Có hồi sinh được những di sản kiến trúc đã bị bỏ quên?

Thứ ba, 14/11/2023 11:42
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Chỉ còn ít ngày nữa Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 sẽ diễn ra, khi đó các công trình di sản kiến trúc, lịch sử của Hà Nội vốn bị bỏ quên bấy lâu nay như tháp nước Hàng Đậu, cầu Long Biên, nhà máy xe lửa Gia Lâm, ga Hà Nội, ga Long Biên... sẽ biến thành các không gian nghệ thuật đặc sắc. Nhưng sau lễ hội thì sao? Liệu những công trình này có được hồi sinh? hay lại bị bỏ quên như cũ và chết dần?
 Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố Hà Nội (Ảnh:TT)

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 có chủ đề "Dòng chảy", tuyến trải nghiệm chính của mùa lễ hội được thiết kế vắt ngang qua dòng sông Hồng lịch sử, nhằm "đánh thức" các di sản công nghiệp và kết nối cộng đồng thông qua hơn 60 hoạt động thiết kế sáng tạo hiện diện tại các khu vực: Vườn hoa Vạn Xuân và tháp nước Hàng Đậu; ga Long Biên; cầu Long Biên; ga Gia Lâm và nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Như vậy có nghĩa là trong những ngày diễn ra Lễ hội (từ 17 - 26/11) các công trình di tích, di sản vốn vẫn bị “bỏ quên” bấy lâu nay sẽ được biến hóa trở thành những điểm tham quan, trải nghiệm giá trị, khơi dậy những tiềm năng sẵn có của các công trình di tích lịch sử này.

Chia sẻ với báo chí về những trăn trở xung quanh việc đánh thức những công trình, di tích như tháp nước Hàng Đậu; ga Long Biên; cầu Long Biên; ga Gia Lâm trở thành những điểm tham quan nghệ thuật đầy hấp dẫn, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội, Bộ VHTTDL và Chính phủ cũng đã nhìn ra những tiềm năng sẵn có của các công trình này từ lâu. Nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn năm 2065 được Thủ tướng phê duyệt tháng 6/2023 đã xác định sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm và phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Việc khai thác và kết nối các công trình kiến trúc, di tích di sản này đều đã được đề cập đến tuy nhiên để bắt tay vào triển khai thực hiện được lại không phải là chuyện dễ.

Ảnh phối cảnh Tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: BTC 

Trước hết bởi liên quan đến những quy định về sử dụng tài sản công, về cơ quan quản lý các "di sản" này. Nhà máy xe lửa Gia Lâm hay tháp nước Hàng Đậu được các chuyên gia, những người yêu Hà Nội coi là những di sản công nghiệp quý giá cần được phát huy. Nhưng luật chưa có nội dung quy định về di sản công nghiệp. Nên những công trình này hiện là tài sản của các công ty chứ chưa được xếp hạng di tích.

Tháp nước Hàng Đậu hiện thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, mà trực tiếp là Tổng Công ty Nước sạch Hà Nội quản lý. Tất nhiên Công ty quản lý công trình này như một công trình đã không còn công năng sử dụng, đóng cửa để đó. Duy nhất có 1 lần tháp nước Hàng Đậu trở thành một không gian nghệ thuật khi được thắp sáng bằng công nghệ chiếu sáng của Hà Lan vào tháng 4/2016.

Tại lễ hội năm nay, để có thể biến tháp nước Hàng Đậu thành một không gian nghệ thuật, với một triển lãm sắp đặt âm thanh và ánh sáng kể câu chuyện về nước, một hoạt động quan trọng trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã phải gửi công văn tới Sở Xây dựng Hà Nội để sở này chỉ đạo Tổng Công ty Nước sạch Hà Nội phối hợp thực hiện.

Tương tự, Nhà máy xe lửa Gia Lâm hiện là một cơ sở sản xuất, thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Tổng Công ty này đã có sự hợp tác chặt chẽ để biến không gian nhà máy đang giảm dần hoạt động này thành một tổ hợp sáng tạo gồm nhiều không gian kiến trúc, các phòng trưng bày triển lãm tranh, ảnh, triển lãm về lịch sử ngành đường sắt Việt Nam…

Điều đáng buồn là sau lễ hội, chúng sẽ trở lại với chức năng đã được pháp luật quy định: là các tài sản công của các tổng công ty, các công trình còn hoạt động cầm chừng như Nhà máy xe lửa Gia Lâm hoặc chỉ là phế tích như tháp nước Hàng Đậu.

Chính vì vậy muốn khai thác, phát huy tốt nhất các di tích này cần phải có cơ chế chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn trong việc quản lý, sở hữu những công trình này để mỗi khi muốn đưa các công trình di tích này hoạt động phục vụ du khách được thuận tiện và chủ động hơn. Cụ thể là chúng ta phải vận động sửa các luật, nghị định, thông tư liên quan để Thành phố Hà Nội khai thác tốt hơn các không gian này.

Ông Hồng cũng cho biết quận Ba Đình đã có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị được giao quản lý tháp nước Hàng Đậu thay cho Tổng Công ty Nước sạch Hà Nội.

Ngoài ra, HĐND Thành phố Hà Nội đã có Nghị quyết di dời hai nhà máy là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy bia Hà Nội. Những không gian này sau di dời không nhất thiết phải biến thành công viên, vườn hoa, trường học… mà có thể tận dụng những công trình kiến trúc ở đây để tái tạo chúng thành những không gian sáng tạo hấp dẫn. Tuy nhiên, việc khai thác, quản lý thế nào, cơ quan nào đứng ra làm hay sử dụng mô hình hợp tác công tư… thì sẽ còn phải tính toán và đây cũng là bài toán nan giải nhất./.

TT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực