Bài 2: Lạng Sơn - “Điểm sáng” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo

Ngân hàng chính sách xã hội Lạng Sơn đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách
Thứ ba, 10/12/2024 09:43
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Thời gian qua, NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư và Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng chính sách; theo đó, nguồn vốn đã đến 100% số thôn, bản, khối phố, từ 3 chương trình cho vay ban đầu. Không chỉ góp sức vào công cuộc "xóa đói giảm nghèo", dấu ấn đậm nét là nguồn vốn chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Bài 1: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH tỉnh Lạng Sơn

Tại nhiều xã, tỷ lệ giảm nghèo nhanh không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, mà còn làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là tại các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều gia đình đã có được ngôi nhà khang trang nhờ nguồn tín dụng vay từ NHCSXH, hầu hết các hộ khó khăn trước đây, nhờ vay vốn tín dung ưu đãi cho người nghèo phát triển kinh tế, nay đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt. NHCSXH cho vay bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, giúp sửa chữa, cải tạo, xây dựng 7,9 nghìn ngôi nhà. Cũng trong 20 năm qua, vốn cho vay của NHCSXH tỉnh đã giúp gần 45 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lạng Sơn bình quân hằng năm trên 3%; tạo việc làm cho hơn 28 nghìn lao động.

Hơn nữa, là tỉnh miền núi địa hình phức tạp, nhiều khu vực rất khó khăn về nước sạch sinh hoạt, nhưng nhờ có nguồn vốn cho vay ưu đãi của NHCSXH tỉnh, trên 128 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng, trong 20 năm qua. Nhiều hộ gia đình đã có điều kiện đầu tư cải tạo được nguồn nước sinh hoạt nguồn nước sạch sử dụng, sinh hoạt bảo đảm được sức khoẻ cho người dân với hơn 128 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng. Có trên 32 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn ưu đãi với số tiền trên 341 tỷ đồng để đóng học phí, mua các thiết bị học tập. Chương trình tín dụng này đã giúp cho nhiều học sinh, sinh viên có cơ hội được đến trường nâng cao học vấn, tri thức, tạo dựng hành trang vững chắc cho tương lai, cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho xã hội. Đây là chương trình tín dụng ưu đãi có tính nhân văn sâu sắc, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học do không có tiền đóng học phí, hay thiếu các thiết bị học tập.

Từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, Lạng Sơn nói riêng. Trước những khó khăn do dịch bệnh gây nên, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã triển khai sớm và thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng  theo các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người sử dụng vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhờ vậy doanh nghiệp, hộ gia đình, người lao động đã nhận được vốn ưu đãi, kịp thời, vượt qua khó kkăn của dịch bệnh phục hồi sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ 44 doanh nghiệp và cơ sở giáo dục vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 1,8 nghìn lượt lao động; hỗ trợ 7 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay vốn để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, NHCSXH đã ký kết văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác với tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hợp đồng ủy nhiệm với tổ tiết kiệm và vay vốn làm cơ sở pháp lý để thực hiện. Hiện nay, 100% tổ chức hội cấp huyện và 746/800 tổ chức hội cấp xã nhận ủy thác với NHCSXH. Đến nay, tổng dư nợ uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đến ngày 31-7-2022 là 3.576 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ của NHCSXH.

 Cán bộ tín dụng chính sách tại hộ vay vốn Nguyễn Thị Mận (giữa ảnh) tại Khuân Pẩu, xã Điềm He, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: HNV)

Ngoài ra, hằng năm, NHCSXH tỉnh và các phòng giao dịch huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng ngoài ngành liên quan đến hoạt động NHCSXH để phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, kỹ năng quản lý nguồn vốn, kỹ năng kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động của Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ mô hình hoạt động sáng tạo riêng của NHCSXH tỉnh, trong 20 năm qua đã tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, giúp cho các đối tượng chính sách được giải ngân tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã, qua đó thực sự mang lại hiệu quả cho người nghèo, thể hiện tính ưu việt phù hợp với điều kiện của tỉnh Lạng Sơn.

Theo chân ông Nguyễn Thanh Lạng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn, đoàn chúng tôi đã tới thăm một số hộ vay vốn hiệu quả trên địa bàn, đó là hộ vay Đặng Văn Thiều, dân tộc Dao ở thôn Noóc Mò, xã Trấn Yên vay 100 triệu trồng keo tượng; hộ vay Triệu Thị Xuân, dân tộc Dao, thôn Pá Ó, xã Trấn Yên vay 40 triệu chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Tháng 7/2027 vừa qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn là 1 trong 3 phòng giao dịch cấp huyện của tỉnh được Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW. Thực tế những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn đã triển khai kịp thời các chương trình cho vay ưu đãi, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cán bộ tín dụng chính sách và cán bộ địa phương thăm mô hình vay vốn của hộ gia đình Dương Hũu Tý, Vy Thị Sơn tại Bình Thượng, xã Chiêu Vũ,  huyện Bắc Sơn,  tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: HNV)

Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Phòng giao dịch Nguyễn Thanh Lạng cho biết: Để thực hiện hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi, hằng năm, phòng giao dịch chủ động tham mưu Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, đơn vị giao chỉ tiêu cho từng cán bộ; phối hợp chặt chẽ với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tuyên truyền về các chương trình cho vay ưu đãi và định hướng để người dân sử dụng nguồn vốn phù hợp và phát huy lợi thế của địa phương. Ngoài ra, bám sát định hướng của NHCSXH tỉnh, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tập trung triển khai một số chương trình người dân có nhu cầu vay cao như: cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo. Song song, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các hộ vay, đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả. Nguồn vốn được triển khai đến 18/18 xã, thị trấn, 100% thôn, bản, khối phố ở huyện đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả.

Đến với huyện Văn Quan, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Văn Quan cho biết, là đơn vị có dư nợ các chương trình cho vay lớn thứ 4 toàn tỉnh, xác định đây là một thuận lợi và cũng là một thách thức khi với dư nợ lớn như vậy có thể tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ quá hạn, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý, kiểm soát nợ quá hạn, hiện là đơn vị có nợ quá hạn thấp nhất trong toàn chi nhánh tỉnh.

Hộ vay vốn Tuấn - Xa, xã Yên Phúc,  huyện Văn Quan,  tỉnh Lạng Sơn  dùng vốn vay tín dụng chính sách sản xuất đặc sản cao khô Lạng Sơn (Ảnh: HNV) 

Theo bà Nguyễn Thị Hà, những năm gần đây, dư nợ các chương trình cho vay tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Văn Quan không ngừng tăng trưởng, từng bước góp phần hiệu quả vào công cuộc giảm nghèo của địa phương. Hộ vay vốn Nguyễn Thị Mận và chồng là Triệu Văn Thắng tại Khuân Pẩu, xã Điềm He, huyện Văn Quan vay vốn diện hộ cận nghèo trồng hồi và tín dụng học sinh sinh viên cho con gái đang đi học hồ hởi chia sẻ với chúng tôi về hiệu quả nguồn vốn. “Nhờ có nguồn vốn mà gia đình bước đầu vượt qua khó khăn, sau đó từng bước thoát nghèo, vượt nghèo và dần dần ổn định. Đời sống gia đình cải thiện, bước đầu có của ăn của để “gì chứ gà vịt, rau củ quả trong nhà không thiếu thức gì”- chị Nguyễn Thị Mận cười tươi khoe thành quả lao động của gia đình với chúng tôi khi chúng tôi tới thăm quan mô hình tại nhà.

Cũng theo Giám đốc Phòng giao dịch Nguyễn Thị Hà, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đặc biệt chú trọng củng cố, kiện toàn các tổ TK&VV. Các tổ trung bình, yếu kém, hoạt động không đúng quy định, đơn vị sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn hoặc kiện toàn, củng cố, sắp xếp lại. Hiện nay, toàn huyện có 187 tổ TK&VV, trong đó có 100% tổ hoạt động tốt, khá. Ban quản lý tổ TK&VV thường xuyên nhắc nhở người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, đồng thời đối chiếu nợ vay của NHCSXH với người vay để phát hiện sai sót kịp thời.

Có thể khẳng định, tín dụng chính sách xã hội là hướng đi đúng đắn, là “điểm sáng” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Với mô hình quản lý vốn như hiện nay đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vào chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực