quận của Thủ đô Hà Nội.

leftcenterrightdel

Theo Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa, trong năm 2020, không ai còn nghi ngờ nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Ngay từ đầu năm, các đồng chí Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo sát sao đối với ngành nông nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy tại cuộc làm việc với ngành nông nghiệp cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của TP trong việc phát huy sức mạnh nội tại, lãnh đạo các huyện cũng thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nông dân, theo hướng “tăng đối thoại, giảm bức xúc”, từ đó, giúp nông nghiệp từ mức tăng trưởng âm 1,17% trong quý I, đã tăng trưởng 3,5% trong quý II và cả năm 2020 đạt 4,2%.

leftcenterrightdel

Đối với ngành Công thương, trước tình hình đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế trong nước cũng như thế giới, ngành đã đưa ra những giải pháp có tính chất đột phá để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cho TP Hà Nội. Phó giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã tham mưu cho TP xây dựng kế hoạch kích cầu và triển khai nhiều chương trình kết nối cung cầu và chương trình khuyến mại tập trung để nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đẩy mạnh sản xuất và giảm lượng tồn kho cho doanh nghiệp; tổ chức rất nhiều những hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh, TP để cân đối cung cầu trên địa bàn.

Bên cạnh đó, ngành cũng quan tâm tăng trưởng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để phù hợp với tình hình mua sắm của người dân trong dịch COVID-19, thúc đẩy việc không sử dụng tiền mặt, tăng cường đầu tư hạ tầng công nghiệp. Đặc biệt là trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Sở đã đề xuất giảm thu phí lệ phí từ 30-50% cho các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ các thủ tục hành chính trong thời điểm phải cách ly xã hội…

leftcenterrightdel
Nhân tố “quyết định” sự thành công của Hà Nội chính là sự chung sức, đồng lòng từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện

Theo Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội Mai Sơn, năm 2020 là năm cuối hiện thực mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2016-2020. Do đó, việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 không những ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn tác động rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Trước tình hình đó, Cục Thuế TP Hà Nội đã chủ động triển khai đầy đủ, đồng bộ các chỉ đạo của Trung ương và TP để hoàn thành mục tiêu kép, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế trên địa bàn, vừa bảo đảm hoàn thành mức cao nhất dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020.

Theo đó, Cục Thuế đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tích cực đôn đốc, thực hiện các biện pháp mạnh với doanh nghiệp chây ì, đặc biệt là với doanh nghiệp có dự án, có doanh thu. Riêng về công tác thanh - kiểm tra, Cục Thuế đã thực hiện đúng tinh thần không chồng chéo, những đơn vị có dấu hiệu gian lận, vi phạm, thực hiện thanh - kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; còn lại tập trung vào kiểm tra báo cáo tài chính, hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế.

leftcenterrightdel
Hà Nội tổ chức rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh, TP để cân đối cung cầu trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển

“Khi phát hiện những vấn đề chưa thực sự đúng, chúng tôi thông báo để người nộp thuế điều chỉnh hạch toán của mình. Qua đó, đã góp phần tích cực, tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp hoạt động, góp phần vào kết quả thu ngân sách nhà nước trong năm 2020”, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội nói thêm.

Đề cập đến vấn đề thu hút đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nói rõ: Hà Nội đã chuẩn bị kỹ càng trong vấn đề thu hút đầu tư. Do vậy, khi đại dịch được kiểm soát bước đầu, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã có chỉ đạo các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã chuẩn bị cho công tác thu hút đầu tư đạt kết quả hết sức nổi bật. Cùng với đó, TP cũng tập trung vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện lại toàn bộ hệ thống quy hoạch trên địa bàn TP; lập các danh mục để thu hút đầu tư cho các địa bàn, cho các lĩnh vực và các sản phẩm. TP chọn lọc các dự án có sử dụng các công nghệ cao. Từ đó, ban hành các kế hoạch, chương trình, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để thu hút được các dự án đầu tư nói chung và đặc biệt nhất là các dự án đầu tư vào TP.

Trong thực tế, các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương đều được Thành ủy Hà Nội quán triệt sâu sắc tới các cấp ủy, chính quyền địa phương. Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội ban hành nhiều văn bản, chủ động triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt ở tất cả các đơn vị, địa phương, trên tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và hiệu quả".

leftcenterrightdel

Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, kết quả đạt được trong năm 2020 thể hiện rất rõ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Với tinh thần quán triệt chung, khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba, Hà Nội đã đạt được mục tiêu tổng quát, “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế với các kết quả quan trọng, toàn diện.

Nói về những kết quả đạt được của Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận định: Những kết quả trên thể hiện quyết tâm chính trị, sự đồng thuận, đoàn kết trong xã hội; sự nỗ lực và cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong triển khai và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của TP để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế./.

Bài 1: Vững tay chèo, vượt sóng cả

Bài 3: Kéo dài “nhiều năm”, giải quyết “trong năm”

Bài 4: Tỏa sáng tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”

Bài 5: Vững tin đón vận hội mới

Nội dung: Thu Hà - Thực hiện: Phạm Cường 

14/01/2021 15:27