Tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam, đóng vai trò vừa là cầu nối, vừa là phương tiện lan tỏa các giá trị văn hóa; là công cụ quan trọng hàng đầu giúp giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp vào việc củng cố nền độc lập của Tổ quốc, đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Đối với cộng đồng hơn 6 triệu người sinh sống, làm việc ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng, giúp bà con khẳng định bản thân và tự tin hội nhập với thế giới. Tiếng Việt cũng là cầu nối đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với Tổ quốc.
Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tiếng Việt đang đối mặt với nguy cơ bị mai một vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Quá trình hội nhập của người Việt Nam ở nước ngoài và xu thế toàn cầu hóa, sự giao thoa với văn hóa sở tại làm ảnh hưởng đến việc sử dụng tiếng Việt. Bên cạnh đó, các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài chưa có ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của ngôn ngữ dân tộc. Hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng còn nhiều khó khăn… Do đó, việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn, giá trị khoa học và nhân văn sâu sắc.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu về dự Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024. (Ảnh: UBNNVNVNONN) |
Tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN
Xuất phát từ thực tế này, lần đầu tiên chủ trương “Nghiên cứu lựa chọn Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt” được nêu thành nhiệm vụ cụ thể trong Kết luận 12/KL-TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Việc tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng góp phần cụ thể hóa chủ trương “Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng), đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của bà con.
Chính vì vậy, ngày 03/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 930/TTg về việc phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030”.
Ngày 02/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2023 và ngày 24/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024.
Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đối với tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng. Bên cạnh đó, động viên, khuyến khích và tôn vinh các cá nhân, tổ chức, hội đoàn đã có đóng góp tích cực trong việc gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN; duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình NVNONN trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày của gia đình; lan tỏa tiếng Việt đến người nước ngoài. Tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng; thúc đẩy chính quyền sở tại và các thiết chế giáo dục đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở các địa bàn có đông người Việt Nam; hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu đang có khoa hay bộ môn giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt phát triển mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, giảng dạy và truyền bá tiếng Việt. Thúc đẩy việc đưa tiếng Việt thành ngoại ngữ chính thức bên cạnh các ngoại ngữ khác ở các địa bàn đang có nhiều thuận lợi.
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng chia sẻ với các em nhỏ về Tủ sách tiếng Việt tại Pháp. (Ảnh: UBNNVNVNONN) |
Triển khai liên tục các hoạt động hướng tới Ngày Tôn vinh tiếng Việt
Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” được triển khai trong giai đoạn 2023 - 2030, đồng thời với Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30/11/2021.
Theo đó, các hoạt động hướng tới Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ được triển khai trong cả năm và có thể tổ chức lồng ghép vào các dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước.
Đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp như: Hằng năm, tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt (08/9) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng NVNONN về tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng, tổng hợp, đánh giá về tình hình, nhu cầu sử dụng tiếng Việt, khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam.
Cụ thể, tổ chức Hội nghị kỷ niệm Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm, hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với các điểm cầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức giáo dục trong nước, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Hội khuyến học, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
Định kỳ tổ chức cuộc thi tìm kiếm và phong tặng danh hiệu “Đại sứ tiếng Việt ở nước ngoài” thông qua các hoạt động vì cộng đồng, được cộng đồng thừa nhận, có sức ảnh hưởng như: Tổ chức hệ thống giáo trình dạy tiếng Việt có uy tín, được nhiều kiều bào tin dùng; có sáng kiến xây dựng tủ sách/hệ thống tư liệu học tiếng Việt cho các em thiếu nhi NVNONN; có dự án - mô hình lớp học tiếng Việt hỗ trợ miễn phí cho thanh thiếu niên kiều bào; các cuộc thi liên quan đến tiếng Việt (sáng tác thơ, bài hát, hùng biện, kể chuyện...)... Đại sứ tiếng Việt ở nước ngoài có nhiệm vụ lên kế hoạch bài bản, hệ thống thực hiện quảng bá tiếng Việt thông qua các hoạt động công chúng, truyền thông, báo chí, nghệ thuật... hướng đến cộng đồng.
Tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tiếng Việt thân thương” tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài, có sự tham gia của cộng đồng NVNONN, biểu diễn nghệ thuật ở trong nước và tại các nước có đông cộng đồng người Việt Nam; kết hợp cùng các nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài thực hiện những sản phẩm nghệ thuật quảng bá tiếng Việt trong cộng đồng.
Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với chính quyền và các đại sứ quán ở nước sở tại tổ chức các hoạt động quảng bá ngôn ngữ các nước, lồng ghép Chương trình Ngày Tôn vinh tiếng Việt với các hoạt động đối ngoại tại địa bàn.
Tổ chức các buổi tọa đàm tìm kiếm mô hình dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN (đặc biệt là các mô hình giảng dạy, giao lưu trực tuyến với sự tham gia của các giáo viên, sinh viên, thanh niên và thân nhân kiều bào trong nước cũng như các hoạt động ngoại khóa tiếng Việt, trại hè cho con em kiều bào).
|
Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Nguyễn Mạnh Đông trao danh hiệu "Sứ giả tiếng Việt" trong Cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2024” cho các thí sinh xuất sắc. (Ảnh: UBNNVNVNONN) |
Lan tỏa các giá trị cao đẹp của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc trong cộng đồng NVNONN
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng, qua hai năm thực hiện, Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự hưởng ứng của kiều bào.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nỗ lực triển khai các hoạt động: Tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt ở Việt Nam và sở tại cho giáo viên kiều bào; xây dựng Tủ sách tiếng Việt và cung cấp sách phục vụ cộng đồng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Áo, Pháp, Séc, Hungary, Slovakia, Bỉ, Qatar…; xây dựng website dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Chương trình “Chào Tiếng Việt” và “Dấu ấn Việt Nam” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4)…
Đặc biệt, chuỗi hoạt động "Ngày Tôn vinh tiếng Việt 08/9" và cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”, sau hai năm tổ chức, đã lựa chọn và vinh danh 10 sứ giả tiếng Việt ở các địa bàn, độ tuổi khác nhau. Trong đó, sứ giả nhỏ tuổi nhất 8 tuổi (Nhật Bản) và có sứ giả là người Lào.
Có thể thấy, với chủ trương đúng đắn của Nhà nước, nếu có sự đồng lòng, chung tay của xã hội và đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ không chỉ tạo sân chơi, môi trường giao lưu cho kiều bào, mà còn khích lệ lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc thông qua việc kết nối mạng lưới hội đoàn kiều bào, lan tỏa các giá trị cao đẹp của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài./.