(ĐCSVN) - Là trái tim của cả nước, Hà Nội luôn cùng nhịp đập với các tỉnh, thành phố. Điều này đã là lẽ tự nhiên từ nhiều năm qua và trong năm 2020, tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” lại càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Bằng sự trợ giúp hết sức thiết thực, chân tình và nồng ấm đã làm tỏa sáng nét đẹp nghĩa tình người Thủ đô đối với đồng bào cả nước.
Với hơn 10 triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của cả nước, với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu, có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn chỉ đáp ứng được từ 5 đến 35% nhu cầu, còn lại được khai thác từ các tỉnh, TP khác và nhập khẩu.
Nhằm phát huy vai trò đầu mối phân phối sản phẩm trong nước và xuất khẩu, triển khai hiệu quả, toàn diện các chương trình hợp tác, liên kết, TP Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ với 44 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, chỉ đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết vùng, giao thương kết nối cung cầu với hơn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước thời gian qua.
Đặc biệt, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, TP Hà Nội xác định, phải đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thị trường trong nước giúp kinh tế phục hồi và tăng trưởng không chỉ cho Hà Nội và phải lan tỏa cả nước. Do đó, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội đã ký hợp tác với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp đưa nông sản, thực phẩm, đặc sản vùng miền qua hệ thống thương mại điện tử. Sở Công thương Hà Nội ký hợp tác với 28 Sở Công thương các tỉnh, TP liên kết, tạo kênh cung ứng - tiêu thụ sản phẩm hai chiều bền vững giữa thị trường Hà Nội và các tỉnh, TP trong cả nước…
Nổi bật nhất là trong năm 2020 là nhằm hỗ trợ các tỉnh, TP trong cả nước quảng bá, kết nối giao thương tại thị trường Hà Nội, nhất là với các sản phẩm trái cây đến mùa thu hoạch, sản phẩm nông sản gặp khó khăn, đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, đồng thời góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năm 2020, Sở Công thương Hà Nội đã liên tiếp tổ chức các Tuần lễ trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội như siêu thị Big C Thăng Long, siêu thị MM Mega Market Hà Đông, Co.opmart Long Biên. Với quy mô hàng chục gian hàng, giới thiệu đa dạng, phong phú các sản phẩm nông sản đặc sản như cam Hà Giang, Bắc Giang; hồng Bắc Kạn, Sơn La; ổi Hải Dương…., các Tuần hàng trái cây đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
Bên cạnh đó, Hà Nội hỗ trợ các tỉnh Sơn La, Hải Dương, Đồng Tháp, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Kạn… tổ chức khoảng 15 sự kiện giao thương, các tuần hàng trái cây, nông sản, thủy sản tại Hà Nội với các sản phẩm: xoài, mận, dâu tây Sơn La; vải thiều Hải Dương, cá tra, basa và nông sản Đồng Tháp, thủy sản Quảng Ninh, bí xanh và sản phẩm OCOP Bắc Kạn, cam Hưng Yên… Các sự kiện này được doanh nghiệp phân phối như Central Retail, MM Mega Market, Vinmart… hỗ trợ triển khai thực hiện, thông qua sự kiện đẩy mạnh kết nối nông sản các tỉnh, TP vào kênh phân phối Hà Nội, nhất là trong những tháng cuối năm, góp phần bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa… Đặc biệt, qua các chương trình này, TP Hà Nội sẽ định hướng các vùng sản xuất tập trung cung cấp hàng hóa giữa các địa phương với Hà Nội, để Hà Nội trở thành trung tâm kết nối, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu cho các thị trường khác.
Chị Nguyễn Kim Oanh, phố Bác Cổ, quận Hoàn Kiếm cho biết: Nhờ Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương với từng địa phương và kích cầu tiêu dùng nội địa, những người dân không có điều kiện đi lại nhiều các vùng miền như chị được biết đến các sản phẩm nổi tiếng của nhiều địa phương ngay tại Thủ đô, không chỉ có chất lượng cao mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm, mức giá lại hết sức hợp lý…
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ: Chuỗi các sự kiện kết nối giao thương thể hiện tinh thần Hà Nội sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, qua đó cùng các địa phương đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước, thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Đánh giá cao vai trò "đầu tàu" của Hà Nội trong việc kết nối giao thương, cung cầu hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhận định, hoạt động này đã tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, TP gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường. Qua đó, xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt, an toàn, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Cùng với việc giúp các địa phương kết nối giao thương, mở rộng thị trường nội địa, năm 2020, TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động thực hiện hiệu quả, thiết thực nhằm “tiếp sức”, "chia lửa "với người dân cả nước, chung tay khắc phục khó khăn.
Cụ thể, ngay khi nắm được thông tin về tình hình thiệt hại của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, ngày 13/10/2020, ngay tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, Hà Nội đã tổ chức phát động “Toàn dân tham gia ủng hộ miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ” và thu được số tiền ủng hộ là 312 triệu đồng ngay tại Đại hội. Cùng ngày, TP đã trích số tiền 7 tỷ đồng để kịp thời hỗ trợ Nhân dân miền Trung khắc phục khó khăn do cơn bão số 6 gây ra. Ngày 22/10/2020, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ đợt 2 cho hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình…
Giữa lúc công tác khôi phục kinh tế trên địa bàn còn ngổn ngang, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều biến động khó lường, phát huy tinh thần “Hà Nội cùng cả nước, vì cả nước”, TP đã trích từ Quỹ “Cứu trợ phòng, chống dịch COVID-19” 1 tỷ đồng và hàng hóa trị giá 200 triệu đồng để hỗ trợ thành phố Đà Nẵng; Hỗ trợ 1 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, TP Hà Nội sẵn sàng chi viện cho TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam về nhân lực, vật lực phòng, chống dịch theo yêu cầu.
Bám sát diễn biến của mưa lũ, Thành ủy Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội phát động cuộc vận động ủng hộ nhân dân miền Trung; tạo sự lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Cùng với những cán bộ hưu trí ủng hộ một tháng lương, những cháu nhỏ gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm, những doanh nghiệp ủng hộ hàng tỷ đồng, mỗi cán bộ, công chức Thủ đô đều đã trích 1 ngày lương, thu về hơn 50 tỷ đồng để thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nhanh chóng chuyển tới miền Trung ruột thịt.
Tới nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã nhận được sự đăng ký, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng chống dịch COVID-19 là 243,076 tỷ đồng; Ủng hộ khắc phục hậu quả lũ lụt với tổng số tiền và hàng hóa trị giá trên 124,8 tỷ đồng; Huy động Quỹ Vì biển đảo được 44 tỷ đồng, Quỹ Vì người nghèo các cấp khoảng 83,1 tỷ đồng. Đây là số tiền thu được lớn nhất từ trước tới nay.
Và gần đây nhất, chiều tối 8/12, TP Hà Nội tổ chức trao hỗ trợ cho đại diện 12 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tổng số 91 tỷ đồng, gồm: Hỗ trợ các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế mỗi tỉnh 10 tỷ đồng; hỗ trợ các tỉnh Bình Định, Kon Tum, Quảng Bình mỗi tỉnh 7 tỷ đồng; hỗ trợ các tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai mỗi tỉnh 5 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Thế Hùng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: “Rất xúc động vì tình cảm của Thủ đô Hà Nội dành cho đồng bào miền Trung, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh, nhất là nhân dân bị ảnh hưởng lũ lụt vừa qua. Chúng tôi thấy trong khó khăn này cũng thể hiện được tình đoàn kết toàn dân tộc rất cao”.
Đáng chú ý, với mong muốn kịp thời san sẻ những khó khăn, mất mát với nhân dân miền Trung, những ngày cuối cùng của năm 2020, trực tiếp Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã dẫn đầu Đoàn công tác của TP Hà Nội, mang theo tình cảm nồng ấm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô tới thăm, tặng quà tại 3 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Quảng Bình. Phát biểu tại các nơi đến thăm, tặng quà, đồng chí Nguyễn Văn Phong bày tỏ: Số tiền đóng góp tuy chỉ là một phần nhỏ để góp sức giúp đồng bào miền Trung nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống nhưng đã thể hiện những tình cảm nồng ấm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô với đồng bào miền Trung. “Hà Nội xin chia sẻ những đau thương mất mát và mong muốn đóng góp một phần để giúp nhân dân miền Trung được đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 an vui, hạnh phúc” - đồng chí Nguyễn Văn Phong bày tỏ.
Ông Bùi Văn Diệu, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xúc động chia sẻ: “Gần 90 tuổi dù đã quá quen với thiên tai, bão lũ, thế nhưng trận bão hung hãn mà miền Trung vừa gánh chịu thì 70 năm qua chưa từng xảy ra. Những ngày cuối năm 2020, giữa chồng chất khó khăn, đón nhận sự hỗ trợ 40 triệu đồng kinh phí sửa chữa lại ngôi nhà và tình cảm của Nhân dân Thủ đô, gia đình chúng tôi không biết nói gì. Xin cảm ơn những tình cảm nồng ấm của người dân Hà Nội”.
Bên cạnh việc ủng hộ thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, nhiều cơ quan và địa phương còn tổ chức các đoàn công tác thăm, động viên và hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào miền Trung, Tây Nguyên như: Công an TP Hà Nội hỗ trợ 4,1 tỷ đồng; Thành đoàn Hà Nội hỗ trợ tiền và hàng hóa trị giá 2,5 tỷ đồng; Hội Nông dân TP Hà Nội hỗ trợ tiền và hàng hóa trị giá 700 triệu đồng; Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội hỗ trợ trên 11 tỷ đồng. Nhiều quận, huyện, thị xã của TP cũng đã tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà cho đồng bào miền Trung và Tây Nguyên.
Có thể nói, cách ứng xử nghĩa tình với các tỉnh, thành phố bạn trong cả nước đã thường trực trong suy nghĩ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Cách ứng xử ấy là một phần đáp lại tình cảm mà nhân dân cả nước đã dành cho Hà Nội. Mặt khác cũng là hành động thể hiện sự sẵn lòng chia sẻ khó khăn với người dân cả nước của người dân Hà Nội.
Nói về điều này, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng: “Trong giai đoạn thiên tai, bão lũ như vậy, những tình cảm của người dân Hà Nội đã dành cho người dân gặp khó thật sự là hết sức quý giá. Thay mặt lãnh đạo TP, tôi thật sự cảm ơn nhân dân và các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp đã hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam TP và sự chỉ đạo của Thành ủy. Qua đó chúng ta đã có được những việc làm ý nghĩa”.
|
|
Lãnh đạo MTTQ Việt Nam TP Hà Nội hỗ trợ đồng bào thị trấn Măng Đen, tỉnh Kon Tum bị ảnh hưởng bão lũ gây ra. |
Nhìn lại năm 2020 với bao vất vả, mất mát, mỗi người chúng ta càng thêm quý trọng hơn những ngày tháng bình yên, trân trọng hơn tình nghĩa đồng bào – vốn là một nét đẹp của mỗi người dân Việt Nam. Và nét đẹp, truyền thống “tương thân, tương ái”, nét đẹp của sự yêu thương, chia sẻ sẽ được nhân dân Thủ đô phát huy để Hà Nội cùng cả nước xây dựng cuộc sống an vui, hạnh phúc./.
Nội dung: Thu Hà – Thực hiện: Phạm Cường
Bài 1: Vững tay chèo, vượt sóng cả
Bài 2: Thành công từ sự chung sức, đồng lòng
Bài 3: Kéo dài “nhiều năm”, giải quyết “trong năm”
Bài 5: Vững tin đón vận hội mới