Trông người mà ngẫm đến ta

Thứ ba, 13/07/2021 12:18
(ĐCSVN) - Hãy nhìn vào diễn biến dịch COVID-19 gần đây của thế giới, nhất là khu vực châu Á và ngay tại đất nước ta, mỗi người trong chúng ta cần phải biết sợ. Vì dịch COVID-19 đang hiện hữu ngay trong cộng đồng, “lởn vởn” xung quanh chúng ta.
"Vắc xin " ý thức của mỗi người dân quan trọng không kém vắc - xin phòng chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: minh họa. Nguồn ảnh: TH) 

Đến sáng 11/7, theo trang web thống kê worldometers.info, thế giới có tổng số 187.263.125 ca nhiễm và 4.042.632 ca tử vong vì dịch COVID-19. Châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất thế giới với 57.456.188 ca nhiễm và 818.184 ca tử vong.

Hiện Thái Lan ghi nhận số ca tử vong theo ngày ở mức cao mới (91 ca), nâng tổng số lên 2.625 ca. Chính phủ Thái Lan quyết định áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn ở thủ đô Bangkok cùng 5 tỉnh lân cận và 4 tỉnh ở miền Nam từ ngày 12/7.

Còn Hàn Quốc ghi nhận 1.378 ca nhiễm mới - con số cao chưa từng có, trong đó 1.320 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 166.722 ca. Chính phủ Hàn Quốc chuẩn bị thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất (cấp độ 4) để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 4 lan ra toàn quốc.

Đáng chú ý, Indonesia đang phải vật lộn với sự gia tăng của ca mắc COVID-19 trong vài tuần qua. "Ổ dịch" lớn nhất Đông Nam Á liên tục ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và đã ghi nhận hơn 1.000 người tử vong trong một ngày. Indonesia đang vỡ trận điều trị. Bởi chỉ 2 tháng trước, Indonesia đã viện trợ cho Ấn Độ hàng nghìn bình ôxy để đối phó với đại dịch. Còn bây giờ, quốc gia Đông Nam Á đang phải tìm kiếm nguồn cung ôxy khẩn cấp từ nước ngoài… Điều đó cho thấy cuộc chiến chống lại đại dịch ở quốc gia này đang ngày càng trở nên khốc liệt trong bối cảnh hệ thống y tế đã bị quá tải trầm trọng. Chính phủ gồng mình chống dịch, người dân hoang mang, lo lắng, chưa bao giờ Indonesia lâm vào cảnh chết chóc bi thương đến vậy.

Tại đất nước chúng ta, đã qua 3 đợt dịch COVID-19 nhưng chưa đợt nào mà chúng ta thấy nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trên toàn quốc lại hiện hữu như bây giờ. Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh đã vượt qua 15.000 ca mắc, mỗi ngày gần đây đều trên 1.000 ca, cả nước gần 2.000 ca/ngày. TP Hồ Chí Minh xây dựng kịch bản 10.000 - 15.000 bệnh nhân, số bệnh nhân hiện đã chạm ngưỡng. Nhiều bệnh viện dã chiến ở công sở, trường học, khu dân cư đã mọc lên.

Tương tự, các tỉnh, thành phố như Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Khánh Hòa… số lượng ca mắc COVID-19 cũng đang tăng lên nhanh chóng… Từ 27/4 đến 12/7, dịch COVID-19 đã lan rộng trên 58 tỉnh, thành với 26.930 ca mắc. Cả nước chỉ còn 5 tỉnh chưa bị dịch "xâm lấn" là Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Bình và Kon Tum. 

Nguy cơ đang hiện hữu như thế. Nhưng đáng buồn thay, nhiều nơi vẫn còn tình trạng “điếc không sợ súng”. Một số người bất chấp những khuyến cáo của Bộ Y tế, chính quyền địa phương vẫn tụ tập đông người. Ví dụ ngay tại Hà Nội, tối 9/7, Công an quận Đống Đa đã phối hợp với công an địa bàn kiểm tra ngôi nhà tại số 82 Phạm Ngọc Thạch, phường Trung Tự, quận Đống Đa phát hiện hơn 30 người tới đây tụ tập karaoke. Tại Hải Dương, chiều 11/7, Công an huyện Cẩm Giàng phối hợp với lực lượng công an xã trên địa bàn phát hiện quán karaoke Bon Club ở thôn Cao Xá, xã Cao An đang có 31 nam, nữ gồm cả khách và nhân viên đang hát karaoke…

Chưa hết, tại một số nơi khác vẫn còn tồn tại tình trạng chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều người dân không tuân thủ giãn cách, nhiều người không đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nhiều nhà hàng bất chấp lệnh cấm vẫn ngồi kín như nêm, vẫn lén lút hoạt động sau 21 giờ… Thậm chí, có trường hợp về từ vùng dịch, dù được yêu cầu cách ly, theo dõi sức khỏe, vẫn đi khắp nơi mọi chốn, tiếp xúc nhiều người làm lây lan dịch bệnh rất đáng quan ngại. Nó không chỉ xảy ra ở 1 người, 2 người mà đã xảy ra ở một loạt các tỉnh, thành phố trong thời gian qua.

Nghe thông tin mà các phương tiện đại chúng đưa ra trong thời gian qua về nội dung các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Yên Bái, Lâm Đồng, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, … ra quyết định khởi tố các bệnh nhân COVID-19 làm lây lan dịch bệnh trên cộng đồng mà thấy ngán ngẩm. Ý thức của nhiều người thật đáng lên án. Hay xem 1 clip xảy ra chiều tối ngày 10/7 tại khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, khi công nhân Công ty TNHH Ampacs International nghe tin có một công nhân làm việc tại đây dương tính với SARS-CoV-2. Lúc này, hàng trăm công nhân đã đẩy hàng rào chắn cổng chạy ra ngoài trước sự bất lực của lực lượng bảo vệ. Xem những hình ảnh ấy, nhiều người ngán ngẩm, lắc đầu, thậm chí bất lực không biết cuộc chiến chống dịch bao giờ mới đến hồi kết khi còn không ít người thiếu ý thức như vậy…

Mong rằng, mỗi người dân hãy “trông người mà ngẫm đến ta”, biết sợ trước cảnh chết chóc, bi thảm của “bóng ma” COVID-19 trên thế giới, nhất là các nước đông Nam Á xung quanh chúng ta để nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính mình, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Vì dù Chính phủ, các ngành, các cấp có nỗ lực bao nhiêu, cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa nhưng nếu mỗi người dân không ý thức việc phòng chống dịch, có tâm lý chủ quan, lơ là,... thì công cuộc phòng chống dịch chắc chắn sẽ không đạt hiệu quả như mong đợi. Việt Nam có sớm chặn được dịch hay không, phụ thuộc lớn vào sự vào cuộc của mỗi công dân. Chiến dịch vắc-xin đã bắt đầu triển khai diện rộng trên toàn quốc, nhưng cần hơn hết là “vắc-xin” ý thức của mỗi người để đồng hành cùng Chính phủ chống dịch.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng vẫn đang “căng mình” chống dịch. Mỗi người dân cần phải ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 đến tính mạng, và đang hiện hữu ngay trong cộng đồng, quanh chúng ta, ai cũng có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Vậy nên, vắc-xin phòng chống dịch hiệu quả nhất mà ai cũng có thể tự trang bị để đề kháng cho mình là “vắc-xin" ý thức. Để chống dịch thành công thì ngay bây giờ mỗi người dân hãy thực hiện thật tốt, thật nghiêm các biện pháp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) cũng như những khuyến cáo của Bộ Y tế và chính quyền địa phương. Chỉ có vậy, mọi cố gắng nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ngành, các cấp và sự hy sinh của các lực lượng tuyến đầu mới thực sự có ý nghĩa và mang lại những kết quả tốt đẹp trong thời gian tới./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực