Thận trọng trước diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng

Thứ tư, 21/06/2023 17:16
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trước diễn biến số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh tại một số tỉnh phía Nam trong những tuần gần đây cùng với sự xuất hiện trở lại của Enterovirus 71 genotype B5, các chuyên gia dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh nặng và có thể dẫn tử vong, nếu không tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch và điều trị hiệu quả.

Theo báo cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 9.028 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 4 ca tử vong với chẩn đoán tay chân miệng độ 4, đều dương tính với Enterovirus 71 (EV71).

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, những năm trước đó chỉ có khoảng 10-20% trẻ mắc bệnh tay chân miệng từ các tỉnh điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nhưng hiện số trẻ ở các tỉnh mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị nội trú là 40-50% trẻ nhập viện.

 Nguồn: suckhoedoisong.vn

Thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cho thấy số mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ em bắt đầu tăng cao điểm từ tháng 5 đến nay. Từ đầu năm đến nay ghi nhận gần 3.000 ca mắc tay chân miệng đến khám và điều trị. Riêng trong tháng 5 tăng cao, lên 409 ca (tăng 140%) so với tháng trước đó, hai tuần đầu tháng 6 là 390 ca.

Tại các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh… số ca bệnh tay chân miệng ở trẻ em cũng đang gia tăng đáng báo động. Tại An Giang ghi nhận 485 ca mắc, tăng so với cùng kỳ 2022, dự báo trong thời gian tới số ca mắc có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong các tháng 7, 8, 9, đặc biệt thời gian học sinh trở lại trường vào năm học mới.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay ghi nhận 750 ca tay chân miệng, tăng 25% so với cùng kỳ 2022, trong đó trên 60% là trẻ em dưới 3 tuổi. Phân loại các ca bệnh nặng cho thấy có 244 ca mức độ 2, ca nặng 2b có 4 ca và 5 ca độ 3, 4.

Trước thực tế số ca mắc tăng cao trong giai đoạn hiện nay, Bác sĩ Ông Huy Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết hiện nay thuốc Immunoglobulin điều trị bệnh tay chân miệng nặng còn không nhiều. Bệnh viện đang tìm nhà cung cấp thuốc, nếu trong tuần này dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp và tìm chưa ra nhà cung cấp sẽ gặp khó khăn về nguồn thuốc điều trị.

Nhằm chủ động nguồn lực sẵn sàng cho hệ thống điều trị đáp ứng tình huống số ca mắc tăng cao, tại TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn Thành phố theo ba kịch bản ứng phó cụ thể với các trường hợp nặng (từ độ 2a trở lên, ước tính chiếm khoảng 10% ca bệnh nội trú).

Bên cạnh việc khuyến cáo các đơn vị khẩn trương dự trù thuốc và dịch truyền, trang thiết bị - vật tư y tế cho các kế hoạch ứng phó, hiện Sở Y tế Thành phố cũng đã có công văn đề nghị Cục Quản lý Dược hỗ trợ tìm thêm nhà cung ứng thuốc đặc trị, kiến nghị Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm sinh phẩm y tế liên quan cần thiết cho điều trị tay chân miệng để kịp thời cho lưu hành thuốc nhập, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh trong tình hình dịch bệnh diễn tiến nhanh hiện nay.

Ngoài công tác điều trị tích cực cho người bệnh, 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trên địa bàn Thành phố còn được giao nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn điều trị tay chân miệng cho bệnh viện tuyến dưới và các tỉnh trong khu vực, không để xảy ra các trường hợp chuyển bệnh nhân không an toàn từ tuyến tỉnh về thành phố.

Cùng với đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu 3 bệnh viện nhi đồng của thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp tục phối hợp với OUCRU giải trình tự gene xác định các genotype gây bệnh nặng của EV71 từ các bệnh phẩm của các bệnh nhân tay chân miệng.

 Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ để phòng chống bệnh tay chân miệng (ảnh: Dương Ngọc) 

Được biết, bệnh tay chân miệng  là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người và có thể bùng phát thành dịch rất nguy hiểm. Bệnh gây ra do virus đường ruột, hai tác nhân thường gặp là coxsakievirus và Enterovirus (EV71).

Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu qua đường tiêu hoá từ nước bọt, phân hoặc qua phỏng nước của trẻ. Do vậy, bệnh dễ lây lan khi sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, nơi chơi đùa tập trung…

Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, tuy nhiên bệnh có xu hướng tăng cao khoảng vào đầu mùa mưa (T3 – T5) và đầu mùa khô (T9 – T12).

Biểu hiện của bệnh  tay chân miệng là nổi mụn nước lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, ở mông, quanh miệng, môi, nền họng, niêm mạc miệng lưỡi, nướu,.. khi vỡ thành loét; có thể có sốt hoặc không có sốt. Có những trường hợp người nhà thấy bé ăn uống kém hơn, chảy nước dãi cũng có thể là biểu hiện của loét miệng nên cần tới bác sĩ thăm khám. Ngoài ra, khi có các dấu hiệu như trẻ sốt cao liên tục không hạ; co giật mình, rùng mình; tay chân yếu đi lại loạng choạng; bứt rứt, hoảng hốt; thở nhanh, thở gắng sức, mệt nhọc hoặc môi tím tái… thì phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng có nhiều mức độ, nếu nhẹ thì bé tự hồi phục và khỏi hoàn toàn sau 7 ngày. Tuy nhiên cũng có những trường hợp biến chứng nặng. Biến chứng nặng thường xảy ra ở trẻ bị nhiễm chủng virus EV71. Các biến chứng này bao gồm:

Biến chứng não: viêm não, viêm thân não, viêm não tuỷ. Biểu hiện như giật mình, ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, rung giật nhãn cầu, yếu liệt chi, co giật, hôn mê,…; Biến chứng tim mạch, hô hấp bao gồm: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch có thể tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.

Với sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh trong giai đoạn hiện nay đặc biệt là xuất hiện của Enterovirus 71 (EV71), các địa phương khu vực phía Nam đang tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch cũng như trong công tác điều trị.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần phối hợp trong phòng ngừa để hạn chế số ca mắc mới trong thời gian tới. Trong đó, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ; Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất. Theo dõi sát khi trẻ bị bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để kịp thời điều trị.

Hiện nay, ngoài bệnh tay chân miệng, thì mùa hè này trẻ cũng dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp (viêm họng, viêm hô hấp trên, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen phế quản), sốt xuất huyết, thuỷ đậu, tiêu chảy cấp, cúm mùa…

Để phòng tránh các bệnh này, phụ huynh cần lưu ý cho trẻ ăn chín, uống sôi; rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang khi đến chỗ đông người; cho trẻ tiêm ngừa đầy đủ theo lịch khuyến cáo; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; rửa tay và đồ chơi của trẻ thường xuyên; hạn chế cho trẻ đến nơi đông người để tránh lây nhiễm chéo./.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực