Venezuela muốn học hỏi kinh nghiệm về công cuộc Đổi mới của Việt Nam

Thứ tư, 10/11/2021 11:34
(ĐCSVN) – Hiện nay, tại Việt Nam khu vực kinh tế tư nhân tạo ra khoảng 40% GDP, đóng góp 30% vào nguồn thu của nhà nước và có lực lượng gần 55 triệu người (chiếm 85% lực lượng lao động của đất nước), trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, đồng thời là khu vực có thu nhập cao nhất so với các khu vực kinh tế khác.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm tại đầu cầu Venezuela (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Venezuela) 

Đó là một trong những nội dung được PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Venezuela nhấn mạnh tại tọa đàm với chủ đề “Kết quả và kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình Đổi mới” do Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela tổ chức ngày 8/11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Venezuela Nguyễn Viết Thảo nêu bật những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được sau 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, mang lại cho Việt Nam một diện mạo mới có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn.

Với đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng sự tham gia sôi nổi, tích cực của các thành phần kinh tế và các tầng lớp xã hội, Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng và dần cải thiện hoạt động sản xuất, đặc biệt hướng đến phát triển nông nghiệp.

Từ một nước bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây, cấm vận, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một quốc gia có quy mô nền kinh tế khoảng 343 tỷ USD (đứng thứ 4 trong ASEAN), thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.521 USD (đứng thứ 6 ASEAN).

Bên cạnh đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 190 quốc gia trên thế giới, là điểm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với gần 400 tỷ USD từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 42 trong số 131 quốc gia về chỉ số đổi mới.

Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Venezuela Nguyễn Viết Thảo cho biết, hiện nay khu vực kinh tế tư nhân tạo ra khoảng 40% GDP, đóng góp 30% vào nguồn thu của nhà nước và có lực lượng gần 55 triệu người (chiếm 85% lực lượng lao động của đất nước), trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, đồng thời là khu vực có thu nhập cao nhất so với các khu vực kinh tế khác.

Bên cạnh đó, Việt Nam có hơn 300 khu công nghiệp tập trung gần 70 nghìn doanh nghiệp nước ngoài. Các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài đã mang lại cho Việt Nam không chỉ nguồn lực tài chính to lớn, mà còn cả công nghệ hiện đại, trình độ quản lý kinh tế, kinh doanh tiên tiến và quan trọng là những kênh lưu thông cần thiết để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng thương mại toàn cầu.

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Venezuela tham dự Tọa đàm tại đầu cầu Hà Nội (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Venezuela 

Chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình Đổi mới, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Venezuela Nguyễn Viết Thảo cho biết, để đạt được những thành tựu to lớn, Chính phủ Việt Nam đã phải từng bước hoàn thiện môi trường thể chế, luật pháp, thủ tục hành chính thông qua việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các luật gồm Luật Kinh doanh, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Quản lý giá, Luật Hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ, Luật Cải cách Hành chính, Luật Lao động, Luật Đất đai...

Tại Đại hội lần thứ XIII năm 2021, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra nghị quyết về định hướng phát triển kinh tế đất nước, chỉ rõ “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam tiếp tục có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể - hợp tác xã phát triển không ngừng; kinh tế tư nhân trở thành đầu tàu quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”.

Chủ tịch Phòng Thương mại Venezuela – Việt Nam Oswaldo Hernandez bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những thành tựu mà Việt Nam đạt được sau 35 năm và mong muốn tổ chức đoàn sang Việt Nam để học hỏi thêm kinh nghiệm quý báu về công cuộc Đổi mới thành công của Việt Nam./.

MT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực