Hãy làm tròn trách nhiệm!

Thứ sáu, 31/05/2024 16:13
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Phàm cứ tắc trách, làm việc thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng con người… đều phải đánh đổi bằng một giá nào đó. Nhưng sự sống của một con người, một đứa trẻ, là không có giá.

Dư luận bàng hoàng, quặn lòng xót thương cháu bé đang theo học tại trường mầm non Hồng Nhung 2 (xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình), bị bỏ quên trên ô tô đưa đón đến trường dẫn đến tử vong.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình đã khởi tố vụ án. 

Hồ sơ vụ án xác định: Khoảng 06h20 ngày 29/5, anh N.V.L. (59 tuổi), trú tại phường Quang Trung, thành phố Thái Bình điều khiển ô tô 29 chỗ cùng một giáo viên trường đón cháu H (5 tuổi) và 9 bạn khác đi học. Khi đến trường, anh L. mở cửa ô tô cho giáo viên và các cháu học sinh tự đi vào lớp. Sau đó, điều khiển ô tô đỗ ở cổng trường rồi ra về.

Khi vào lớp, giáo viên lớp có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu H. nhưng không thông báo cho gia đình. Đến khoảng 17h00 cùng ngày, cậu ruột của cháu đến đón và phát hiện sự việc nhưng đã quá muộn.

Cơ quan chức năng phong tỏa và khám nghiệm hiện trường để điều tra (Ảnh: cand.com.vn)

Dư luận chưa quên các vụ việc tương tự xảy ra ở Hà Nội, Bắc Ninh. May mắn thì các cháu tự cứu mình (chợt giật mình tỉnh giấc ngủ cố, ngủ rốn trên xe, đập cửa kêu cứu…), còn không thì với độ kín của phương tiện đưa đón, điều kiện tương đối khắc nghiệt của thời tiết miền Bắc... cơ hội sống của các cháu rất mong manh.

Chính thực tế này đã có tác động nhất định đến sự ra đời, hoàn thiện và bổ sung các quy định pháp luật liên quan tới công tác đảm bảo an toàn khi vận tải hành khách bằng ô tô.

Điểm a Khoản 2 Điều 11 Chương II Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có đoạn nêu: "Đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án kiểm soát để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe khi đã kết thúc hành trình (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách)".

Yêu cầu này được chỉ rõ hơn tại Điểm b Khoản 6 Điều 4 Chương II Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Theo đó, người lái xe phải thực hiện các nhiệm vụ: phải sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe của mình để đăng xuất thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe; sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).

Cụm từ "trẻ em mầm non" được nhắc đến 7 lần tại dự thảo Luật Đường bộ đang trình Quốc hội thông qua, trong đó hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng ô tô được định nghĩa "là hoạt động sử dụng ô tô để đưa đón trẻ em mầm non, học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập hoặc tham gia các hoạt động khác".

Trường hợp cơ sở giáo dục hoặc đơn vị kinh doanh vận tải tự tổ chức hoạt động đưa đón trẻ em mầm non và học sinh, phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng ô tô phải tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chi tiết hơn, với dự án Luật trật tự, an toàn giao thông do Bộ Công an biên soạn, Điều 46 có đoạn quy định khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non, phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho các em trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe.

Dự luật cũng nêu rõ không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe. Lái xe ô tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

Cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.

Chương trình hành động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em của lực lượng Công an Nhân dân giai đoạn 2021 - 2030 cũng nêu rõ mục tiêu tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động của mỗi cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Công an Nhân dân chung tay góp sức với toàn xã hội phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu tai nạn, thương tích trẻ em như tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn rơi, ngã, cháy, bỏng; động vật cắn và trẻ em tự tử.

Luật Trẻ em năm 2016 (Luật số: 102/2016/QH13, ngày 05 tháng 4 năm 2016) nêu rõ trẻ em có 23 quyền thuộc 4 nhóm quyền: được sống còn, được phát triển, được bảo vệ và được tham gia. Riêng Điều 12 Mục 1 Chương II Luật này nhấn mạnh trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.

Bấy nhiêu chương trình/dự án/khóa tập huấn, từng đó quyết tâm của Bộ/ban/ngành đoàn thể, biết bao cảnh báo và không ít thành tích... song dường như vẫn chưa đủ. Bi kịch vẫn xảy ra. Giữa bao bộn bề vất vả mưu sinh, thăng trầm của cuộc sống, thực sự lằn ranh sự sống và cái chết quá mong manh.

Trong hầu hết lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, chúng ta đều thấy rằng dù công nghệ quản lý, quy trình quy định có đúng có chuẩn khoa học tới nào đi chăng nữa thì con người, nhân lực vẫn đóng vai trò quan trọng và quyết định tới kết quả của công việc. Đó là tố chất, tư duy, năng lực tiếp nhận thông tin, kỹ năng xử lý tình huống và kinh nghiệm, và hơn tất thảy là tinh thần trách nhiệm với vị trí, công việc, nhiệm vụ được giao. Bộ máy chắc chắn sẽ vận hành trơn tru nếu mỗi mắt xích, bánh răng, băng tải… làm tròn trách nhiệm của mình.


Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực