Vốn chính sách giúp Bắc Giang giảm nghèo bền vững

Thứ hai, 30/12/2024 10:36
(ĐCSVN) - Tính đến hết năm 2024, Bắc Giang đang triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách, với kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng đều đạt vượt kế hoạch về chất lượng lẫn thời gian: Tổng nguồn vốn đạt 7.816 tỷ đồng, tăng 797 tỷ đồng so với năm 2023, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 353.2 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh bình quân 1%/năm. Đến nay, Bắc Giang luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021-2023 của tỉnh giảm 1,32%/năm.

NHCSXH Bắc Giang đẩy mạnh cho vay vốn ưu đãi tại Điểm giao dịch xã (Ảnh: PV) 

Đặc biệt, tính bền vững trong công tác giảm nghèo của vùng đất trung du này cũng ngày càng tăng lên; giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ tái nghèo bình quân của Bắc Giang chiếm 0,64%, đến giai đoạn 2021-2023 giảm còn 0,39%.

Điển hình là Sơn Động (Bắc Giang), vốn là 1 trong 64 huyện nghèo nhất của cả nước, từ năm 2020 đến 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm, riêng năm 2023 giảm 5,23%, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu là 4%).

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, bà Tống Thị Hương Giang khẳng định: Cùng các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, việc quan tâm ưu tiên đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự là “đòn bẩy”, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, dựng xây cuộc sống no đủ, tươi sáng của địa phương.

Hộ vay vốn trồng na hiệu quả (Ảnh: PV) 

Việc triển khai giải quyết liệt, đồng bộ các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững, trong đó có Nghị định 78/2020/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;  Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tính dụng chính sách xã hội”, đã tạo bước chuyển động mới cho toàn bộ hoạt động của tín dụng chính sách, góp phần thiết thực đến các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Ông Hà Quốc Quân, Giám đốc kiêm Bí thư Chi bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang, cho biết: Từ khi thành lập (năm 2002) đến nay, toàn đơn vị luôn đồng tâm, nhất trí cao, tham gia thực hiện công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững của địa phương, thông qua những việc làm đồng bộ, cụ thể như: Tập trung huy động mọi nguồn lực, tổ chức chuyển tải kịp thời, an toàn các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước về tận làng xã, tạo điều kiện giúp hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc khó khăn tiếp cận thuận lợi, đầy đủ các dịch vụ của NHCSXH.

Trong quá trình hoạt động, đơn vi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tại địa phương. Nổi bật là cùng với việc phổ biến, quán triệt sâu rộng, Chỉ thị số 40-CT/TW đến các tầng lớp trong tỉnh, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Các điểm giao dịch xã đưa vốn tín dụng đến gần dân hơn (Ảnh: PV) 

Nhờ những thuận lợi trên, những người làm tín dụng chính sách ở Bắc Giang đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách do thiên tại, dịch bệnh gây ra, để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, góp phần thiết thực, hiệu quả giúp dân đẩy lùi nghèo nàn, ổn định, nâng cao cuộc sống.

Tính đến hết năm 2024, Bắc Giang đang triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách, với kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng đều đạt vượt kế hoạch về chất lượng lẫn thời gian: Tổng nguồn vốn đạt 7.816 tỷ đồng, tăng 797 tỷ đồng so với năm 2023, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 353.2 tỷ đồng, bởi sau 10 năm triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng Chỉ thị 40-CT/TW, riêng năm 2024 đạt 85,1 tỷ đồng, hoàn thành 243% kế hoạch trung ương giao.

Đặc biệt UNBD tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm bố trí đến 17,4 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đứng thứ nhất toàn quốc về nguồn vốn ngân sách ủy thác để cho vay đối với chương trình tín dụng mới này.

Cùng với đó, quy mô tín dụng đến cuối năm 2024 ở Bắc Giang cũng đạt mức kỷ lục với con số 7.763 tỷ đồng, tăng 758 tỷ đồng so với năm 2023, được xếp hạng đứng thứ 7 toàn quốc về mức tăng trưởng dư nợ. Trong đó, phòng giao dịch NHCSXH huyện Lục Ngạn có dư nợ trên 1.000 tỷ đồng, được ghi tên trong tốp 3 đơn vị ngân hàng cấp huyện dẫn đầu về dư nợ tín dụng trong hệ thống NHCSXH năm nay.

Đi đôi với mức tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng nâng cao (với tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,076%/tổng dư nợ), tổng doanh số cho vay năm 2024 của NHCSXH Bắc Giang là 2.005 tỷ đồng, với 30.536 lượt khách hàng vay vốn, bình quân 65 triệu đồng/1 khách hàng cũng vượt kế hoạch cả năm.

Thông qua 209 Điểm giao dịch tại 209 xã, phường thị trấn và hệ thống 3.114 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại thôn, bản, tổ dân phố với phương châm “giao dịch tại nhà, thu nợ tại xã”, những đồng vốn tín dụng từ NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã giúp trên 30.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 5.365 lao động; xây mới và sửa chữa 26.406 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, mua 252 căn nhà ở xã hội; giúp 118 đối tượng chính sách vay vốn để chi phí đi lao động nước ngoài theo hợp đồng; giúp cho 1.242 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; giúp 265 người chấp hành xong án phạt tù có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm….

Những con số về tỷ lệ hộ nghèo 1,73% giảm 0,9% so với năm 2023; 159/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới đã ghi dấu ấn cuôc hành trình của tín dụng chính sách trên vùng đất trung du Bắc Giang.

 Vốn chính sách giúp nhân dân vùng trung du Bắc Giang phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững (Ảnh: PV)

Nhờ có mô hình tổ chức quản lý phù hợp với mạng lưới rộng khắp nên những người làm tín dụng chính sách ở Bắc Giang chẳng quản ngại khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, đã bền bỉ, tận tâm chuyển tải tất thẩy nguồn vốn về hệ thống Điểm giao dịch xã, phân bổ tới mạng lưới Tổ TK&VV ở thôn bản, giúp hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn khôi phục, phát triển kinh tế, ổn định, nâng cao đời sống.

100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở Bắc Giang có nhu cầu, đủ điều kiện đã được tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi của NHà nước để đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Đơn cử gia đình bà Đỗ Thị Hiền, hộ cận nghèo của thôn An Hà, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động. Khởi đầu từ 50 triệu đồng vốn vay thuộc chương trình cho hộ nghèo, bà Hiền đã lựa chọn tham gia dự án trồng cây, đến nay bà có hơn 2.000 cây keo trên diện tích 1,3 ha. Cuộc sống đã bớt khó khăn, năm 2023, bà đã viết đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Tương tự, nhờ vốn vay chính sách, gia đình chị Trịnh Thị Hương ở xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, có điều kiện mở rộng nghề làm bánh đa nem tiêu thụ trong nước, xuất khẩu cả sang Nga.

Hay hộ nhà anh Hoàng Viết Hiệp, ngụ tại xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, đã sử dụng vốn vay giải quyết việc làm, đầu tư tập trung trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Còn nữa, các gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn Cẩm, xã Lương Phong, hộ ông Hà Văn Huy ở thôn Đông, xã Đoan Bái( huyện Hiệp Hòa), được vay hàng trăm triệu đồng vốn chính sách mở xưởng làm nghề mộc dân dụng, đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, thoát cảnh nghèo khó, xây được nhà mới khang trang.

Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới, góp phần thiết thực đưa tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, mạnh mẽ trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc./.

 

Đông Dư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực