Bài 4: GIỮ CHÂN LAO ĐỘNG Ở LẠI HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

(ĐCSVN) - Trong giai đoạn 2016- 2021, cả nước có hơn 4 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Phụ nữ chiếm đa số trong những người nhận khoản BHXH 1 lần sau 1 năm ngừng tham gia BHXH.

Đa số người rút BHXH một lần là lao động nữ

Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có 4.058.317 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần, bình quân mỗi năm có gần 700 nghìn người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.

Theo phân tích, số lượng người lao động hưởng BHXH một lần trong giai đoạn 2016 - 2021 tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng BHXH do người sử dụng lao động quyết định (ngoài Nhà nước) với tổng số 2.899.200 người, chiếm 90,74% tổng số người hưởng BHXH một lần, sau đó là đối tượng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định với tổng số 257.002 người, chiếm 8,04% tổng số người hưởng BHXH một lần và thấp nhất là đối tượng tự nguyện với 38.856 người, chiếm 1,22% tổng số người hưởng BHXH một lần.

Điều đáng lo ngại là những người hưởng BHXH một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%); tiếp đó nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 30 tuổi đứng thứ hai (chiếm khoảng 37,1%); nhóm tuổi từ trên 40 tuổi đến đủ 50 tuổi đứng thứ 3 (chiếm khoảng 15,4%), nhóm tuổi từ trên 50 tuổi đến đủ 60 tuổi đứng thứ 4 (chiếm khoảng 5,8%), nhóm tuổi từ trên 60 tuổi đứng thứ 5 (chiếm khoảng 1,1%) và thấp nhất là nhóm từ đủ 20 tuổi trở xuống (chiếm khoảng 0,3%).

Phụ nữ chiếm đa số trong những người nhận khoản BHXH một lần sau một năm ngừng tham gia bảo hiểm (Ảnh minh họa: MD)  

Điểm đáng lo ngại nữa, phụ nữ chiếm đa số trong những người nhận khoản BHXH một lần sau một năm ngừng tham gia bảo hiểm. Trong giai đoạn 2016 - 2019, phụ nữ nhận 54,8% của tổng các chế độ này và chỉ chiếm 44,5% tổng số người mới hưởng lương hưu cùng tháng. Trong cùng thời kỳ, số tiền hưởng BHXH một lần mà nam giới nhận được sau một năm ngừng đóng bảo hiểm gấp 4,5 lần số tiền hưu trí mà họ nhận được cùng thời kỳ và ở nữ giới là 6,8 lần. Điều này phản ánh cả xu hướng việc nhận khoản BHXH một lần cao hơn của phụ nữ và khả năng tiếp cận thấp hơn của họ đối với lương hưu hàng tháng.

Chia sẻ về lý do rút BHXH một lần hồi năm 2022, chị T.M.V (Vĩnh Phúc) tâm sự: “Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến công ty nên tôi chấp nhận nghỉ việc. Do không đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày nên tôi đã bàn với chồng quyết định xin rút BHXH một lần".

Quan trọng nhất là cải thiện đời sống, thu nhập người lao động

Trợ cấp BHXH một lần có thể đáp ứng nhu cầu tài chính trước mắt của những người được bảo hiểm, nhưng lấy đi của họ sự bảo trợ khi về già.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã khẳng định “Không có một quốc gia nào mà có cơ chế rút bảo hiểm một lần dễ dàng như Việt Nam. Đồng thời chia sẻ, khi mời một chuyên gia mà được Liên hợp quốc đánh giá là người giỏi nhất trong lĩnh vực bảo hiểm sang “bày mưu tính kế” xem cách nào khắc phục điều này, ông đã nhận xét Việt Nam “hào phóng quá” trong việc cho rút bảo hiểm một lần.

Tại Kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận được nhiều chất vấn về giải pháp hạn chế rút BHXH một lần  

Về giải pháp, theo Bộ trưởng phải tính toán một cách căn cơ, tinh thần sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế quyền lợi mà đi theo hướng tăng quyền lợi. Bộ trưởng khẳng định điều quan trọng nhất là làm sao phải cải thiện được đời sống, thu nhập, bảo đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

Tại Báo cáo nghiên cứu về rút bảo hiểm xã hội một lần ở Việt Nam: Xu hướng, thách thức và kiến nghị vừa được công bố, các chuyên gia của ILO và WB cho rằng xét tính đa chiều của các vấn đề khiến người lao động thường xuyên rút BHXH một lần ở Việt Nam, có thể thấy rõ không thể giải quyết triệt để vấn đề với những biện pháp hay thay đổi chính sách đơn lẻ mà cần một gói các chính sách nhất quán và toàn diện.

Để giải quyết bài toán rút BHXH một lần, ngoài đưa chính sách trợ cấp gia đình, trẻ em vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, ILO khuyến nghị nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp. Khi không có hoặc nhận mức trợ cấp thấp, lao động buộc phải tìm nguồn thay thế và nghĩ ngay đến rút một lần.

ILO cũng khuyến nghị tăng dần thời gian chờ dài hơn 12 tháng sau khi nghỉ việc để giảm động lực rút BHXH một lần của lao động, như mỗi năm đóng bảo hiểm tăng thêm một tháng chờ. Ngoài ra, cần làm tốt hơn chính sách đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm và tín dụng giúp lao động nhanh tìm việc mới.

Theo ILO, tăng các khoản trợ cấp cùng đi dần từng bước hạn chế rút BHXH một lần sẽ không tạo ra cú sốc, khiến lao động dễ chấp nhận thay đổi chính sách hơn. "Việc này phải lấy ý kiến lao động, chủ sử dụng để đảm bảo chính sách nhận được đồng thuận của họ và xã hội đều chấp nhận", ILO nêu.

leftcenterrightdel
 

Ủng hộ bổ sung trợ cấp gia đình vào Luật BHXH (sửa đổi), GS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phân tích, phần lớn lao động thu nhập thấp chịu gánh nặng học hành của con cái và chi tiêu trước mắt. Khoản tiền trích đóng BHXH khiến hộ gia đình giảm một phần thu nhập dùng cho chi tiêu, thậm chí dẫn đến “nghèo hóa”. Trợ cấp gia đình vì vậy có thể cùng giải quyết hai bài toán: Duy trì cho trẻ em đến trường và mở rộng an sinh cho cha mẹ trong tuổi lao động. Khoản trợ cấp này nên tập trung vào nhóm hộ gia đình thu nhập thấp, công việc bấp bênh và con cái đang độ tuổi đến trường ở cấp học thấp bởi nhóm trẻ này có nguy cơ nghỉ học cao nếu gia đình khó khăn.

Với chương trình trợ cấp trực tiếp tiền mặt, cần quy định chặt chẽ kèm cam kết của người thụ hưởng để đảm bảo thực hiện mục tiêu an sinh lâu dài của Nhà nước. “Đơn cử, Brazil, Argentina hỗ trợ phụ nữ nuôi con bằng một khoản tiền mặt chuyển vào tài khoản. Khoản này được giám sát chặt chẽ và người thụ hưởng cam kết cho con đi học, nếu không thì phải hoàn trả. Hỗ trợ tiền mặt không có nghĩa là cho không mà cần đặt điều kiện để đảm bảo trẻ em được hưởng phúc lợi và an sinh lâu dài cho người lao động. Việc duy trì cho trẻ đến trường cũng là tạo nguồn lực tương lai. Lao động thực hiện đúng cam kết được đỡ dần gánh nặng chi phí nuôi dạy con một thời gian dài. Khi con cái lớn cũng là lúc họ đã tham gia hệ thống BHXH nhiều năm, đủ thời gian hưởng lương hưu sẽ cân nhắc ở lại thay vì rút BHXH một lần”- ông Long phân tích./.

Bài 1: Bảo vệ quyền thai sản của lao động nữ

Bài 2: Mở rộng "lưới" an sinh, thêm nhiều phụ nữ được hưởng trợ cấp hưu trí

Bài 3: Để lao động nữ không lao đao vì bị nợ bảo hiểm xã hội

Kim Thanh
28/09/2023 22:42