Thông đường nhưng… chưa thoáng lối

Thứ sáu, 17/12/2021 11:02
(ĐCSVN)- Với sự vượt trội về dựa vào các thông tin sinh trắc học (biometrics) mà không cần gặp mặt trực tiếp như quy trình hiện tại giải pháp định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) cho phép ngân hàng vượt qua mọi rào cản địa lý và thời gian để định danh khách hàng 100% online. Tuy nhiên, hiện ngân hàng vẫn đang “mắc kẹt” với một số quy định liên quan đến việc định danh khách hàng bằng eKYC khi cơ chế về eKYC dường như đang bị gò bó trong phạm vi hẹp.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) 

Thực tế cho thấy, với các điều kiện về kỹ thuật hiện nay, các tổ chức tín dụng đã có thể thực hiện định danh khách hàng thông bằng nhiều biện pháp kết hợp an toàn, xác định gần như chính xác giấy tờ tùy thân khách kết hợp với các yếu tố nhận diện sinh trắc học: vân tay, mống mắt, khuôn mặt, giọng nói…

Về mặt pháp lý, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành ngân hàng trong việc hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ do các tổ chức tín dụng cung cấp, và cũng là dần thích nghi linh hoạt, hiệu quả và an toàn với những tiến bộ không ngừng của cuộc cách mạng 4.0, Chính phủ đã kịp thời ban hành một loạt Nghị định, Thông tư về việc thiết lập một hành lang pháp lý về vấn đề này.

Đơn cử như Nghị định 87/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định về việc gặp mặt trực tiếp khách hàng đối với giao dịch liên quan đến công nghệ mới, theo đó các tổ chức tín dụng “được quyết định gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ. Trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng, đối tượng báo cáo phải bảo đảm có các biện pháp, hình thức và công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng”.

Kế đó, Thông tư số 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng đã kịp thời bổ sung Điều 14a quy định về định danh khách hàng cá nhân mở tài khoản thanh toán bằng phương thức eKYC.

Liên quan đến việc xác thực khách hàng và xác thực giao dịch, Thông tư 35/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 35/2018/TT-NHNN) quy định giao dịch ngân hàng trên internet phải xác thực khách hàng (hai yếu tố) và xác thực giao dịch; trường hợp khách hàng không có chữ ký số thì phải có chữ ký điện tử để thực hiện giao dịch theo quy định tại Nghị định 35/2007/NĐ-CP.

Đối với giải pháp xác thực giao dịch, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 630/2017/QĐ-NHNN quy định về các giải pháp xác thực giao dịch thanh toán trực tuyến trên Internetbanking và Mobibanking đối với 10 hình thức xác thực giao dịch, căn cứ bốn cấp độ giao dịch theo loại giao dịch, giá trị giao dịch (giao dịch loại A, B, C, D), trong đó, giao dịch loại A được xác thực giao dịch bằng chính yếu tố xác thực khách hàng (Tên đăng nhập, mật khẩu hoặc mã PIN)…

Hai năm trở lại đây, hàng loạt ngân hàng tại Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, ra mắt các siêu ứng dụng và đặc biệt triển khai công nghệ định danh điện tử eKYC như: HDBank, TPBank, VPBank... Qua giai đoạn thử nghiệm ban đầu, nhiều ngân hàng đã hái quả ngọt. Minh chứng rõ nét như tại HDBank, chỉ sau một tháng ứng dụng eKYC, ngân hàng này đã làm thị trường phải ngạc nhiên vì những kết quả đạt được. Thống kê cho thấy, có đến 40% khách hàng thực hiện các giao dịch online trên nền tảng ngân hàng số HDBank thường xuyên, tăng trưởng 25% so với các tháng trước khi triển khai eKYC.

Tương tự, tại BIDV, cũng chỉ sau một tháng ra mắt ứng dụng eKYC đã có hơn 20.000 người dùng trải nghiệm tính năng eKYC, thể hiện rõ xu hướng số hóa của nhu cầu thị trường…

Dù vậy, các ngân hàng cho rằng, hiện ngân hàng vẫn đang “mắc kẹt” với một số quy định liên quan đến việc định danh khách hàng bằng eKYC khi cơ chế về eKYC dường như đang bị gò bó trong phạm vi hẹp.

Cụ thể, tại tọa đàm trực tiếp và trực tuyến với chủ đề: “Thực trạng giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay và kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Thành Long, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng đánh giá, đối với hoạt động ngân hàng, định danh khách hàng là một yếu tố vô cùng quan trọng để bảo đảm lành mạnh hệ thống ngân hàng, phòng ngừa rủi ro gian lận, rửa tiền, lừa đảo. Mặc dù đã được Chính phủ mở đường bằng những quy định pháp quy nêu trên, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế liên quan đến vấn đề định danh khách hàng bằng phương thức điện tử, xác thực khách hàng và xác thực giao dịch.

Ông Nguyễn Thành Long nêu rõ, hạn chế thứ nhất là, việc định danh khách hàng bằng phương thức điện tử chỉ áp dụng để định danh khách hàng trong hoạt động phòng chống rửa tiền và mở tài khoản thanh toán, chưa được áp dụng chung cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng. Hạn chế thứ hai là, các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các hoạt động nghiệp vụ khác chưa quy định về việc định danh khách hàng, đặc biệt Thông tư 01/2021/TT-NHNN về phát hành giấy tờ của tổ chức tín dụng vẫn còn quy định phải phát hành “trực tiếp” tại địa điểm mạng lưới của tổ chức tín dụng. Hạn chế thứ ba là, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa có quy định và cơ chế triển khai đối với việc Ngân hàng có thể định danh khách hàng dựa trên việc khai thác thông tin đã được định danh tại bên thứ 3 có các tiêu chuẩn tương đương như các ngân hàng đại lý, tổ chức tín dụng, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính hoặc việc khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia, dịch vụ công, Công ty viễn thông, điện, nước, các nguồn dữ liệu của các tổ chức khác ở Việt Nam, nước ngoài… Hạn chế thứ tư là, Quyết định 630/2017/QĐ-NHNN chỉ đề cập đến phạm vi giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong khi các giao dịch trên kênh điện tử của ngân hàng còn phát sinh nhiều loại khác như: gửi tiền gửi có kỳ hạn, cho vay, ngoại hối… các giao dịch tài chính và phi tài chính khác nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của các tổ chức tín dụng. Hạn chế thứ năm là, quy định tại Thông tư 35/2018/TT-NHNN chỉ phù hợp với các trường hợp khách hàng truy cập internet banking từ ứng dụng của ngân hàng, không phù hợp để đáp ứng các giao dịch thanh toán thương mại điện tử, thanh toán chi phí nhu cầu phát sinh thường xuyên của khách hàng như: thanh toán điện, nước, điện thoại, thanh toán QRcode… trên các ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng của bên thứ ba do các ứng dụng này thường có phương pháp định danh khách hàng không cấu trúc phức tạp như quy định tại Điều 9 Thông tư 35/2018/TT-NHNN.

Theo ông Nguyễn Thành Long, khi thanh toán cho các loại giao dịch này, khách hàng chỉ cần vào ứng dụng của bên cung cấp hàng hóa dịch vụ, đăng ký thanh toán bằng thẻ/tài khoản tại ngân hàng và được xác thực giao dịch thông qua OTP kết hợp với một yếu tố định danh như thẻ thông minh, thiết bị token, điện thoại di động… mà không cần phải truy cập dịch vụ internetbanking để xác thực khách hàng trước khi thực hiện giao dịch.

Nhận định về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trải nghiệm khách hàng sẽ tốt hơn và dễ dàng hơn với eKYC. Tuy nhiên, hiện mỗi ngân hàng có một giải pháp eKYC khác nhau, cũng không liên kết hay chia sẻ với nhau. Việc thiếu cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu của khách hàng sẽ làm tiêu tốn và lãng phí nhiều nguồn lực của chính các ngân hàng. Chẳng hạn, khách hàng định danh ở ngân hàng này rồi sang ngân hàng khác vẫn định danh lại, có thể gia tăng khả năng xuất hiện nhiều tài khoản rác…

Thực tế, tại các quốc gia phát triển như: Mỹ, châu Âu, khách hàng thực hiện eKYC ở một ngân hàng, thông tin dữ liệu sẽ được cập nhập trên hệ thống quốc gia và có thể thực hiện giao dịch tại bất kỳ ngân hàng nào.

Thiết nghĩ, dù vấn đề an toàn giao dịch cho mỗi tổ chức tín dụng, của cả hệ thống ngân hànghện thông và việc bảo đảm quyền lợi cho khách hàng sử dụng các dịch vụ do hệ thống ngân hàng cung cấp luôn được đặt lên hàng đầu, song từ các hạn chế trên, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý rộng mở hơn, đáp ứng những yêu cầu phát sinh từ thực tế hiện nay.

Cụ thể như mở rộng phạm vi áp dụng của Quyết định 630/2017/QĐ-NHNN, cho phép áp dụng các giải pháp xác thực đối với các giao dịch Ngân hàng điện tử, bao gồm giao dịch thanh toán, chuyển tiền, giao dịch tài chính giá trị tương đương và giao dịch phi tài chính. Bên cạnh đó, sửa đổi Thông tư 35/2018/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được áp dụng giải pháp xác thực khách hàng thông qua bên thứ ba cung cấp dịch vụ và/hoặc chỉ cần áp dụng một yếu tố xác thực khách hàng đối với các giao dịch thương mại điện tử, thanh toán phí dịch vụ thường xuyên và các khoản thanh toán giá trị thấp, tương đương giao dịch loại A, B quy định tại Quyết định 630/2017/QĐ-NHNN./.

Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng Thông tư về việc định danh khách hàng khi ngân hàng thiết lập quan hệ và cung cấp tất cả các dịch vụ tới khách hàng, trong đó phạm vi bao gồm: định danh khác hàng trực tiếp và eKYC khách hàng cá nhân, tổ chức; có hướng dẫn định danh khách hàng tham chiếu theo các thông tin khách hàng đã định danh tại bên thứ ba với các tiêu chuẩn định danh khách hàng tương đương như tổ chức tín dụng. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định Luật Các tổ chức tín dụng về việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp và các hệ thống dữ liệu quốc gia khác như: đất đai, tài sản, thuế… để góp phần minh bạch, lành mạnh hóa nền kinh tế.

Đặc biệt là tránh việc dù đã được Chính phủ “mở đường” bằng những quy định pháp quy, song việc thực hiện eKYC lại bị “gò bó”, cản trở bởi những chi tiết hạn hẹp, cụ thể. Như thế chẳng khác nào dù thông đường nhưng lại cản lối tiếp cận các dịch vụ ngày càng tiện ích, phù hợp xu hướng công nghệ mới trong dòng pháp triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực