|
Bất chấp những cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm COVID-19, nhiều người vẫn đổ về bãi đá sông Hồng vào ngày 23/5. (Nguồn: tuoitre.vn) |
Từ khi có dịch bệnh COVID-19 đến giờ, chưa có khi nào số ca dương tính lại tăng nhanh, tăng vọt như những ngày qua, có ngày đến 447 ca, mang đến cho chúng ta biết bao nhiêu âu lo. Thông tin truy vết F1, F2, về cách ly tòa nhà này, khu phố kia tràn ngập trên các trang báo. Có thể nói COVID-19 đang mang đến cho chúng ta những thử thách khắc nghiệt, nhìn sang Ấn Độ, một quốc gia không xa, thấy sự tàn phá khủng khiếp của nó, khiến con người trong nhiều trường hợp phải thúc thủ vì bất lực.
Việt Nam hiện nay cần gì để vượt qua đại dịch mang tính toàn cầu ? Nhiều thứ lắm, đó là vắc xin, là khẩu trang, máy thở, là cơ sở đủ điều kiện cách ly… nhưng có một thứ rất quan trọng, đó chính là đạo đức. Có người nói “Hãy làm sao để lòng tốt trở nên thừa”, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta cần lòng tốt, cần những chuẩn mực đạo đức như cần ô xy, cần vắc xin vậy.
Tại sao lại phải nói tới đạo đức lúc này, bởi lẽ nếu không đề cao đạo đức thì dịch bệnh lây lan, thì bệnh nhân đã khổ vì dịch bệnh lại khổ thêm vì sự kỳ thị, vì những lời nói, hành động tàn nhẫn của đám đông.
Đạo đức ở đây không phải những giáo điều cao siêu, mà là những điều giản dị và cụ thể. Đó chỉ là khai báo y tế trung thực và tôn trọng quy định phòng, chống dịch. Bài học vợ chồng ông giám đốc doanh nghiệp ở Hà Nội đi Đà Nẵng về không khai báo đầy đủ, đi giao lưu tung tẩy khắp nơi, vô tình kéo theo rất nhiều người phải cách ly, rất nhiều F1 trở thành F0, cho thấy thiếu đạo đức có thể gây tác hại lớn đến thế nào.
Thiếu đạo đức có thể khiến nhiều người vì tiền, bất chấp dịch bệnh, đưa người nước ngoài xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Họ chỉ được món tiền nhỏ nhưng hậu quả của hành vi thì khôn lường, khó có thể đong đếm.
Thiếu đạo đức có thể khiến người ta trốn tránh cách ly, mặc cho nguy cơ có thể làm lây lan dịch cho người mình tiếp xúc, cho cộng đồng xã hội.
Làm nghề nào cũng cần giữ đạo đức, bảo đảm các tiêu chuẩn được cộng đồng tôn trọng nên người bán hàng phải bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý; người bán hàng ăn phải tuân thủ quy định về khoảng cách của thực khách, về vệ sinh an toàn thực phẩm; người bán dược phẩm phải bảo đảm bán đúng thuốc, đúng giá, không lợi dụng mùa dịch để bắt chẹt người tiêu dùng; người đi đường phải biết tuân thủ quy định về đeo khẩu trang và hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết…
Những chuẩn mực đạo đức không khó thực hiện như đã nêu có thể cứu chúng ta thoát khỏi bệnh tật và chết chóc.
Người không may dương tính là điều không mong muốn, đừng kỳ thị, xúc phạm, rủa xả họ. Nếu họ sai thì pháp luật sẽ giải quyết đúng quy định, đạo đức nhắc chúng ta thương yêu, giúp đỡ người bệnh. Một thái độ thân thiện, một cái nhìn thông cảm cũng khiến người bệnh có thêm năng lượng tích cực để chống đỡ với con vi rút siêu nhỏ nhưng lây lan kinh hoàng và có thể cướp đi sinh mạng con người.
Người tham gia mạng xã hội cũng cần tuân thủ các chuẩn mực đạo đức, đừng đưa những tin tức, hình ảnh sai sự thật, gây thêm lo âu, hoang mang cho người khác; đừng vội vã, bình luận, chia sẻ những thông tin bất lợi cho cộng đồng.
Chỉ những điều đơn giản, nhỏ bé như vậy thôi, nhưng có đủ hàm lượng đạo đức thì đó sẽ là loại vắc xin đặc biệt, là loại kháng sinh mạnh giúp chúng chữa lành thế giới này, vượt qua được đại dịch một cách an toàn.
Hãy sống có đạo đức, chúng ta nhắc nhau như thế!