BÀI 5: NỖ LỰC KHÔNG NGỪNG ĐỂ CÓ LUẬT ĐẤT ĐAI TỐT NHẤT
(ĐCSVN) - Nhìn tổng thể, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có nhiều điểm đổi mới phù hợp với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách pháp luật về đất đai theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó có nội dung về cơ chế xác định giá đất.
Tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật "đến phút cuối cùng"
Luật Đất đai là đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phức tạp, có tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước. Không chỉ giữ vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai mà đạo luật này còn tác động sâu sắc tới việc thực thi các chính sách, các quy định trong rất nhiều đạo luật khác.
Nhìn lại quá trình xây dựng dự án luật có thể thấy, Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các các Bộ ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trong xây dựng, hoàn thiện dự án luật.
Để phục vụ cho việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1188/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do 01 Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số địa phương là Thành viên.
Ban Chỉ đạo đã Ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ngày 19 tháng 7 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 857/QĐ-TTg kiện toàn Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ban Chỉ đạo đã họp và cho ý kiến về một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và một số vấn đề xin ý kiến.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề cương tổng kết thi hành Luật Đất đai và có văn bản gửi đề nghị các Bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện tổng kết. Quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai đã được tiến hành song song với tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu ban Chấp hành Trung ương Khoá XI. Trên cơ sở kết quả tổng kết của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ đã xây dựng Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai; lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi)…
Đặc biệt, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là minh chứng rõ nét cho quan điểm làm luật “từ sớm, từ xa” của Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội vào cuộc từ sớm, phối hợp chặt chẽ ngay từ quá trình soạn thảo để bảo đảm chất lượng cao nhất dự án Luật trình Quốc hội. Được biết, dự Luật đã được Quốc hội nghiên cứu, làm việc với các bên liên quan trước hơn 1 năm dự án được thảo luận lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu cơ quan chủ trì thẩm tra xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết từng hoạt động và tiến độ thời gian từ khâu thẩm tra cho đến khi Quốc hội biểu quyết thông qua; chỉ đạo phân công các cơ quan khác của Quốc hội thẩm tra về nội dung của dự án thuộc phạm vi lĩnh vực do cơ quan mình phụ trách.
Quá trình xây dựng dự thảo luật đất đai không thể không nhắc đến việc lấy ý kiến Nhân dân. Đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng; thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp Nhân dân.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết ngày 8/4/2023, đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tập trung chủ yếu vào các nội dung: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Việc tiếp thu ý kiến của nhân dân được thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến.
Nhìn tổng thể, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có nhiều điểm đổi mới phù hợp với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách pháp luật về đất đai theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đã cơ bản giải quyết được các tồn tại, vướng mắc hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước.
Hoàn thiện hành lang pháp lý, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai
Sau quá trình chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội bấm nút thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Trong lịch sử lập pháp của Quốc hội, có lẽ chưa dự án luật nào trải qua quy trình đặc biệt như dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Bởi lẽ, luật được trình Quốc hội tại 04 kỳ họp, 02 Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, 08 phiên họp chính thức của UBTVQH (trong đó có 01 phiên cho ý kiến về Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân) và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân. Quốc hội xem xét dự thảo Luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến ĐBQH đã được tiếp thu, giải trình, không còn ĐBQH nào phát biểu thêm. Điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả.
Đây là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước. Đồng thời đây là bài học kinh nghiệm quý về đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, quyết liệt hành động để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của Quốc hội.
Luật được thông qua gồm 16 chương và 260 điều; đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 01/01/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống
Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.
Luật được thông qua mới chỉ là kết quả bước đầu, điều cần làm là nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống.
Thông tin với báo chí sau khi luật được thông qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, thống kê sơ bộ hiện có khoảng 65 điều khoản trong Luật Đất đai (sửa đổi) giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó Chính phủ cần sớm có kế hoạch, lộ trình ban hành các nghị định để hướng dẫn thi hành các điều khoản này đảm bảo kịp tiến độ Luật có hiệu lực vào năm 2025.
Để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống, Chính phủ cần bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống. Khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, cũng chỉ 4 ngày sau khi luật được thông qua, sáng 22/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành hữu quan về kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi).
Nhấn mạnh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành là nhiệm vụ hàng đầu của kế hoạch thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi): Nghị định chung hướng dẫn các điều, khoản chung; các lĩnh vực chuyên sâu (quản lý đất lúa; thu tiền sử dụng đất; định giá đất; thu hồi, bồi thường, tái định cư; điều tra cơ bản thông tin dữ liệu đất đai…); đất đai cho hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng, công nghiệp…
Cùng với đó là đề án truyền thông chính sách, tuyên truyền phổ biến về luật, đưa các điều khoản, quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) được thực thi, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, chú trọng tập huấn, quán triệt đến những người làm công tác lãnh đạo, quản lý đất đai từ Trung ương tới các địa phương; kiện toàn, sắp xếp bộ máy, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai phục vụ công tác định giá vào năm 2025;… nhằm bảo đảm điều kiện tổ chức thi hành Luật.
Bài 1: Nghị quyết 18-NQ/TW - “kim chỉ nam” định giá đất công khai, minh bạch
Bài 2: Giá đất và những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ
Bài 3: Định giá đất làm " nóng" nghị trường
Bài 4: Gỡ “nút thắt” định giá đất, nâng cao hiệu quả quản lý đất đai