Hà Nội - Thành phố vì hòa bình

Thứ hai, 21/10/2024 09:05
(ĐCSVN) - Tròn 25 năm kể từ ngày Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, đến nay, Hà Nội đã định vị thành công danh tiếng ấy, trở thành điểm đến an toàn, tin cậy của du khách, cầu nối hòa bình của các sự kiện giao hữu, giao thương quốc tế.
Hồ Gươm trái tim của Thủ đô. Ảnh: Lê Việt Khánh 

Ngày 16/7/1999, Hà Nội là Thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Điều đặc biệt, Hà Nội đạt cả bốn tiêu chí của giải thưởng gồm: Sự bình đẳng trong cộng đồng; xây dựng đô thị; giữ gìn môi trường sống; thúc đẩy phát triển văn hóa - giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ.

Danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Danh hiệu này cũng góp phần nâng cao vị trí, uy tín của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ở khu vực và trên trường quốc tế, góp phần quảng bá, giới thiệu về Hà Nội với thế giới, qua đó tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế với các nước về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, dịch vụ…

Khẳng định vị thế Thành phố Vì hòa bình

Hơn hai thập kỷ chưa phải là khoảng thời gian dài, song là khoảng thời gian quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Hà Nội. Thủ đô Hà Nội đã phát huy tốt những tiêu chí và sức ảnh hưởng của danh hiệu "Thành phố vì hòa bình".

Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước mà còn là trung tâm giao lưu quốc tế. Lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng hằng năm. Số người nước ngoài sống và làm việc tại Hà Nội cũng tăng đáng kể. Việc quảng bá hình ảnh "Thành phố vì hòa bình" qua các hoạt động đối ngoại Nhân dân luôn được thành phố chú trọng và phát huy.

Với việc được chọn tổ chức nhiều sự kiện tầm cỡ thế giới và châu lục, làm cầu nối hòa bình thế giới như: Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEM 5, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132, Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên… đã chứng minh Hà Nội có uy tín lớn trong cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực cho an ninh khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng dần định hình trở thành thành phố tâm điểm của các đô thị châu Á và khu vực. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, hàng loạt công trình tiêu biểu như: Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đường Vành đai 3 và Vành đai 3 trên cao, đường Vành đai 2, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông… đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Từ khi đón nhận danh hiệu cao quý này, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án về văn hóa, giáo dục truyền thống, bảo vệ môi trường... Thành phố cải tạo, chỉnh trang khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, công trình mang ý nghĩa tôn vinh văn hóa dân tộc, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt Nam và chính thức chọn hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của Thủ đô. Truyền thống văn hiến lịch sử lâu đời được kế thừa trong sự vươn lên của thành phố.

Đồng thời Hà Nội đã thông qua nhiều chương trình, kế hoạch, nhất là Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Chương trình số 08-CTr/TU về Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô…, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở tất cả các mặt: Môi trường, giáo dục, văn hóa.

Du khách quốc tế tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Phạm Hùng 

Từ “Thành phố vì hòa bình” đến “Thành phố sáng tạo”

Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình là thương hiệu, là giá trị của một đô thị đang phát triển từng ngày. Và sau 20 năm đạt danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Điều này là sự khẳng định cho những thành tựu mà Hà Nội đạt được trong việc giữ gìn, phát triển các tiêu chí của Thành phố Vì hòa bình.

Trong bài phát biểu tại tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo”, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, việc trở thành một thành viên trong mạng lưới thành phố sáng tạo là sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội.

Hà Nội đang đứng trước cơ hội lớn trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa; thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư; kích thích tái tạo đô thị; phát triển các chương trình giáo dục và sự kiện văn hóa gắn với tầm nhìn phát triển bền vững.

Sau 5 năm kể từ khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã bước đầu biến văn hóa thành trụ cột trong kế hoạch phát triển cấp địa phương và hợp tác tích cực ở cấp quốc tế, tổ chức nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa các cam kết với UNESCO.

Nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch đã được thành phố ban hành nhằm xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” như Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…

Thành phố đã thúc đẩy phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, tạo ra bản sắc, sự hấp dẫn cho đô thị, truyền cảm hứng sáng tạo cho cộng đồng và tái sinh đô thị. Hiện nay, Hà Nội có khoảng 60 không gian sáng tạo, trong đó có 7 không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa - nghệ thuật, đẩy mạnh các không gian văn hóa sáng tạo tại các tuyến phố đi bộ, không gian bích họa Phùng Hưng, không gian Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội, không gian đi bộ xung quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

Cùng với đó, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là một trong những sáng kiến Hà Nội cam kết thực hiện khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, được đánh giá là ví dụ điển hình cho thấy những bước thành công của thành phố trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam.

Hà Nội đang không ngừng phát triển hiện đại, văn minh. Ảnh: Phạm Hùng   

Từ “Thành phố vì hòa bình” đến “Thành phố sáng tạo” không chỉ đơn thuần là có thêm danh hiệu để tự hào mà còn là động lực để Thủ đô quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến sự bền vững, phát huy sức sáng tạo của một thành phố giàu sức trẻ, với những con người đã chọn đến, yêu, ở lại và cống hiến cùng mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Danh hiệu này là sự tiếp nối với truyền thống, được xây dựng dựa trên di sản và các nguồn lực của một Thủ đô văn hóa, Thành phố Vì hòa bình và phát huy nguồn năng lượng sáng tạo của giới trẻ Thủ đô hôm nay. Tất cả tạo nên nền tảng vững chắc để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững trong tương lai”

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực