leftcenterrightdel
 

(ĐCSVN) - Chặng đường phát triển tiếp theo của BHXH tự nguyện sẽ là thử thách lớn, trong quá trình thực hiện các mục tiêu sẽ có không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Để có thể “cán đích” mục tiêu đề ra đến năm 2025, xa hơn là đến năm 2030, cần có những “đột phá”, những “cú hích” mạnh hơn nữa trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện để tăng diện bao phủ BHXH tự nguyện.

DƯ ĐỊA PHÁT TRIỂN LỚN, RÀO CẢN CŨNG KHÔNG NHỎ

Nghị quyết 28-NQ/TW luôn được xác định là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Ngành BHXH, trong đó, mở rộng phạm vi bao phủ BHXH là mục tiêu trước mắt và lâu dài để hướng tới BHXH toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người lao động.

Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề các chỉ tiêu: đến năm 2025, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

leftcenterrightdel
Dư địa cho ngành BHXH phát triển thêm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới là rất lớn 

Sau 13 năm triển khai, ước tính trong năm 2021, cả nước có hơn 1,4 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Tỷ lệ bao phủ chỉ đạt 2,94% số người trong độ tuổi lao động là nông dân và lao động khu vực phi chính thức. Số người đóng BHXH tự nguyện dù vượt chỉ tiêu năm 2021 "chiếm 1% lực lượng lao động trong độ tuổi" của Nghị quyết 28, song đây vẫn là con số rất nhỏ so với 35 triệu lao động phi chính thức hiện đang là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo quy định của pháp luật. Thêm vào đó, mức bình quân thu nhập lựa chọn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện đang có xu hướng giảm trong cả giai đoạn 2016-2020, mức bình quân thu nhập lựa chọn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện của năm 2020 đã giảm 34,66% so với mức bình quân của năm 2016.

Điều này cho thấy, dư địa cho ngành BHXH phát triển thêm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới là rất lớn. Tuy nhiên, công tác phát triển BHXH, nhất là BHXH tự nguyện hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.  

Theo các chuyên gia, có một số rào cản về chính sách khiến người lao động đắn đo khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV mới đây, bà Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Điện Biên - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên đề cập tới việc một bộ phận không nhỏ người dân không biết có chính sách này hoặc có biết nhưng lơ mơ, không hiểu quyền lợi và cách thức đóng thế nào, mua bảo hiểm xã hội tự nguyện ở đâu và họ không phân biệt được chính sách bảo hiểm xã hội của Nhà nước do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện, nó giống và khác gì so với các hoạt động bảo hiểm thương mại do các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện. Thậm chí, nhiều người còn hiểu nhầm và đánh đồng các hoạt động bảo hiểm đều là của Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia ý kiến về chính sách BHXH.

PGS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp của Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, trong những năm gần đây, số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã tăng dần, nhưng so với tổng số người lao động ở khu vực phi chính thức, thì con số này còn thấp. Nguyên nhân là do người lao động trong khu vực này chưa có đủ năng lực tài chính để tham gia BHXH. Bên cạnh đó, thời gian tham gia dài (20 đến 25 năm) và chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất nên chưa hấp dẫn người tham gia.

Những vấn đề này trước đó cũng đã được BHXH Việt Nam nhìn nhận. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, nhiều người dân chưa có thông tin đầy đủ về chính sách BHXH tự nguyện. Chính vì thế, về số tiền hưởng BHXH tự nguyện, nhiều người nghĩ là không hấp dẫn, không bằng việc gửi tiết kiệm. Trong khi với một phép tính đơn giản như: Nếu người dân đóng BHXH tự nguyện 22% trên mức 700.000 đồng của chuẩn hộ nghèo hằng tháng thì trong vòng 20 năm khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi thì nhận lương hưu mỗi tháng được 400.000 đồng lớn hơn rất nhiều số tiền đóng hằng tháng 154.000 đồng; cũng lớn hơn số tiền trợ cấp của Nhà nước 270.000 đồng/tháng cho người từ 80 tuổi. Mà số tiền này, người dân được hưởng ngay từ năm 55, 60 tuổi, không phải đợi đến 80 tuổi để nhận trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, số tiền lương hưu này cũng được điều chỉnh tăng lên theo chính sách tiền lương của Nhà nước. Chỉ một phép tính đơn giản có thể thấy chính sách BHXH tự nguyện mang lại lợi ích rất lớn cho người tham gia.

Cùng với đó, BHXH cho rằng, mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia còn thấp, đa số các địa phương chỉ hỗ trợ kinh phí theo mức quy định của Luật BHXH, chỉ một số ít địa phương hỗ trợ thêm kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, thành phố. Trong khi chế độ thụ hưởng mới có 2 chính sách là hưu trí và tử tuất nên chưa khuyến khích được người tham gia.

leftcenterrightdel
 Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng: Công tác phát triển BHXH tự nguyện cũng đối mặt với khó khăn khi chính quyền một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến chính sách BHXH tự nguyện

Ông Trần Đình Liệu chia sẻ, người dân thường so sánh, BHXH bắt buộc có 5 chế độ nhưng BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết, hưởng 5 chế độ vì người tham gia BHXH bắt buộc phải đóng tiền cho 5 chế độ, hưởng 2 chế độ vì người dân chỉ đóng tiền cho 2 chế độ. Trong khi đó, nếu đóng cả 5 chế độ thì với người lao động tự do, không có sự đóng góp cùng của doanh nghiệp sẽ là một gánh nặng lớn.

Công tác phát triển BHXH tự nguyện cũng đối mặt với khó khăn khi chính quyền một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến chính sách BHXH tự nguyện; sự phối hợp của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH chưa thường xuyên, có lúc, có nơi còn coi đây là nhiệm vụ của riêng ngành BHXH…

LINH HOẠT HƠN, TĂNG QUYỀN LỢI

Để sớm cán đích mục tiêu “BHXH toàn dân”, tạo ra “cú hích”, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28, chặng đường còn dài và đầy khó khăn. Nhiệm vụ đặt ra từ nay đến năm 2025, xa hơn là đến 2030 không hề dễ dàng, thời gian cũng không còn dài để có thể đẩy mạnh diện bao phủ. Rõ ràng đây là một nhiệm vụ đặt ra với cơ quan BHXH – cơ quan tổ chức và triển khai chính sách này và với các cơ quan quản lý Nhà nước về việc này.

Nhìn từ những rào cản, thấy rằng để có thể “cán đích” mục tiêu về phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện, cần có những “đột phá” hơn nữa trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện để tăng diện bao phủ BHXH tự nguyện.

“Chìa khóa” đầu tiên là hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để tăng tính hấp dẫn, thuận lợi hơn nữa cho người tham gia. Theo đó, để phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Luật BHXH cũng cần có những sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới nhằm thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra đồng thời khẳng định vị trí trụ cột của BHXH trong hệ thống an sinh xã hội. 

Hồi tháng 5/2021, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.  

Trao đổi rõ hơn về đề xuất này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phân tích, từ năm 2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ số tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia gồm: 30% với người nghèo, dân tộc thiểu số; 25% với người cận nghèo và 10% với đối tượng khác. Tuy nhiên, mức hỗ trợ 10% là chưa đủ hấp dẫn, khuyến khích người dân tham gia. Khác với bảo hiểm thương mại, BHXH tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội và để tăng tính hấp dẫn thì rất cần sự hỗ trợ, vai trò “bà đỡ” của Nhà nước.

leftcenterrightdel
  BHXH Việt Nam đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo.

Chính phủ cũng đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện để làm cơ sở hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện trong quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Theo các chuyên gia, ngoài đề xuất tăng mức hỗ trợ, cần sửa đổi chính sách và cải thiện công tác tổ chức thực hiện nhằm tăng sức hấp dẫn của loại hình an sinh này. Cụ thể, tạo điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm và tiến tới xuống còn 10 năm để được hưởng lương hưu và bổ sung các chế độ BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt, nhằm tăng tính hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn nữa cho người cao tuổi tham gia BHXH tự nguyện.

Trong khi đó, bên cạnh việc linh hoạt về mức đóng tối thiểu, số năm đóng tối thiểu và mức hưởng tối đa, để mở rộng bao phủ BHXH tự nguyện, PGS.TS Giang Thanh Long  - Giảng viên cao cấp của Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng bản thân người lao động đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến thu nhập. Chính vì lý do đó, cơ quan chức năng nên có chính sách hỗ trợ và những quy định linh hoạt về thời gian đóng, mức đóng để lao động phi chính thức thấy khi đóng BHXH tự nguyện rồi, họ vẫn có đủ tiền để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. “Khi Chính phủ có chính sách và cách thức tổ chức thực hiện chính sách BHXH phù hợp hơn thì số người lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức sẽ có khả năng gia tăng nhanh chóng”, PGS.TS Giang Thanh Long nhận định. 

Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần phát triển một hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, hiện đại và tích hợp theo các nguyên tắc bình đẳng, công bằng, chia sẻ và bền vững cho tất cả người lao động.

“Các định hướng chính sách bảo hiểm xã hội cần từng bước bổ sung thêm các chế độ bảo vệ trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, để thu hẹp khoảng cách về chế độ giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong quá trình sửa đổi bổ sung chính sách, tiếng nói của người lao động cần được các nhà hoạch định chính sách tôn trọng, cân nhắc và áp dụng một cách phù hợp”, ông Phạm Quang Tú lưu ý.

Theo bà Nguyễn Thu Giang, Viện trưởng Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng: “Các chính sách an sinh xã hội được xây dựng và đánh giá dựa trên 3 tiêu chí chính là: Diện bao phủ - Tính đầy đủ và Tính bền vững. BHXH là một trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Cho nên, với tỷ lệ bao phủ của BHXH còn thấp, số người tham gia BHXH tự nguyện còn ít trong khi nhóm lao động khu vực phi chính thức lại chiếm tỷ trong lớn trong cơ cấu việc làm nên việc điều chỉnh chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là các nhóm lao động tự do, việc thực thi chính sách cần tạo điều kiện và hiệu quả hơn, truyền thông cần dễ hiểu và đúng đối tượng hơn, cần có sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, các nhóm đối tượng hưởng lợi vào quá trình xây dựng và thực thi, giám sát đánh giá”.

Mới đây nhất, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan khẩn trương trình Quốc hội việc sửa đổi hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và các luật khác có liên quan.

TRUYỀN THÔNG VẪN LÀ ĐÒN BẨY

Có thể nói, chính sách BHXH tự nguyện ở nước ta đã và sẽ tiếp tục được hoàn thiện, với mục tiêu đáp ứng và phục vụ ngày càng tốt hơn người tham gia. Song rõ ràng, không chỉ thiết kế lại chính sách, tăng mức hỗ trợ, theo các chuyên gia, khâu tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện cũng cần có những đổi mới, cần nhiều “đòn bẩy” hơn nữa.

Trước hết, tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp của các sở, ban, ngành của địa phương để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình từng địa bàn để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

Tiếp đó, công tác truyền thông cần tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Bởi công tác tuyên truyền đã được tăng cường, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn nên một bộ phận người dân còn chưa nhận thức được đầy đủ về vai trò, mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH tự nguyện.

Theo đánh giá, hiện BHXH Việt Nam đang đi đúng hướng, đúng trọng tâm, đang có cách làm đúng với việc phát triển BHXH tự nguyện, trong công tác kiến nghị, sửa đổi chính sách và nhất là trong công tác truyền thông thực hiện theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH, trong đó lấy tháng 5 là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, nhằm thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp Nhân dân đối với chính sách BHXH; tuyên truyền, khuyến khích vận động nhân dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân... 

Qua 2 năm triển khai Tháng vận động cho thấy, những phương thức mới, ứng dụng công nghệ thông tin dễ dàng được người dân đón nhận, tạo được sự cộng hưởng, tác động mạnh mẽ hơn trong cộng đồng. Đây là động lực để BHXH Việt Nam tiếp tục đổi mới công tác truyền thông về BHXH, triển khai nhiều hơn nữa các hình thức truyền thông trực tuyến, theo chiến dịch thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Các đội tuyên truyền lưu động về chính sách BHXH tự nguyện

Thời gian tới, cần xây dựng các kịch bản truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng tiềm năng, để tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn của chính sách, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT thông qua nhiều kênh truyền thông đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung.

Tất nhiên, ngoài ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc này cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giúp người lao động hiểu những nội dung thiết thực, sát sườn nhất với họ khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

Một vấn đề rất quan trọng khác là nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH của cơ quan BHXH thông qua việc tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đối với tổ chức, bộ máy làm công tác thu, đại lý thu chấn chỉnh kịp thời sai phạm, nhũng nhiễu làm hạn chế kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác phát triển đối tượng…

Chặng đường phát triển tiếp theo của BHXH tự nguyện sẽ là thử thách lớn, trong quá trình thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 28 -NQ/TW sẽ có không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Để cán đích những mục tiêu đề ra đúng hạn, đòi hỏi quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đối với công tác này./.

Bài 1: "CỦA ĐỂ DÀNH" CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO

Bài 2: "BÍ QUYẾT" TỪ NHỮNG ĐIỂM SÁNG

Bài 3: CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG LÀ "CHÌA KHÓA"

Bài 4: NHỮNG NHỊP "CẦU NỐI"...

Đỗ Thoa - Kim Thanh
26/12/2021 10:47